Cải cách hành chính trong thực hiện dự án đầu tư:

Giấy phép “con” đang gây khó cho doanh nghiệp

Thứ Tư, 21/08/2013, 07:43
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam bày tỏ bức xúc: Theo số liệu của cơ quan chức năng, thời gian để Sở KH-ĐT các địa phương chấp thuận đầu tư phê duyệt dự án là 30-60 ngày. Trong khi đó, trên thực tế, công ty ông đang thực hiện nhiều dự án tại nhiều địa phương, nhưng chưa nơi nào xong trong 60 ngày. “Hệ thống văn bản pháp luật càng đầy đủ, càng chặt chẽ càng làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư thêm phức tạp".

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải cách hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, mặc dù cùng là thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư, đất đai, xây dựng nhưng số lượng TTHC tại các địa phương là khác nhau. Trình tự thực hiện TTHC ở các địa phương cũng khác nhau. Thậm chí, ngay cả tên gọi của TTHC, cơ quan thụ lý, đầu mối, yêu cầu thành phần hồ sơ và thời gian thụ lý ở các địa phương cũng khác nhau. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư (NĐT) như bị lạc vào “ma trận” quy trình TTHC khi thực hiện dự án đầu tư. Hệ quả là, để “số phận” của dự án đầu tư được diễn ra suôn sẻ, NĐT buộc phải chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ cho việc “bôi trơn”.

“Loạn” thủ tục hành chính

Tại Hội thảo “Giải pháp cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư” do VCCI phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 20/8, ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế của VCCI đã ví von một cách hình ảnh về việc “loạn” các TTHC liên quan đến dự án đầu tư hiện có thể ví như “loạn 12 sứ quân”.

Cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ để tăng cường năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ảnh: Minh họa.

Theo phân tích của ông Tuấn, mặc dù việc thực hiện dự án đầu tư được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau song đến thời điểm này, vẫn chưa có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất cao cho DN và nhà đầu tư thực hiện từ đầu cho đến lúc vận hành dự án. Nói cách khác, các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư trên thực tế khá phức tạp, không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau. Bên cạnh đó, quy định khác nhau giữa những luật khác nhau đã khiến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các ngành, các địa phương về việc xác định cơ quan chủ trì trong việc thực hiện một TTHC.

“Trong TTHC lớn có thủ tục hành chính “con”, thủ tục hành chính “cháu”. Những thủ tục này không giống nhau, hiểu thế nào cũng được, hay thay đổi, phức tạp và rất ít người biết đầy đủ”- ông Tuấn đánh giá.

Cũng theo phân tích của ông Tuấn, điều này trên thực tế đã tạo nên nhiều hệ lụy do thiếu sự rõ ràng, minh bạch. Trong đó, đối với các DN và NĐT, do tiêu chí đánh giá thẩm tra, từ chối không rõ nên nguy cơ bị trả lại hồ sơ rất cao. Và để “chắc ăn”, nhiều DN phải tìm đến tìm đến một cơ quan công quyền để “bảo kê” hoặc phải bỏ ra một khoản chi phí lớn nhằm “bôi trơn” để dự án đầu tư có thể diễn ra suôn sẻ. Còn đối với các đơn vị quản lý các dự án đầu tư, do không có cơ quan nào nắm được thông tin từ đầu đến cuối (vì mỗi cơ quan chỉ đảm nhận một công đoạn) nên trên thực tế mới xảy ra chuyện, trong thời gian qua đã có tới 100 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam qua mặt cơ quan chức năng để bỏ trốn về nước.

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam bày tỏ bức xúc: Theo số liệu của cơ quan chức năng, thời gian để Sở KH-ĐT các địa phương chấp thuận đầu tư phê duyệt dự án là 30-60 ngày. Trong khi đó, trên thực tế, công ty ông đang thực hiện nhiều dự án tại nhiều địa phương, nhưng chưa nơi nào xong trong 60 ngày. Dự án có tốc độ nhanh kỷ lục mà công ty ông đã thực hiện phải mất 14 tháng mới xong TTHC liên quan tới đầu tư. Đó là dự án mà mọi điều kiện thực hiện đều thuận lợi.

“Hệ thống văn bản pháp luật càng đầy đủ, càng chặt chẽ càng làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư thêm phức tạp. DN trong nước như chúng tôi còn cảm thấy mông lung huống chi DN nước ngoài” - ông Hiệp chia sẻ.

Khó kỳ vọng đột phá

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, các luật khác về đầu tư đã thấy rõ sự chồng chéo, rườm rà. Theo khảo sát của VCCI bằng việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và thủ tục đầu tư liên quan tới xây dựng luôn là những cản trở trong môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Mặt khác, trong tương quan so sánh trên thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN, môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng giảm sức cạnh tranh.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, để tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh trên lĩnh vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì Luật Đầu tư sửa đổi và các văn bản có liên quan phải đảm bảo được tính hấp dẫn, công bằng, minh bạch và thống nhất cho các NĐT. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hùng Huế, Phó trưởng Phòng Kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành, Cục Kiểm soát TTHC cho hay, để giảm các thủ tục phức tạp cho NĐT, nên chuẩn hóa, cụ thể hóa việc lựa chọn NĐT theo 3 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn NĐT có sử dụng đất và chỉ định NĐT có sử dụng đất. Bên cạnh đó là bãi bỏ một số thủ tục đầu tư không cần thiết nhằm giảm dần sự chồng chéo, trùng lặp.

Với nhận định cải cách TTHC là công việc đang đứng trước nhiều thách thức, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay rất nhiều văn bản luật đang trong quá trình sửa đổi nên nội dung hay thay đổi. Trong khi đó, sự phối hợp theo chiều  ngang giữa các bộ, ngành còn yếu, sự phối hợp chiều dọc từ Trung ương tới địa phương chưa mạnh, nên tìm sự đồng thuận khi ban hành thông tư từ các bộ, ngành rất khó.

“Mặt khác, cải cách TTHC không phải chỉ mang lại những điều có lợi. Có người được là cộng đồng DN, nhưng người mất có thể là những người đang trực tiếp giải quyết các TTHC. Vì thế còn có sự thờ ơ, không phối hợp… Không thể dựa vào bộ máy hành chính để thực hiện cải cách hành chính mà các tổ chức tham vấn cần mạnh mẽ vượt qua để công cuộc cải cách có kết quả khả quan” - ông Nguyễn Đình Cung đề xuất

H.Thanh - N.Hương
.
.
.