Sẽ đề xuất loại bỏ thêm hàng chục giấy phép con

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:39
Tiếp nhận những kiến nghị về khó khăn vướng mắc từ phản ánh và khảo sát tình hình thực tế hoạt động của DN và các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận để nghiên cứu và sớm có đề xuất chính thức về việc sửa đổi.


Tại hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vừa diễn ra, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, với một nhóm chuyên gia hẹp thực hiện rà soát chỉ trong một thời gian rất ngắn đối với 37 văn bản luật đang có hiệu lực đã cho thấy có tới trên 150 điểm chưa phù hợp, lạc hậu, thiếu tương thích với đời sống kinh tế hiện tại. 

Đặc biệt, có luật còn tới 12 điều khoản không hợp lý, chồng chéo với văn bản pháp luật khác. Đáng chú ý  trong số 37 luật này có cả các luật vừa mới được thông qua và ban hành. 

Theo ông Tuấn, tình trạng khá phổ biến là các luật thiếu sự liên thông, thiếu sự tương thích, nhiều quy định chồng chéo, gây trở ngại cho người dân và doanh nghiệp (DN). Các luật được VCCI điểm danh phần lớn rơi vào luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và chi phối hoạt động kinh tế như Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…

Chủ tịch Hội kinh tế, Tổng hội địa chất Việt Nam Lê Ái Thụ cho rằng tính đồng bộ, ổn định và khả thi của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Một điều có thể thấy rõ là tính cát cứ, cục bộ của các cơ quan soạn thảo, xây dựng văn bản luật pháp là rất lớn, thể hiện tư duy bảo vệ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành. 

Ông Thụ nêu ví dụ cụ thể là Luật Khoáng sản tuy đã ban hành từ năm 2010 song đến nay có một số điều khoản không thể triển khai bởi những quy định này trong luật không thực tế, trái với luật khác và không khả thi. 

“Hiện nay, chỉ có luật Việt Nam quy định khai thác mỏ phải có giám đốc điều hành mỏ nhưng lại không có quyền và không quy định trách nhiệm cụ thể. Quy định này là thiếu thực tế, bởi lẽ khi xảy ra sự cố, sạt lở tai nạn chết người trong hoạt động khai thác thì Giám đốc DN là người bị phạt và phải chịu trách nhiệm chứ phạt gì ông giám đốc mỏ, quy định này là rất vô lý”, ông Thụ phân tích. 

Bên cạnh đó, theo ông Thụ Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường lại có những quy định chồng chéo khiến các DN khổ vì các quy định thanh kiểm tra ở cả hai luật, một năm có đến vài chục cuộc thanh tra khiến DN chẳng còn làm ăn được gì do chỉ cùng một nội dung mà hai luật và các nghị định hướng dẫn luật đều quy định tới vài ba cơ quan thanh kiểm tra. 

Hay như các quy định về thuế và phí, lệ phí tại Luật thuế Tài nguyên theo mô tả của Vị chủ tịch Tổng hội địa chất là tăng theo tốc độ “ngựa bay” khiến DN không thể kịp điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh…

Theo đại diện của VCCI, từ việc rà soát 37 luật hiện hành sẽ đề xuất bỏ gần 30 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời đề nghị sửa, bổ sung hợp nhất khoảng18 ngành nghề có điều kiện khác. 

Đợt rà soát các điều kiện kinh doanh nâng từ Thông tư lên Nghị định vừa rồi đã loại bỏ được rất nhiều các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không minh bạch. 

Nhưng ngay trong các luật hiện hành cũng có rất nhiều các điều kiện kinh doanh chất lượng kém và cần tiếp tục được loại bỏ/sửa đổi, ví dụ như trong Luật Kế toán không có hình thức công ty cổ phần, tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề, người đứng đầu phải có bằng kế toán viên, Luật Điện ảnh đòi hỏi DN phát hành phim phải có rạp chiếu phim, Luật Viễn thông yêu cầu DN phải có khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp, có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi, Luật giá quy định thẩm định viên về giá phải có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan… 

Tiếp nhận những kiến nghị về khó khăn vướng mắc từ phản ánh và khảo sát tình hình thực tế hoạt động của DN và các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận để nghiên cứu và sớm có đề xuất chính thức về việc sửa đổi.

Thúy Hằng
.
.
.