Quý I/2016 GDP ước đạt 5,46%, kinh tế có dấu hiệu chững lại

Thứ Sáu, 25/03/2016, 18:21
Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố tại buổi họp báo GDP quý I-2016 chiều ngày 25-4 tại Hà Nội.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2016 là năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. 

Trong đó, kết quả hoạt động của quý I, sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam đều có dấu hiệu khả quan như kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục, kinh tế đối ngoại có nhiều yếu tố tích cực.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới năm 2016 còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp và tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính và tiền tệ cùng giá dầu biến động khó lường gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cạnh tranh trên thị trường đầu ra cũng như chi phí sản xuất đầu vào với các nước có nền sản xuất tương đồng ngày càng mạnh.

Ông Lâm cho rằng, những thuận lợi và những dấu hiệu khởi sắc về kinh tế của năm 2015 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bất lợi. “Đặc biệt như tình hình thời tiết phức tạp như giá rét ở miền bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm 2016”. Ông Lâm nói.

Theo đó, quý I/2016 GDP tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm, con số này có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011. Mức tăng này chỉ cao hơn năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011 – 2015.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng âm (-2,69%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, cho dù quy mô nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực I ( khoảng trên 70%). Khu vực công nghiệp và xây dựng có giá trị tăng thêm là 6,72%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,74% của cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, xây dựng có mức tăng trưởng ấn tượng với 9,94%, cao nhất kể từ năm 2010 trở lại.

Ngoài ra, khu vực dịch vụ tăng 6,13%, cao nhất kể từ quý I/2012 đến nay. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 5,99%.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đã đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay (3,43% so với 2,55% năm 2015, 2,38% năm 2014, 1,37% năm 2013 và 0,75% năm 2012) và có những tín hiệu khả quan, thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên, tỷ lệ giao dịch bất động sản thành công tăng, giá bất động sản không biến động nhiều, giá nhích nhẹ đối với phân khúc chung cư, và phân khúc đất nền.

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng tiếp tục hỗ trợ tốt, các điều kiện cho vay mua nhà cũng được nới lỏng, chính sách của nhà nước về hỗ trợ ngành bất động sản dần phát huy tác dụng cũng góp phần hỗ trợ có hiệu quả cho thị trường bất động sản quý 1/2016.

Theo đánh giá của ông Lâm, tăng trưởng kinh tế xuất hiện dấu hiệu chững lại, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp song có dấu hiệu tăng trở lại. Do đó, mục tiêu GDP tăng 6,67%, lạm phát dưới 5%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%, nhập siêu dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu đang là thách thức lớn đặt ra.

“Từ tình hình kinh tế quý I/2016 cho thấy, tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, lạm phát có xu hướng tăng trở lại, xuất khẩu hàng hoá tăng chậm, nhập khẩu hàng hoá giảm, thu chi ngân sách gặp khó khăn. Mục tiêu kinh tế xã hội năm 2016 sẽ hết sức khó khăn. Do vậy, Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các Mục tiêu phát triển KT-XH đã được Quốc hội thông qua.” Ông Lâm nói. 

Lưu Hiệp
.
.
.