Dịch viêm phổi cấp do virus Corona:

Tác nhân khiến tăng trưởng kinh tế của nhiều nước giảm mạnh

Chủ Nhật, 02/02/2020, 08:28
Trước tiên là nước “chủ nhà” Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể giảm tới 2% trong quý hiện tại. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 0,14% và thứ 3 là Hàn Quốc, từ 0,2-0,3% trong trường hợp dịch bệnh chỉ giới hạn ở Trung Quốc, giảm 0,6-0,7% nếu dịch bệnh lây lan sang nước này. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế của dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra.

Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc được công bố sáng 1-2, số người tử vong do nhiễm virus Corona trong ngày 31-1 là 46 người, nâng tổng số ca tử vong lên 259 trong tổng số 11.791 người nhiễm bệnh trên toàn bộ 31 tỉnh, thành Trung Quốc. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc, trong số các ca tử vong mới, trừ một trường hợp, còn lại tất cả các bệnh nhân đều thuộc tỉnh Hồ Bắc, “tâm chấn” của dịch viêm phổi cấp.

Riêng thành phố Vũ Hán ghi nhận 576 ca nhiễm mới và 33 người tử vong. Cũng theo NHC, chỉ trong ngày 31-1, có 72 trường hợp được xuất viện. Tất cả các bệnh nhân không còn các triệu chứng sốt cao trong vòng 3 ngày và kết quả xét nghiệm acid nucleic 2 lần cho kết quả âm tính với virus Corona đều có thể xuất viện.

Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona tại Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra ước tính về thiệt hại kinh tế mà nước này có thể phải gánh chịu dù con số khó tính toán chính xác ở thời điểm hiện tại.

Google đóng cửa các văn phòng tại Trung Quốc do virus Corona. Ảnh: KT

Một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và một số nhà kinh tế dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể giảm tới 2 điểm phần trăm trong quý đầu năm 2020, so với mức 6% của quý IV/2019. Mức giảm này tương đương với khoản tổn thất 62 tỷ USD. Đây có thể vẫn chưa là con số cuối cùng khi vẫn còn quá sớm để xác định chính xác mức độ tác động từ dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đối với các doanh nghiệp và ngành nghề.

Hiện nhà sản xuất ôtô điện Tesla của Mỹ đã buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy mới xây dựng ở Thượng Hải. Hoạt động sản xuất của Apple cũng bị gián đoạn do các nhà cung cấp ở Vũ Hán phải ngừng hoạt động. Tác động dài hạn từ dịch bệnh lên cả hai công ty hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên nhiều ngành khác có thể chịu nhiều thiệt hại ngay tức thì.

Du lịch - một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc - đã suy yếu khi chính phủ tiến hành kiểm dịch tại các trung tâm đô thị lớn còn người dân tránh đi du lịch vì sợ bị lây nhiễm.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Zhang Ming thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cùng một số nhà phân tích khác cho rằng, tác động từ dịch viêm phổi cấp do virus Corona thậm chí có thể nghiêm trọng hơn SARS - dịch viêm đường hô hấp cấp đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lao dốc hồi năm 2002-2003. Dịch bệnh lần này có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất việc làm và đẩy giá tiêu dùng cao hơn, qua đó càng làm sâu sắc thêm những vấn đề kinh tế đã tồn tại từ trước của Trung Quốc.

Chuyên gia Zhang Ming cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc – vốn đã là mối lo ngại của các quan chức - có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Tỷ lệ này thường dao động trong khoảng 4-5%. Khoảng 290 triệu công nhân của Trung Quốc sẽ thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch.

Nhiều người trong số họ dịch chuyển từ nông thôn lên thành phố để làm những công việc như xây dựng và sản xuất, phục vụ trong nhà hàng, giao hàng hoặc nhân viên vệ sinh. Nhưng do nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn ngừng hoạt động, hàng triệu công nhân đó có thể khó tìm được việc làm sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kết thúc. Hơn 10 triệu công nhân từ tỉnh Hồ Bắc cũng có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ các chủ thuê lao động vì nỗi sợ rằng họ có thể lây lan virus cúm.

Các nhà kinh tế nhận định Trung Quốc có thể sẽ phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và cắt giảm lãi suất cơ bản để giảm bớt hậu quả thiệt hại bởi dịch bệnh hiện nay trong bối cảnh kinh tế nước này đang lâm vào tình trạng suy yếu trong năm qua với mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 thập kỷ (6,1%) cùng với cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Chuyên gia Zhang Ming cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho y tế công cộng cũng như đào tạo nghề. Ông cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Bằng cách thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo việc làm, ông Zhang Ming nói rằng các thành phố có thể bù đắp bất kỳ sự suy yếu nào trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và chế tạo.

Ở trường hợp Nhật Bản, theo các nhà phân tích, việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với virus Corona có thể là một đòn giáng vào Nhật Bản trong bối cảnh nền kinh tế của nước này đang hưởng lợi lớn từ chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.

Nhà kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản năm 2020 có thể giảm 0,45%, hay 2.480 tỷ yen (khoảng 22,7 tỷ USD) nếu bệnh viêm phổi do virus Corona tác động đến lượng du khách nước ngoài đến nước này kéo dài trong một năm. Nếu dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu này được kiểm soát trong vòng vài tháng, thì tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ giảm 0,14%, tương đương 776 tỷ yen.

Theo ông Takahide Kiuchi, ngoài lượng du khách đến Nhật Bản dự báo giảm, chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng Nhật Bản giảm cũng như sự đình trệ hoạt động của ngành chế tạo và nền kinh tế toàn cầu có thể là những yếu tố bổ sung khi dự báo về tác động của virus Corona đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Nhà kinh tế Kazuma Maeda thuộc Công ty Barclays Securities Jâpn Ltd thì nhận định rằng nền kinh tế Nhật Bản vào thời điểm này dễ bị tổn thương hơn. Ông nói: “Hoạt động trong ngành dịch vụ đang gặp bất lợi do lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản giảm bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng giữa hai nước cũng như việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8 lên 10% từ tháng 10-2019”. Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc công ty SMBC Nikko Capital Securities Co cho rằng GDP của Nhật Bản sẽ giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm nay do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu sụt giảm.

Không chỉ kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ chịu tác động từ dịch bệnh virus Corona gây ra, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc dự báo sẽ giảm khoảng 0,1-0,2% trong năm 2020 trong bối cảnh virus Corona mới đang lây lan nhanh chóng.

Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai vừa công bố báo cáo nhận định virus Corona lây lan sẽ khiến thị trường tài chính biến động mạnh, xuất khẩu và du lịch thu hẹp, tương tự thời điểm Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS), hay Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) bùng phát trong quá khứ.

Dựa trên những kinh nghiệm từ dịch SARS và MERS, các chuyên gia thuộc viện trên đã phân tích các tác động của hai trường hợp, một là virus Corona chủng mới chỉ tập trung ở Trung Quốc, hai là virus này lan rộng sang Hàn Quốc. Trong trường hợp virus Corona chỉ giới hạn ở Trung Quốc, ước tính lượng khách du lịch người nước ngoài tới Hàn Quốc từ tháng 1 – 4-2020 sẽ đạt khoảng 616.000 lượt người, khiến thu nhập ngành du lịch Hàn Quốc giảm 900 tỷ won (gần 760 triệu USD) trong khi tiêu thụ nội địa Hàn Quốc sẽ giảm khoảng 0,1%.

Ở kịch bản còn lại, ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ chỉ đạt tối đa khoảng 2.021.000 lượt người, khiến thu nhập ngành du lịch giảm tới 2.900 tỷ won (2,45 tỷ USD) và tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ giảm từ 0,3-0,4%.

Dự đoán xuất khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ giảm từ 150-250 triệu USD do nhu cầu ở nội địa Trung Quốc giảm mạnh. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2020 của Hàn Quốc sẽ giảm từ 0,2-0,3% trong trường hợp dịch bệnh chỉ giới hạn ở Trung Quốc, giảm 0,6-0,7% nếu dịch bệnh lây lan sang Hàn Quốc. Điều này dẫn tới lo ngại tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ giảm tối đa 0,1% nếu dịch bệnh chỉ giới hạn ở Trung Quốc, 0,2% khi dịch bệnh lan rộng sang cả Hàn Quốc.

Viện trên cũng khuyến cáo Chính phủ Hàn Quốc cần chia sẻ minh bạch các thông tin liên quan để người dân bớt bất an, đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân trong nửa đầu năm để duy trì xu thế hồi phục kinh tế, lập ngân sách bổ sung, đưa ra các chính sách vực dậy nền kinh tế khi thấy dấu hiệu đi xuống. Cuối cùng, Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai nhấn mạnh chính phủ cần tăng cường tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tầng lớp thu nhập thấp, lĩnh vực nhà hàng, du lịch.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.