Phát triển nguồn điện gió tương xứng trong quy hoạch điện

Thứ Năm, 30/07/2020, 07:35
Sau nhiều lần phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch điện VII chỉ trong thời gian ngắn, hiện Bộ Công Thương đang đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ phê duyệt.


Ngoài vấn đề cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo được ban hành đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này dẫn đến việc phải bổ sung quy hoạch, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhiều nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ, phải bổ sung nguồn để khắc phục tình hình thiếu điện.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích, với kịch bản tần suất nước bình thường là 50%, khả năng thiếu hụt sản lượng điện trên hệ thống sẽ ở mức 264 triệu kWh ngay trong năm nay và thiếu gần 1,8 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp lượng điện thiếu hụt, các nhà máy nhiệt điện trên cả nước sẽ phải vận hành với thời gian lên tới 6.500 giờ/năm trong giai đoạn từ năm 2020-2024. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự cố cho các nhà máy.

Còn với kịch bản tần suất nước là 75%, cao điểm thiếu điện sẽ xảy ra từ năm 2020-2023 với sản lượng từ 1,5 - 5 tỷ kWh và thiếu hụt điện năng tập trung tại miền Nam. Do đó, trong trường hợp xảy ra khô hạn, để đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn 2021-2023, cần bổ sung thêm 6,3GW điện mặt trời và 1,2 GW điện gió ngoài số dự án đã được bổ sung quy hoạch.

Tận dụng phát triển thế mạnh của điện gió.

Tổng quy mô công suất điện mặt trời đến năm 2023 đạt khoảng 16,9GW, chiếm 15,2% tổng công suất nguồn phát của cả nước và điện gió là 6GW, chiến 5,6 tổng công suất nguồn phát. Thậm chí, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng nếu dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và Long Phú 1 chậm tiến độ, cần bổ sung thêm 8GW điện mặt trời và 2,2GW điện gió tại các khu vực gần trung tâm phụ tải và tại hệ thống điện miền Nam.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm một loạt các dự án điện gió vào tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió chỉ có 800MW vào năm nay; đạt khoảng 2.000MW vào năm 2025 và 6.000MW vào năm 2030.

Trong khi thời gian qua đã có thêm 4.800MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch phát triển nguồn điện ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nhưng các địa phương vẫn tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch thêm 250 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 45.000MW. Trong đó nhiều nhất phải kể đến khu vực Tây Nam Bộ, 7 tỉnh ở đây đã đề nghị bổ sung 94 dự án điện gió với tổng công suất lên đến 25.541MW; tiếp theo là 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đề xuất bổ sung quy hoạch 91 dự án điện gió với tổng công suất 11.733MW…

Năng lượng tái tạo được xác định giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của cả nước và trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Với những ưu điểm như không thâm dụng đất sản xuất; nhiều khu vực ven biển hoặc xa bờ đã được các tỉnh, thành xem xét, quy hoạch để phát triển điện gió. Ưu điểm của điện gió là có thể phát cả ngày lẫn đêm khi có gió và hiện một trụ điện gió đã cho công suất phát hơn 4MW, cao gấp 3 lần so với các đây vài năm. Do đó việc quy hoạch bổ sung các dự án thủy điện hoặc điện khí làm nguồn phát bù dự phòng những lúc điện gió giảm phát sẽ không cao.

Tuy vậy, điện gió vẫn chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong các kịch bản phát triển điện của Bộ Công Thương. Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam vào ngày 22/7 vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo trong quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho các nguồn năng lượng sạch phát triển với cơ cấu hợp lý. Đồng thời sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản để thu hút khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn vào phát triển năng lượng bền vững.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng để tiếp tục xem xét bổ sung quy hoạch phát triển nguồn điện sạch một cách tương xứng.

Bảo Sơn
.
.
.