Trò chuyện Chủ nhật

TPP 11 không triệt tiêu sức ép phải cải cách thể chế

Chủ Nhật, 26/11/2017, 09:35
TPP không có Mỹ khiến lợi ích mà Việt Nam được hưởng giảm về con số, cả về tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không nên tham gia TPP 11, bởi cơ hội mới vẫn mở ra.

“TPP không có Mỹ khiến lợi ích mà Việt Nam được hưởng giảm về con số, cả về tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không nên tham gia TPP 11, bởi cơ hội mới vẫn mở ra. Bên cạnh đó, sức ép cải cách thể chế vẫn còn, sẽ là động lực khiến Việt Nam thay đổi nhanh hơn để thích ứng với bối cảnh mới” - TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm xung quanh việc 11 quốc gia (trừ Mỹ) đạt được thỏa thuận Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

TS Trần Toàn Thắng.

PV: Dù việc đạt được những thỏa thuận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gây được sự chú ý lớn, nhưng việc TPP không có Mỹ khiến sự háo hức về hiệp định này cũng “nhạt” đi nhiều. Theo ông, thiếu Mỹ có thực sự làm CPTPP giảm sức hút, giảm mức độ ảnh hưởng một cách đáng kể và trở thành một hiệp định “hình thức” hơn là có tác động thực sự về thương mại, đầu tư?

TS Trần Toàn Thắng: Không thể phủ nhận Mỹ là trụ cột chính trong TPP. Không chỉ Việt Nam, hầu hết các nước đều nhằm vào thị trường Mỹ khi tham gia thỏa thuận này. Việc thiếu Mỹ đương nhiên làm tính toán của mỗi quốc gia trong TPP thay đổi. Tuy vậy, TPP không có Mỹ (TPP 11) có phải là con số 0 với các nước còn lại hay không? Do tác động chuyển hướng thương mại, một quốc gia có thể được lợi hoặc bị thiệt hại ngay cả khi không tham gia một hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu mình không tham gia trong khi các nước khác vẫn tiếp tục tham gia, thương mại, đầu tư và tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tôi cho rằng, các nước đều đã tính đến điều này khi quyết định tham gia các cuộc họp từ đầu tháng 5-2017 liên quan đến tương lai của TPP 11. Việt Nam cũng vậy. Khi TPP còn có Mỹ, các phân tích cho thấy Việt Nam được hưởng lợi rất tích cực, như GDP tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ con số này giảm đi rất nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là không nên tham gia.

PV: Cụ thể mức giảm tỷ lệ hưởng lợi của Việt Nam ra sao?

TS Trần Toàn Thắng: Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy Việt Nam không được lợi nhiều về mặt con số với TPP 11. Chẳng hạn, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP 12 là 6,7%. Xuất khẩu tăng thêm 4%, trong khi TPP 12 khoảng 15%. Nhập khẩu tăng 3,8%, so với 10,5% của TPP 12. Những con số đó cho thấy mức độ  hưởng lợi của chúng ta giảm rất nhiều, do thiếu lợi ích tăng thêm từ thị trường Mỹ. Đây là những thứ có thể hình dung được về mặt định tính. Tuy nhiên, kể cả khi con số lợi ích mang lại rất ít thì việc tham gia TPP 11 cũng vẫn đáng cân nhắc. Nếu không tham gia có tiêu cực không? Câu trả lời là có.

Khi các nước tập trung buôn bán với nhau trong TPP thì sẽ giảm buôn bán với Việt Nam. Đó là việc đương nhiên. Trong khi đó, Việt Nam bị mất cơ hội tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương, gồm: Canada, Mexico, Peru, là những thị trường Việt Nam chưa có FTA. Dù các thị trường tôi nói ở trên, ở một mức độ nào đó, khá tương đồng với Việt Nam, chỉ có Canada ở mức độ phát triển cao hơn một chút, có nghĩa là sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh chứ không phải bổ sung cho Việt Nam, là một điểm có thể phải cân nhắc.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên chỉ số tương đồng cũng không hoàn toàn đúng. Ví dụ, thị trường ASEAN, ta tương đồng khá nhiều, nhưng ta cũng buôn bán với họ nhiều. Nên thuận lợi là ta có thêm thị trường ấy, vốn là thuế khá cao, giờ được cắt giảm.

Đơn cử Mexico, mức thuế trung bình khoảng 8%, nhưng với da giày, dệt may, mức thuế cao hơn do bảo hộ, vì đây cũng là mặt hàng chiến lược của họ. Nếu giảm được vài % mức thuế này cũng tạo ra lợi thế xuất khẩu khá lớn. Một lợi thế khác là trao đổi nguồn cung nguyên liệu. Bản thân các nước đó cũng nhìn sang các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam như một thị trường lớn. Việc đó cũng mở ra cơ hội cho họ. Thương mại rõ ràng là sẽ có tăng.

Nếu nói về lợi hay hại thì nhìn trên con số ở nghiên cứu của tôi thì một số ngành như dệt may, da giày – tức là các ngành thâm dụng lao động, Việt Nam vẫn được lợi, tăng được lượng xuất khẩu nhờ hiệp định này. Chúng ta chỉ không tăng được lợi thế ở thị trường Mỹ thôi, chứ không phải hoàn toàn mất thị trường Mỹ, vì hiện nay chúng ta cũng đang xuất khẩu.

Ngoài ra, TPP 11 cũng sẽ kéo theo lợi ích về đầu tư, ví dụ từ Hàn Quốc, Nhật Bản – những nước muốn tận dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Canada hay các nước TPP 11.

Thêm vào đó, phân tích định tính thì có một yếu tố thuộc về cơ hội khi tham gia TPP 11 mà khi không tham gia ta có thể bị thiệt, đó là các nước thỏa thuận tham gia TPP 11 đều có kỳ vọng biết đâu một vài năm nữa Mỹ trở lại. Khi đó lợi ích của hiệp định này lại khá lớn cho Việt Nam.

PV: Khả năng Mỹ trở lại có lớn không, và ta có nên chờ đợi khả năng đó hay nên hoàn toàn “quên” Mỹ đi?

TS Trần Toàn Thắng: Kỳ vọng ấy là đương nhiên. Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP vào tháng 1-2017, không phải nước nào cũng sẵn sàng duy trì TPP, trừ Australia và Nhật, là 2 nước đã thông qua TPP. Từ tháng 5 trở về đây, với sự thúc giục của hai quốc gia này, kỳ vọng về TPP 11 của các nước lớn dần lên.

Người ta đã nghĩ đến chuyện có thể Mỹ trở lại. Bằng chứng là các nước tạm thời trì hoãn một số cam kết chứ không thỏa thuận lại hoàn toàn hiệp định này. Đó là tín hiệu các nước đang kỳ vọng Mỹ tham gia trở lại. Các cam kết trì hoãn, theo tôi được biết, đều là những điều khoản có liên quan đến Mỹ, mà nếu không có Mỹ, các nước không có lý do gì phải thực hiện, nên tạm thời treo lại đó.

PV: Khi TPP 12 kết thúc đàm phán, các con số lợi ích về thương mại và đầu tư dường như không được chú ý nhiều bằng sức ép cải cách thể chế, khi Hiệp định đưa ra những yêu cầu rất cao về điều này. Trong nước đã kỳ vọng với nỗ lực đáp ứng yêu cầu, Việt Nam sẽ có sức ép để thay đổi một cách nhanh chóng hơn, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. TPP 11 có còn duy trì được sức ép này không?

TS Trần Toàn Thắng: Quả thật, khi nói về TPP 12, mọi người nói rất nhiều về sức ép thể chế. Như tôi đã nói, với TPP 11, các nước có bảo lưu chưa thực hiện ngay một số cam kết, nhưng về mặt nguyên tắc chủ yếu là bảo lưu những cam kết dính dáng nhiều với thị trường Mỹ, vì Mỹ không tham gia nên không có lý do gì để thực hiện cả.

Tuy vậy, tôi vẫn cho rằng TPP 11 không thay đổi gì nhiều về sức ép cải cách thể chế, vì cải cách thể chế không chỉ là trực tiếp – tức là những điều khoản mà Hiệp định buộc phải thực hiện, mà còn là gián tiếp nữa - ở chỗ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh thì mới được hưởng lợi từ cam kết, nếu không sẽ phải gánh hậu quả ngược. Đôi khi, không phải cam kết của TPP buộc phải làm việc ấy, mà diễn biến thực tế gây ra sức ép phải làm. Theo tôi, các cam kết TPP 11 không giảm so với TPP 12.

PV: Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mấy năm gần đây, Việt Nam ký kết ồ ạt rất nhiều FTA với nhiều thị trường lớn như ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... và chưa tận dụng được bao nhiêu trong số đó. Vậy thì thêm hay bớt TPP 11 cũng không phải vấn đề, khi ta vẫn là ta. Ông có cho rằng đây là một cách tiếp cận đúng?

TS Trần Toàn Thắng: Phải nói ngay rằng, ngay cả khi không có TPP 11, Việt Nam đã mở cửa rất nhiều rồi. Các nước tham gia TPP 11 không hoàn toàn là thị trường mới được tự do hóa của Việt Nam, mà chỉ có 3 nước Peru, Mexico, Canada. Thêm được thì trường mới, đó là cơ hội cần phải tiếp tục tận dụng. Hơn nữa thách thức về cải cách thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa trong TPP 11 và EU-VN FTA cao hơn những hiệp định đang có.

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc tăng thêm sức ép từ TPP 11 cho cải cách trong nước là cần thiết. Một điểm khác, tôi cũng đã nói, nếu không tham gia, không những ta không có cơ hội tiếp cận thị trường mới, trong khi lại có thể bị thiệt. Trong phân tích TPP 12, Trung Quốc là nước chịu thiệt nhiều. Còn với TPP 11 thì Mỹ là nước chịu thiệt nhiều vì TPP 11 có thể làm xuất nhập khẩu của Mỹ giảm xuống.

PV: Mức độ hưởng lợi về con số trực quan của Việt Nam với TPP 11 giảm rất nhiều. Vậy ảnh hưởng tiêu cực của TPP 11 có giảm so với TPP 12 không, hay các thách thức mà chúng ta nói đến trước kia, ví dụ như cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ... vẫn còn nguyên giá trị?

TS Trần Toàn Thắng: Tác động tiêu cực của TPP 12 là việc Việt Nam phải mở cửa dịch vụ khá nhiều, hay một số cam kết chưa phù hợp với quy định pháp lý và thể chế chính trị. Thông tin cụ thể về TPP 11 chưa được tiết lộ nên tôi chưa thể nói tác động tiêu cực có giảm hay không. Tuy nhiên, thách thức còn nguyên giá trị là Việt Nam có tận dụng được cắt giảm thuế quan hay không, phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp có thể đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa hay không. Ở ASEAN, cứ 4 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp đạt được tỷ lệ này.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á thì tỷ lệ của Việt Nam có cao hơn ở mức 37%, và hiện giờ có thể tăng lên một chút. Đó là hàng rào mà nếu anh không vượt qua được thì sẽ không có lợi ích gì, chỉ còn ảnh hưởng tiêu cực của nhập khẩu. Rất nhiều người lo lắng nó triệt tiêu sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, có hay không có TPP 11 thì sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu châu Á cũng vẫn sẽ tăng lên, vì ta đã ký rất nhiều FTA. Các nước bên kia Thái Bình Dương không phải là nguồn nhập khẩu chính từ Việt Nam, mà lại là Trung Quốc và Hàn Quốc. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy TPP 11 có tác động làm tăng nhập khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là từ ngoài TPP 11.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân
.
.
.