Nguy cơ vỡ quy hoạch điện gió do tình trạng “đặt gạch” xin dự án

Thứ Tư, 15/04/2020, 06:51
Mới đây, trong văn bản kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ kéo dài cơ chế giá điện gió cố định theo Quyết định 39, Bộ Công thương cho biết COVID-19 đang tác động nghiêm trọng đến các dự án do tình hình cung cấp tuabin, thiết bị, xuất nhập khẩu vật tư… phục vụ các dự án bị gián đoạn.


Hiện, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản của Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre đề nghị bổ sung quy hoạch 3 dự án điện gió xa bờ với tổng công suất 4.900 MW. Nhiều địa phương khác cũng đã cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu các dự án phát triển điện gió xa bờ với tổng công suất đăng ký lên đến 18.000 MW.
Một dự án điện gió đã được đưa vào vận hành.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ nay đến hết tháng 10-2021 chỉ còn 18 tháng, không đủ thời gian để các nhà đầu tư triển khai dự án nhằm được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi theo Quyết định 39 của Thủ tướng, nhất là với các dự án điện gió trên biển và các dự án chưa được duyệt quy hoạch bổ sung. Do đó, đã có 9 tỉnh đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét, gia hạn áp dụng cơ chế giá điện cố định trên. Riêng Bộ Công Thương đề xuất kéo dài cơ chế này đến hết năm 2023. 

Về sự cần thiết phát triển các dự án điện gió theo cơ chế giá điện cố định, Bộ Công Thương cho biết, tiến độ phát triển nguồn điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện phần lớn các dự án nhiệt điện đang chậm tiến độ 1-2 năm.

Đặc biệt là các dự án nhiệt điện than ở khu vực miền Nam dự kiến đưa vào hoạt động trong các năm 2018 - 2021 như:  Long Phú 1, Sông Hậu 1 - 2, Long Phú 3, Nhiệt điện Ô Môn 3 - 4 và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh đều có nguy cơ chậm tiến độ so với quy hoạch. Từ đó theo tính toán cung cấp của Bộ Công thương, giai đoạn 2021-2025 cần thiết phải bổ sung các nguồn điện mới để bổ sung khả năng cung ứng điện cho cả nước.

Báo cáo rà soát tổng thể quy hoạch điện VII điều chỉnh do Viện Năng lượng lập vào tháng 2 vừa qua cho thấy, để đảm bảo cân đối cung cầu hệ thống, một trong những giải pháp quan trọng cho giai đoạn sắp tới là phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Công suất năng lượng tái tạo thấp nhất cần huy động đến năm 2025 là 21.700 MW, trong đó điện gió khoảng 6.030 MW, còn lại là điện mặt trời. Cao nhất, Viện Năng lượng cho rằng đến năm 2025 cả nước cần phát triển 32.200 MW, trong đó điện mặt trời là 20.350MW, điện gió là 11.630 MW và phương án cao này được chọn để điều hành nhằm phát triển đủ nguồn điện dự phòng. Đối với điện gió, hiện mới chỉ có 4.800 MW trong quy hoạch phát triển, đang được triển khai ở các bước khác nhau. Do đó giai đoạn đến năm 2025 cần huy động, bổ sung thêm 5.000 - 7.000 MW.

Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, nếu phát triển được 11.630 MW điện gió từ nay đến năm 2025, sẽ kéo giảm được lượng điện rất lớn từ nhiệt điện than, nhiệt điện dầu có chi phí sản xuất rất cao; đồng thời góp phần giảm phát thải khí CO2 khoảng 5 triệu tấn/năm.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện gió vào ngày 19-3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tính đến giữa tháng 3-2020, ngoài các dự án bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương còn nhận được đề xuất của UBND các tỉnh thêm gần 250 dự án điện gió với tổng công suất lên tới 45.000MW.

Thực tế này cho thấy các tỉnh đang đẩy mạnh quy hoạch dự án điện gió. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, quy hoạch là một chuyện, việc cho phép phát triển ngay các dự án điện gió ở khu vực nào còn là chuyện khác do còn phụ thuộc vào hệ thống trạm biến áp, đường truyền dẫn cũng như công suất phát của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện để sẵn sàng bù đắp phụ tải cho điện gió lúc thấp điểm.

Địa phương đề nghị cho phát triển nhiều như vậy, nhưng sau khi tính toán hạ tầng truyền tải của từng khu vực, Bộ Công Thương cũng chỉ đề xuất với Thủ tướng điều chỉnh mục tiêu phát triển điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất 11.630MW.

Đẩy nhanh phát triển điện gió là vấn đề hết sức cấp bách, nhưng đại diện một DN đầu tư trong lĩnh vực này lo lắng khi các nhà đầu tư ồ ạt triển khai dự án điện gió cùng lúc, nguồn máy móc thiết bị nhập từ châu Âu sẽ càng khan hiếm dẫn đến việc tranh mua hoặc mua máy móc, thiết bị từ các nhà sản xuất ít tên tuổi.

Tình trạng nhu cầu đầu tư của các địa phương cao gấp 4 lần quy hoạch cũng dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư trong nước đua nhau xin dự án. Thời gian qua đã có một số dự án xin xong để đó… chờ bán. Tình trạng “đặt gạch” để xin dự án nhưng không đủ năng lực để triển khai là hết sức nguy hiểm, phá nát quy hoạch phát triển nguồn điện. Hiện tượng này đã xảy ra ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Trà Vinh... Do đó, trước khi đề xuất quy hoạch bổ sung nguồn điện gió cho từng địa phương, Bộ Công Thương cần cho rà soát lại tiến độ triển khai đối với các dự án đã được phê duyệt.

Theo Bộ Công Thương, tại khu vực Bắc Trung Bộ, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đề nghị bổ sung 51 dự án với tổng công suất  2.919 MW. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đề nghị bổ sung quy hoạch thêm 10 dự án, tổng công suất 4.193MW. Khu vực Tây Nguyên các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng đề nghị bổ sung quy hoạch tới 91 dự án, tổng công suất 11.733 MW.

Khu vực Tây Nam Bộ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đề nghị bổ sung quy hoạch tới 94 dự án với tổng công suất lên đến 25.541 MW. Trong khi đó, dù tiêu thụ lượng điện rất lớn, nhưng khu vực Đông Nam Bộ chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bổ sung 2 dự án với công suất 602MW.

Bảo Sơn
.
.
.