Tăng trưởng kinh tế - dấu ấn một nhiệm kỳ

Thứ Bảy, 12/09/2020, 07:48
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, sau đó lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.


Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó có diễn biến mau lẹ, thách thức phức tạp, vượt ngoài dự báo của con người như thảm họa đại dịch COVID-19. 

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả thệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong nhiệm kỳ và đạt được thành tựu rất quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Đánh giá thành tựu trên phương diện kinh tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, sau đó lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; kinh tế vĩ mô vẫn ổn định khá vững chắc; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước được tăng cường.

Đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên một bước. Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dânngày càng được nâng cao (tỉ lệ hộ nghèo từ 58% (năm 1993), 9,88% (năm 2016)giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2020). Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáodục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, v.v... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi trội.

Dấu ấn tăng trưởng kinh tế thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên được đánh dấu bằng tình hình kinh tế và chỉ số tăng trưởng cụ thể. Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế. 

Tăng trưởng liên tục gia tăng và đạt mức cao trong bối cảnh thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, năm 2016 đạt 6,21%, 2017 đạt 6,81% , 2018 đạt 7,08% và 2019 là 7,02%. Bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt đạt khoảng trên 6%. Từ đó, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 300 tỷ USD, tăng khoảng 1,5 lần so với 2015. 

Với những kết quả này, nhất là 2019, Ngân hàng Thế giới nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam”, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất khu vực, quốc tế...

Một trong những điều được các nhà nghiên cứu, nhân dân phấn khởi, đặt niềm tin cho một thời kỳ tăng trưởng bền vững, ổn định, đó là huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng lên, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 33,7% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm, tỷ lệ khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh là tín hiệu rất tích cực, đáng mừng, đặc biệt hiệu quả sử dần được nâng cao, chất lượng sử dụng vốn đầu tư được cải thiện rõ nét. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục 38 tỷ USD năm 2019… 

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được trú trọng, tái cơ cấu, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, dự án kinh tế được thiết lập, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Bộ mặt hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn thay đổi rõ rệt. Các thành phần kinh tế, đặc biệt có kinh tế tư nhân được nhìn nhận đúng vai trò, vị trí, là động lực phát triển kinh tế và tạo “quả ngọt” tăng trưởng cao, bền vững.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt cao nhất trong lịch sử qua từng năm (2019 đạt 516,6 tỷ USD, tăng 1,7 lần so với 2015; năm 2020 ước đạt 566 tỷ USD). Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư thương mại, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp và tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu. Thị trường xuất, nhập khẩu được mở rộng và đa dạng. 

An sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đảm bảo. GDP bình quân đầu người tăng từ 2.109 USD/người năm 2015 lên 2.785 USD/người năm 2019; năm 2020 ước đạt 3000 USD/người, gấp 1,4 lần so với 2015. Các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được tập trung đầu tư và đi vào thực chất, hiệu quả. Giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe được tăng cường. Chất lượng dân số từng bước cải thiện. Bộ mặt nông thôn được thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên rõ rệt.

Từ những dấu ấn to lớn quan trọng này, nhân dân thêm niềm tin, phấn khởi và tự hào, tiếp tục khẳng định con đường đi lên của nhân dân ta đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng là sáng suốt, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, tổ chức, đạo đức, văn minh dẫn dắt dân tộc ta vững vàng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thực tế trên cũng là những minh chứng sinh động và là câu trả lời rõ ràng nhất phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch. Một trong các mũi nhọn mà các thế lực thù địch tấn công vào quan điểm, đường lối của Đảng được chúng “khoét sâu” là chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Chúng xuyên tạc cho rằng: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một khái niệm mơ hồ, đã lựa chọn kinh tế thị trường thì không có định hướng XHCN”, rằng “đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là không tưởng, chắp vá”…

Với thực tiễn rõ ràng, những chỉ số tăng trưởng cao, đầy đủ, cụ thể, minh bạch như vậy, chỉ có những đối tượng, cá nhân nếu không phải nhận thức “mơ hồ, chắp vá, hoang đường” thì đích thị là luận điệu sai trái, xuyên tạc của đối tượng thù địch, cơ hội, bất mãn, chống phá Việt Nam. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới. 

Tại diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao xoay quanh vấn đề Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019, ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng thế giới tại khẳng định: “Thương mại Việt Nam có bước tăng trưởng mạnh mẽ, luôn nằm trong top hàng đầu khu vực, kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng trong nhóm cao nhất thế giới”. 

Chúc mừng Việt Nam nhân 75 năm Quốc khánh vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc - ông António Guterres đã phát biểu, ghi nhận: “Vai trò đầu tàu của Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp Việt Nam triển khai Chương trình Phát triển Bền vững 2030”... 

Thực tế đó đã thể hiện và khẳng định tính đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực trong quản lý của Nhà nước thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Thành tựu của Đảng trong phát triển, hoàn thiện về lý luận, thực tiễn thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN - Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Những dấu ấn, thành tựu về tăng trưởng, phát triển kinh tế nói riêng và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung trong nhiệm kỳ qua, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)
.
.
.