Nợ đọng Bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp chây ì, công nhân chịu hậu quả
- Công ty xe buýt nợ BHXH tiền tỷ, nhân viên cũ 'vây' trụ sở đòi quyền lợi
- Các doanh nghiệp nợ BHXH gần 1.500 tỷ đồng
Bài 1: Người lao động bị treo quyền lợi vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Té ngửa vì doanh nghiệp nợ BHXH
Anh Đặng Văn Toàn, công nhân cơ khí đang thất nghiệp cho biết, năm 2012 anh vào làm việc tại Công ty CP 116 CIENCO1 và có ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên đến giữa năm 2016 do công việc gia đình anh phải nghỉ việc. Sau đó do chưa tìm được công việc mới, anh đến công ty yêu cầu được chốt sổ BHXH để đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Không chốt được sổ, đến lúc này anh Toàn mới biết công ty vẫn đang nợ BHXH một khoản tiền lớn với thời gian kéo dài.
“Chúng tôi là công nhân lao động, hàng tháng công ty vẫn trích tiền lương để đóng BHXH. Thế nhưng công ty lại không đóng cho BHXH để đến giờ chúng tôi không được hưởng quyền lợi mà đáng ra chúng tôi phải được. Tôi thất nghiệp đến hơn 1 năm mà không thể nào chốt được sổ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đi tìm hiểu tôi mới biết, công ty đang nợ BHXH với số tiền hàng chục tỷ đồng, và thời gian nợ lên đến 5, 7 năm thì làm sao người lao động chúng tôi chốt sổ được”, anh Toàn cho biết.
Trường hợp của chị Nguyễn Thanh Tâm bị treo quyền lợi nguyên nhân cũng vì công ty đang nợ BHXH. Năm 2012 chị chuyển về làm việc tại một công ty may ở KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Lương công nhân may bèo bọt, thế nhưng đầu năm 2017 chị nghỉ chế độ thai sản mới giật mình khi không được BHXH thanh toán chế độ.
“Chúng tôi khi đi làm vẫn phải trích tiền lương đóng BHXH đầy đủ. Thế nhưng khi tôi nghỉ sinh con, để cho chồng đi làm thủ tục để hưởng chế độ thai sản mới té ngửa ra khi biết công ty vẫn đang nợ BHXH và không được thanh toán chế độ. Chồng tôi năm lần bảy lượt lên công ty, họ chỉ hứa hẹn công ty sẽ chịu trách nhiệm chi trả chế độ thai sản khi đi làm lại. Tuy nhiên tìm hiểu trong danh sách nợ đọng của BHXH thì công ty đang nợ đến gần 22 tỷ đồng. Số nợ lớn như thế thì đến bao giờ công ty mới trả xong, bao giờ chúng tôi mới được hưởng quyền lợi chính đáng. Đúng là không có ai khổ hơn công nhân chúng tôi cả”, chị Tâm than thở.
Chỉ tính riêng địa bàn TP Hà Nội đã có hơn 800 nghìn lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp nợ BHXH. |
Nhưng anh Toàn, chị Tâm chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn công nhân đang bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp nợ BHXH. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật-Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội (LĐLĐ) cho biết với việc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội đang ảnh hưởng đến 800 nghìn công nhân, người lao động.
“800 nghìn công nhân này không giải quyết được chế độ. Ốm đau, thai sản, thất nghiệp không được giải quyết, về hưu không được lấy sổ, chuyển công tác không được chốt sổ bảo hiểm để chuyển. Vấn đề ở đây nó không chỉ là nợ Nhà nước, nợ BHXH nữa mà vấn đề ở đây cần phải nhấn mạnh là liên quan đến 800 nghìn gia đình. Đây mới là điều đáng nói”, ông Dưỡng nhấn mạnh. “Câu chuyện hiện nay không chỉ còn là chuyện doanh nghiệp nợ bao nhiêu tiền BHXH nữa mà đã trở thành vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Nợ bảo hiểm triền miên, kéo dài
Theo danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH của BHXH TP Hà Nội tính đến hết tháng 6- 2017, có cả trăm doanh nghiệp nợ BHXH từ vài chục cho đến hàng trăm tháng. Đơn cử có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Lilama3, địa chỉ KCN Quang Minh- Mê Linh có số nợ là gần 27 tỷ đồng, thời gian nợ lên tới 54 tháng; Công ty CP Sông Đà- Thăng Long có số nợ gần 14 tỷ đồng, thời gian nợ cũng là 68 tháng; điển hình hơn có thể kể đến như Công ty CP 116 CIENCO1, địa chỉ 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân thời gian nợ lên đến… 108 tháng; Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 128 CIENCO1 cũng nợ đến… 107 tháng.
Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay của BHXH TP Hà Nội, số nợ BHXH của Hà Nội đã lên đến 3.760 tỷ đồng, chiếm 11% so với số phải thu. Trong đó có 3.862 doanh nghiệp nợ đọng với thời gian kéo dài trên 12 tháng với tổng số tiền là 1.502 tỷ đồng. Điều quan ngại nhất là riêng tháng 4 và tháng 5- 2017 số tiền nợ BHXH của TP Hà Nội đã tăng từ 3.166 tỷ lên 3.764 tỷ đồng (tăng 19%).
BHXH Hà Nội đã thực hiện thông báo nợ tiền BHXH, BHYT đến 194.600 đơn vị, doanh nghiệp; 31.000 văn bản đôn đốc thu nợ BHXH đến các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên và đôn đốc thu tại 6.461 đơn vị doanh nghiệp, thu được 350 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, dù đã rất nỗ lực triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng như phối hợp liên ngành thanh tra, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp tổ chức công đoàn đẩy mạnh khởi kiện... tuy nhiên đến nay nợ đọng BHXH ở Hà Nội vẫn cao nhất cả nước.
Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đơn phương chấm dứt giao dịch với cơ quan BHXH.
“Khi cơ quan BHXH kiểm tra, nhiều doanh nghiệp không có địa chỉ rõ ràng, chỉ còn bảo vệ hoặc chỉ có duy nhất 1 lao động tại đó. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan trong công tác nợ đọng và trốn đóng BHXH chưa quyết liệt. Việc xử lý vi phạm còn chậm và qua nhiều khâu, nhiều cấp, do vậy hiệu quả đạt được chưa cao”, ông Hòa cho biết.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 30-6, tổng số nợ BHXH toàn quốc là 13.488 tỷ đồng. Số nợ trên 6 tháng (thậm chí có doanh nghiệp nợ đến 105 tháng) là trên 4.800 tỷ đồng. BHXH Việt Nam cho biết, để giải quyết tình trạng nợ đọng này, BHXH Việt Nam đang tập trung đôn đốc, tuy nhiên trong quá trình này có những doanh nghiệp cố tình chây ì mà ở đây chủ yếu là doanh nghiệp nợ từ 6 tháng trở lên. Đối với những doanh nghiệp chây ì hoặc cố tình thì sẽ thực hiện thanh tra và xử phạt. Không chỉ nợ đọng BHXH mà tình trạng trốn đóng BHXH cũng đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng TP Hà Nội, theo đánh giá của LĐLĐ TP Hà Nội hiện mới chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp tham gia BHXH trên tổng số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và có kê khai thuế. Doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động song không tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động, nhằm chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Nếu một doanh nghiệp chỉ cần trốn đóng BHXH của 100 công nhân lao động, với mức lương tối thiểu vùng 3.750.000 đồng, mỗi năm doanh nghiệp cũng đã chiếm dụng tiền BHXH của người lao động khoảng 500 triệu đồng. |