Nhiều dự án "méo mặt" bởi "dính" nhà thầu Trung Quốc

Chủ Nhật, 23/04/2017, 07:10
Sáng 21-4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã họp để đôn đốc các bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án trọng điểm ngành Công Thương theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. 


Trước đó, để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn của 12 doanh nghiệp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ tồn tại của một số dự án ngành Công Thương đã yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng tham gia đốc thúc việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của các Bộ, doanh nghiệp, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 4-2017.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tới nay, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ban chỉ đạo đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo trực tiếp việc xử lý 12 dự án, nhà máy này, với 189 nhiệm vụ. Tuy nhiên, tới nay mới có Nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại với 80% công suất, còn lại các dự án khác vẫn chưa có chuyển động đáng kể.

Đạm Ninh Bình – 1 trong 12 dự án trọng điểm ngành Công Thương đang gặp khó khăn.

Trong số 189 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã hoàn thành 120 nhiệm vụ (5 trong số đó hoàn thành quá hạn), còn 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 15 nhiệm vụ đã quá hạn. Đáng chú ý nhất trong các “quá hạn” này là việc quyết toán hợp đồng EPC với các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc.

Đơn cử là các dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem đã xin lùi thời hạn này đến 30-6-2017, “do chưa nhận được hết văn bản góp ý, hướng dẫn xử lý hợp đồng EPC từ các Bộ”.

Việc quyết toán hợp đồng EPC tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc được ông Dũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn, đến nay chưa hoàn thành và đã bị quá hạn 21 ngày theo yêu cầu. Vướng mắc lớn nhất là do hồ sơ nghiệm thu chuyển bước từng giai đoạn đầy đủ, nhưng để “gom” lại thành hồ sơ quyết toán hoàn chỉnh “thì còn nhiều thủ tục nữa”.

“Do khối lượng công việc nhiều và vướng mắc nên tập đoàn đã có văn bản xin Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được lùi thời hạn thực hiện nhiệm vụ này đến hết tháng 9-2017”, ông Nguyễn Anh Dũng nói.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong xử lý dứt điểm những tồn tại tại các dự án thua lỗ nghìn tỷ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ không gia hạn thêm thời gian cho các nhiệm vụ đã giao cho từng bộ, ngành, tập đoàn...

Cũng tồn tại vướng mắc với tổng thầu EPC Trung Quốc, đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết: Từ sau Tết đã mời tổng thầu EPC Trung Quốc sang làm việc trong 1 tháng để giải quyết vướng mắc về gói thầu EPC cho dự án mở rộng giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên.

“Họ đề nghị tăng giá, trong đó có đơn giá không có căn cứ tăng, không đủ căn cứ để TISCO chấp nhận. Chúng tôi dự kiến trong quý 2 sẽ đàm phán chi tiết việc này, ép tổng thầu giải quyết rốt ráo với dự án này, sẽ báo cáo cụ thể Bộ, Tổng Công ty Thép để tháo gỡ”. Theo ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương, các vướng mắc này đã được nêu từ năm 2014, nhưng rất khó xử lý.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng “Thực tế do ta hết. Ta nhận phần lắp đặt, tổng thầu đã chở thiết bị tới kho rồi nhưng chúng ta không biết lắp. Chúng ta nhận phần việc khó khăn nhất, họ chở thiếu chi tiết, thiết bị hay không cũng không biết. Lẽ ra tổng thầu EPC sẽ cung cấp thiết bị, lắp đặt, bàn giao và nghiệm thu, nhưng chúng ta lại nhận phần việc khó khăn nhất – lắp đặt”.

Nhận định việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương rất được dư luận, Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, kết quả bước đầu đã tạo chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn có những nhiệm vụ thực hiện chậm, mà vướng nhất là vấn đề tài chính, quyết toán đầu tư.

“Tôi đi 1 nhà máy ethanol thấy đầu tư sai cả chủ trương. Có nhà máy đầu tư lớn nghìn tỷ mà nguyên liệu không có, đầu ra không có, đầu tư xong đắp chiếu. Có những nhà máy hoạt động rồi thì quản trị có vấn đề, không chuyên nghiệp nên lỗ. Tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn”. Ông Thừa cũng cho rằng, sau này, các ngân hàng cho vay, các đơn vị quyết định đầu tư phải báo cáo thật cụ thể với Thủ tướng các vấn đề trên.

Ngày 5-4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề này. Bộ Công Thương “hứa”, hoàn thành nhiệm vụ này trước 30-6-2017. Còn nhiệm vụ thẩm định, xác định dự án giá trị của dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Giang thép Thái Nguyên, Bộ này “hứa” hoàn thành trước ngày 30-7. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng khẳng định, liên quan đến kiểm điểm trách nhiệm 12 dự án, Bộ đã được làm kỹ ở mọi cấp độ.

Vũ Hân
.
.
.