Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Chủ Nhật, 09/02/2020, 08:15
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn, khả năng khó đạt được.


Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ( KH&ĐT) đã có báo cáo đưa ra hai kịch bản dự kiến cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, kịch bản 1: Nếu dịch virus Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01). Kịch bản 2: Nếu dịch virus Corona được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01).

Đánh giá về tác động đến giá cả, lạm phát, Bộ KH&ĐT cho rằng, trường hợp dịch virus Corona kết thúc ở quý I/2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý II/2020 (so với kịch bản ngày 31-1). Nếu dịch virus Corona tiếp tục diễn biến sang quý II/2020, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút và tăng vào các tháng cuối năm.

Nếu dịch Corona tiếp tục diễn biến sang quý II/2020, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có thể tăng cao hơn.

Về xuất nhập khẩu, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra 2 kịch bản, trong đó đều dự báo kim ngạch sẽ giảm mạnh. Cụ thể, kịch bản 1, nếu dịch kết thúc cuối quý I/2020 thì xuất khẩu ước tính quý I đạt kim ngạch 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản, thủy sản giảm mạnh. Hàng điện thoại các loại và linh kiện cũng giảm tới 27%. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.

Còn ở chiều nhập khẩu, ước tính quý I kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Với kịch bản 2, nếu dịch kết thúc cuối quý II/2020 thì xuất khẩu ước tính quý II đạt kim ngạch 51 tỷ USD, giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, các ngành cần tái cơ cấu sản xuất để giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh. Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp cần tập trung vào tiêu thụ các sản phẩm rau quả đến mùa thu hoạch thông qua nhu cầu nội tại trong nước. Các ngành chức năng tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam tại các thị trường tiềm năng khác như: Trung Đông, EU, châu Phi và ASEAN. Đặc biệt, chú trọng xây dựng kế hoạch gia nhập vào những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA.

Ngành nông nghiệp cũng cần tổ chức lại sản xuất trong nước, đặc biệt đối với ngành hàng rau quả, mặt hàng đang xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc bằng cách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản đối với mặt hàng này…

Đối với sản xuất công nghiệp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất, xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh như: Dệt may, da giày, điện tử, ô tô, thép, chế biến lương thực, thực phẩm...

Giải pháp về xuất nhập khẩu, cần kiểm soát cung cầu, giá cả và tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường; nâng cao chất lượng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giá thành xuất khẩu qua các thị trường trung gian thứ ba… 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến giá cả và có các giải pháp về kiểm soát các dịch bệnh để ổn định nguồn cung thực phẩm, hạn chế tăng giá các mặt hàng này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng từ 2 - 2,5%; đồng thời tăng cường tuyên truyền và kiểm soát thông tin mạng để hạn chế thông tin không đúng gây tâm lý cho người tiêu dùng và gây nên lạm phát kỳ vọng.

Lưu Hiệp
.
.
.