Tiềm năng hợp tác thương mại với Quảng Đông và Hong Kong còn rất lớn

Thứ Tư, 19/07/2017, 21:23
Mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc) đạt nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua, nhưng tiềm năng hợp tác giữa hai bên hiện vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhiều tín hiệu tích cực

Tại buổi Tọa đàm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Đông, Hong Kong) diễn ra ngày 19-7, trước 300 đại biểu bao gồm lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực đến từ 12 tỉnh, thành của Việt Nam và Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc), đại diện hai bên đã khẳng định quan hệ nhiều mặt giữa hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại toạ đàm.

Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Quảng Đông đạt 17 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2015 và chiếm 25% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy, Quảng Đông tiếp tục là một trong những địa phương của Trung Quốc đi đầu về hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, Quảng Đông đầu tư vào Việt Nam 29 dự án, tổng số vốn đầu tư thỏa thuận tăng thêm đạt 1,132 tỷ USD. Tính đến tháng 12-2016, đã có 92 doanh nghiệp Quảng Đông đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư thực tế đạt hơn 200 triệu USD.

Các lĩnh vực hợp tác chủ chốt khác như xuất nhập khẩu nông sản, xây dựng khu công nghiệp, hợp tác giao thông vận tải  và du lịch đều có những bước tiến triển tích cực, giao dịch song phương trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 900 triệu USD.

Trong khi đó, đầu tư từ các doanh nghiệp Hong Kong vào Việt Nam cũng tăng mạnh. Kim ngạch thương mại song phương đạt mức tăng trưởng rất tốt trong thời gian vừa qua.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng mặc dù con số 17 tỷ USD giao thương với riêng Quảng Đông và 6 tỷ USD với Hong Kong của Việt Nam là rất lớn, nhưng nó chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của các khu vực này này nên tiềm năng hợp tác vẫn còn rất rộng mở trong nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp hai phía.

Tiền năng rộng mở

Theo đại diện Quảng Đông và Hong Kong, các khu vực này đều có nền kinh tế năng động nhất của Trung Quốc. Năm 2016, GDP của riêng tỉnh Quảng Đông này đạt khoảng 1.200 tỉ USD, đứng thứ 3 Trung Quốc, chỉ sau thủ đô Bắc Kinh và thành phố cảng Thượng Hải. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây là thị trường có sức mua rất lớn với thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân tiết lộ mới được chiêu đãi món bơ của Việt Nam. Lần đầu tiên ăn quả bơ, ông đã thấy rất thú vị. Theo ông, đó chính là ví dụ cho thấy nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Quảng Đông và Trung Quốc.

Quả bơ Việt Nam đã chiếm trọn cảm tình của Phó Tỉnh trưởng Quảng Đông. Ảnh: Internet

Cũng liên quan đến nông sản, tỉnh Quảng Đông với dân số khoảng 100 triệu người, mỗi năm tiêu thụ tới 45 triệu tấn lương thực nhưng chỉ tự đáp ứng được 15 triệu tấn, 30 triệu tấn còn lại phải nhập từ các nguồn trong và ngoài nước. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp nông sản Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, theo Thứ trưởng Trung, nhu cầu của Việt Nam về xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch tới 2030 như làm mới 6000km đường cao tốc, nhiều sân bay và cảng nước sâu là rất phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp, nhà thầu tới từ Quảng Đông, Hong Kong.

Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với mức tăng trưởng ổn định hiện đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và là thành viên của nhiều hiệp định kinh tế tự do tại khu vực cũng như trên toàn cầu. Như vậy, Việt Nam có thể đóng vai trò cửa ngõ cho Hong Kong và Quảng Đông mở rộng hoạt động thương mại của mình, đặc biệt là tại ASEAN, một thị trường siêu lớn với hơn 600 triệu dân và GDP đạt hơn 2.500 tỷ USD.

Thêm nữa, sau 30 năm đổi mới thành công, Việt Nam đã hoàn thiện hành lang pháp lý và tối ưu hóa môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi tối ưu và bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, khiến đất nước hình chữ S thực sự là môi trường đầu tư tiềm năng cho doanh nghiệp Quảng Châu và Hong Kong.

Thiện Nhân
.
.
.