Quản lý nợ công: Nên giao một hay nhiều đầu mối?
- Đại biểu lo ngại GDP thấp, nợ công cao, lạm dụng bổ nhiệm người nhà
- Cân nhắc khi vay vốn nước ngoài vì áp lực nợ công
- Chi lớn, vay lớn trong khi thu vào thấp nên nợ công tăng nhanh
Do đây là điều khoản được nêu trong dự án luật lần đầu tiên trình Quốc hội, mới mẻ với nhiều đại biểu, các ý kiến vẫn còn khá khác nhau.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh): Quan trọng là cách làm
Ông Trần Hoàng Ngân. |
PV: Thưa ông, trong 2 luồng ý kiến đang gây tranh cãi hiện nay, quan điểm của ông thế nào, nên giao nhiều đầu mối hay một đầu mối quản lý thống nhất nợ công?
Ông Trần Hoàng Ngân: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) lần này được đưa ra nhằm đồng bộ với các luật đã ban hành như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, rồi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có chuyện giao một đầu mối hay sự phối hợp giữa các đầu mối là điều cần làm rõ.
Đã có lúc mình ghép các bộ với nhau, các sở cũng vậy... nhưng rồi thấy nó không ổn, lại tách ra. Ở đây, chúng ta nói về cách làm thôi, làm sao trong các điều khoản luật ràng buộc được trách nhiệm của từng chủ thể quản lý nợ công. Cá nhân tôi vẫn đang do dự là về phân công trách nhiệm giữa Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Kế hoạch & Đầu tư theo tổ chức bộ máy là có chức năng đầu tư, nghĩa là phân bổ vốn. Có đại biểu đề nghị ghép Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thì phải thay đổi cả Luật Tổ chức Chính phủ.
Có thể là Bộ Kế hoạch thôi, còn Đầu tư đưa cho Bộ Tài chính? Như vậy thì đó lại là câu chuyện khác về tổ chức Chính phủ, chức năng nhiệm vụ rồi. Nên tôi nghĩ rằng cần làm rõ sự phối hợp giữa 2 bộ.
Như vừa rồi chúng ta thấy, Bộ Tài chính xoay xở nguồn thu, bên Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại giải ngân chậm, nên ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và gây ra lãng phí, vì mình đã đi vay là phải trả lãi, nhưng vốn lại chưa được sử dụng. Còn Ngân hàng Nhà nước là đặc thù, trong quan hệ chính thức ở Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... chẳng hạn, ông là đại diện. Tôi vẫn còn lo ngại phối hợp giữa 2 bộ, một bên vay vốn, một bên phân bổ vốn.
Siết chặt quản lý các dự án có nguồn vốn ODA. |
PV: Như vậy, quan điểm của ông là với vướng mắc trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ đã được quy định trong các luật khác, thiết kế theo hướng quy về một đầu mối sẽ khó khăn hơn nhiều đầu mối? Có một số ý kiến, kể cả Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nói rằng, nếu chúng ta không thay đổi căn bản cách quản lý mà cứ để bùng nhùng như từ trước tới nay thì sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề: bởi cứ một ông vay về, một ông phân bổ, một ông lo trả nợ, một ông tiêu. Đây có phải điểm cốt yếu làm nợ công khó giảm không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Quy về một đầu mối sẽ khó khăn hơn. Vấn đề bây giờ là phối hợp và người đứng ra chủ trì sự phối hợp đó. Trong điều khoản luật phải gắn sự phối hợp này, thậm chí phải giao một Phó Thủ tướng phụ trách, điều phối thì sẽ chặt chẽ hơn. Tôi nghĩ rằng, vướng hiện nay nằm ở phân bổ và đầu tư vốn, nên bây giờ làm sao nâng cao hiệu quả phân bổ vốn đầu tư. Các đại biểu chắc chắn sẽ có những chất vấn nhất định về vấn đề này.
PV: Vậy theo quan điểm của ông, nhược điểm lớn nhất trong quản lý nợ công hiện nay của Việt Nam cần phải giải quyết là gì?
Ông Trần Hoàng Ngân: Phải làm rõ những yếu tố, nguyên nhân phát sinh nợ công, nên phải gắn với nó là Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, bởi vì hễ bội chi ngân sách là nợ công tăng. Như vậy, những yếu tố trong chi ngân sách là yếu tố tiềm ẩn của nợ công. Vậy thì phải rà soát các khoản chi ngân sách Nhà nước, tiết kiệm các khoản chi, kể cả chi đầu tư phát triển và chi tiêu dùng, chứ không phải chỉ đầu tư công. Các khoản chi đều ảnh hưởng đến nợ công, vì chi nhiều thì bội chi, mà bội chi thì phải phát hành trái phiếu để bù đắp, tức là bắt đầu nợ.
Một điểm nữa là kiểm soát các khoản đầu tư khi vay nợ để làm. Hiện nay chỉ lo phân bổ vốn thôi, đầu tư thế nào, sử dụng dự án đầu tư đó có đúng theo đề án ban đầu hay không, thì hậu kiểm là yếu, nên có những trường hợp chi vẫn đạt tiến độ mà GDP không hoàn thành kế hoạch. Như vậy, gắn chi ngân sách với hiệu quả đo đếm được, với vấn đề nâng cao chất lượng sử dụng vốn.
Còn một điểm mà trong lúc thảo luận tôi cũng góp ý rồi. Hiện nay, giải pháp trước mắt để giảm nợ công – vì nợ công ít quản lý mới dễ, thì giảm bảo lãnh Chính phủ là giải pháp khả thi nhất.
PV: Việc giảm bảo lãnh Chính phủ cũng giảm bớt được rủi ro thẩm định dự án, vì người cho vay người cũng sẽ đánh giá là dự án có khả thi không, anh có tiềm năng trả nợ hay không, chứ không xuống tiền dễ dàng vì đằng nào cũng có Chính phủ đứng ra trả, phải không thưa ông?
Ông Trần Hoàng Ngân: Đúng vậy, để đơn vị sử dụng vốn tự phát huy khả năng, tự nâng cao năng lực. Dư nợ bảo lãnh hiện nay chiếm khoảng 18% trong tổng nợ công, khoảng 500.000 tỷ đồng (theo tờ trình của Chính phủ là gần 633.000 tỷ đồng – PV). Hiện Chính phủ đang có văn bản về vay nợ cho vay lại, dù rất muộn nhưng cũng rất cần thiết. Như vậy, những điều kiện để xin vay lại phải làm chặt chẽ hơn, kể cả với chính quyền địa phương. Tôi nghĩ rằng, những yếu tố đó lồng ghép với nhau thì sẽ đảm bảo cho quản lý nợ công hiệu quả tốt hơn.
PV: Ông có quan điểm về việc tính nợ Chính phủ không bảo lãnh của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, vì Nhà nước chiếm đa số vốn ở đó, nếu các DN đó đổ bể cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước?
Ông Trần Hoàng Ngân: Nợ đó cũng phải quản lý chứ, nhưng mình chia phạm vi ra để quản lý. Theo tôi, nên xây dựng một luật khác, như Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh để quản lý cái đó.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH Nghệ An): Nên giao về một đầu mối
Ông Hồ Đức Phớc. |
PV: Thưa ông, là cơ quan kiểm toán phần chi ngân sách hằng năm, ông cho rằng nên lựa chọn mô hình quản lý nợ công thế nào thì phù hợp hơn?
Ông Hồ Đức Phớc: Tôi cho là phải quy về một đầu mối, và đầu mối đó phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ - chịu trách nhiệm giải trình cũng như theo dõi, giám sát về nợ công. Các cơ quan khác thì theo sự phân công của Chính phủ phối hợp chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Phải có 1 cơ quan chịu trách nhiệm, theo dõi quá trình sử dụng và quá trình trả nợ.
PV: Vậy theo ông cơ quan nào được giao nhiệm vụ là phù hợp nhất?
Ông Hồ Đức Phớc: Theo tôi là Bộ Tài chính vì Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trả nợ và Bộ Tài chính giám sát việc sử dụng ngân sách. Đầu tư công cũng là một khoản ngân sách và mình phải quản lý sử dụng như ngân sách. Bộ Tài chính là người chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, tham mưu và chịu trách nhiệm trả nợ thì đầu mối này là đúng đắn.
PV: Qua kiểm toán các năm, ông thấy ở khâu nào là đe dọa lớn nhất đến nợ công của Việt Nam?
Ông Hồ Đức Phớc: Là quá trình quản lý, sử dụng. Phải quản lý sử dụng một cách có hiệu quả. Tất nhiên, đây là câu chuyện tổng thể, từ việc vay nợ khoản nào, đầu tư cho dự án nào, có thực sự cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội không, dự án có cần thiết, bức xúc không, có sức lan tỏa hay không.
PV: Nhiều đại biểu cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước chính là một rủi ro. Ông có chia sẻ quan điểm này không?
Ông Hồ Đức Phớc: Tôi rất quan tâm đến doanh nghiệp Nhà nước, đúng là trong thời gian vừa qua có nhiều khoản đầu tư không hiệu quả. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công thì chỉ nợ do Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào nợ công, nợ không có bảo lãnh của Chính phủ thì không phải. Dù vậy, nếu doanh nghiệp Nhà nước đổ vỡ, không trả được nợ thì cũng làm mất uy tín của Chính phủ, cũng là vấn đề tiềm tàng rủi ro.
PV: Mới đây Bộ Tài chính có công bố việc thay vì cấp phát ODA cho địa phương sẽ chuyển sang cho vay lại. Ông đánh giá thế nào về thay đổi này. Một số địa phương đã “nhanh nhảu” kêu khó vì thiếu nguồn, khi bản thân họ thu chưa đủ chi, còn cần sự điều tiết ngân sách từ trung ương. Ông có thấy lo ngại của địa phương là đúng không?
Ông Hồ Đức Phớc: Đến tháng 7 năm nay, chúng ta sẽ phải vay ODA lãi suất cao. Để nâng cao trách nhiệm sử dụng đồng vốn ODA, tôi cho rằng phương thức Bộ Tài chính đưa ra là hoàn toàn chính xác. Các đơn vị sử dụng vốn sẽ chịu trách nhiệm về nguồn phải trả, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn, nên chắc chắn là sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn và sẽ đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn.
Quy định của Chính phủ có khoản cho vay lại, có khoản cấp phát. Với các tỉnh không cân đối được ngân sách, thì các khoản đầu tư do Chính phủ trợ cấp, hỗ trợ đầu tư họ không phải trả, chỉ các khoản Chính phủ cho vay lại thì phải trả theo đúng thời hạn quy định.
PV: Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục hạn chế trong sử dụng ODA?
Ông Hồ Đức Phớc: Phương thức quản lý ODA cũng phải có sự thay đổi. Thay vì nhiều cơ quan quản lý thì nên giao cho một cơ quan chủ trì việc đàm phán khung cũng như đàm phán các điều khoản chi tiết, sau đó là phân bổ vốn, tiếp nhận vốn, quản lý vốn sao cho sát hợp nhất, đúng đắn và hiệu quả nhất. Như vậy, cơ quan được giao chủ trì sẽ chịu trách nhiệm một cách toàn diện, chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ cũng như trước Quốc hội về việc vay, trả và sử dụng vốn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trong dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Chính phủ trình ra Quốc hội lần đầu tại kỳ họp này, Bộ Tài chính được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung và Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế... Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công..., vì quy định như Dự thảo luật chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, nhằm sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn”. |