Người Cơ Tu làm du lịch cộng đồng
- Bảo vệ dân phố người Cơ tu tận tâm với công tác an ninh
- Bảo tồn văn hóa đan lát của người Cơ Tu
- Tấm lòng của một già làng người Cơ Tu
Tà Lang và Giàn Bí là hai ngôi làng của đồng bào Cơ Tu, nằm cách trung tâm Đà Nẵng hơn 40km về phía Tây Bắc. Hai ngôi làng là vạch nối giữa Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, có hơn 140 hộ dân sinh sống.
Đã nhiều đời qua, người dân ở đây chỉ biết sống nhờ vào cái nương, cái rẫy. A Lăng Như bảo rằng, nhận thấy bản làng mình đẹp như tranh vẽ giữa núi rừng Trường Sơn, bà con Cơ Tu sống chân chất, mộc mạc, chịu thương, chịu khó làm ăn, nhưng nghèo đói mãi đeo bám.
Anh Như giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống ở Tà Lang, Giàn Bí. |
Điều đó khiến anh suy nghĩ đến việc học làm du lịch để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Anh đã tìm sách báo học hỏi, rồi nhờ những người chuyên môn về du lịch tư vấn… và cuối cùng quyết định phát triển loại hình du lịch homestay.
Với 600 triệu đồng tiền đi vay làm du lịch sinh thái cộng đồng, anh bắt tay vào thực hiện mô hình này, mục đích đầu tiên là bảo tồn văn hóa bản địa một cách thực tế nhất; vì du khách đến làng sẽ được trải nghiệm với bà con từ ăn, ngủ, đến sinh hoạt. Đặc biệt, các nghề truyền thống của người Cơ Tu sẽ theo đó mà hồi sinh, cồng chiêng sẽ vang lên cùng các điệu múa Tung tung za zá rộn rã giữa núi rừng…
Dòng sông Cu Đê là điểm nhấn của núi rừng Hòa Bắc. Từ Tà Lang, Giàn Bí du khách có thể ngược sông Bắc thăm thú hố Bột, hố Giếng, lỗ cối Thượng, lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, khe Giao, Trạng Trao, Trang Trợt, bãi Hai, Vườn Mít… Rồi ngược khe Đương lên chơi cùng những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh; vượt đèo Mũi Trâu leo núi trải nghiệm đỉnh Bạch Mã và núi Chúa.
Anh Như nói rằng, mô hình du lịch của anh triển khai thử nghiệm từ cuối năm 2017, bước đầu đạt những kết quả rất khích lệ. Do đó, chính quyền TP Đà Nẵng quyết định thành lập dự án hỗ trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc.
Từ tháng 5/2019, dự án được triển khai với nhiều hạng mục, như sửa chữa trùng tu lại các nhà Gươl ở Tà Lang và Giàn Bí; xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Cơ Tu.
UBND huyện Hòa Vang đã hợp đồng với các nghệ nhân Cơ tu của Làng Gừng, huyện Đông Giang, Quảng Nam, để phục hồi công trình theo đúng nguyên mẫu truyền thống từ vật liệu của thiên nhiên núi rừng; đồng thời hợp đồng với Công ty Dịch vụ phát triển du lịch cộng đồng TP Hồ Chí Minh để tư vấn từ việc xây dựng, kiến trúc, kỹ năng, thiết kế các sản phẩm và kết nối, hỗ trợ về nguồn khách du lịch cho mô hình du lịch Hòa Bắc.
Đến đầu tháng 10/2019, dự án phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Hòa Bắc chính thức triển khai đi vào hoạt động, dãy nhà homestay cách điệu nhà đồng bào Cơ Tu xây dựng trên khu đất vườn gia đình anh Như, đủ chỗ làm nơi ăn, nghỉ cho hơn 100 du khách.
Tổ du lịch cộng đồng gần 50 thành viên đều là những nam nữ thanh niên, người có uy tín, các nghệ nhân Cơ Tu là những hướng dẫn viên được tập huấn, có kiến thức, kỹ năng giới thiệu các sản phẩm du lịch cộng đồng đã hình thành.
Tổ hợp tác xã các nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm, đan mây tre, điêu khắc tượng gỗ đi vào hoạt động, bà con đã bán được nhiều sản phẩm cho du khách có đồng ra, đồng vào trang trải sinh hoạt gia đình. Các tổ làm hướng dẫn viên du lịch, biểu diễn văn nghệ, chế biến ẩm thực cũng đi vào nền nếp, tập luyện lớp lang, bài bản…
Từ kết quả bước đầu, anh Như đã đến từng gia đình của bà con ở Tà Lang, Giàn Bí tuyên truyền về du lịch sinh thái cộng đồng, vận động bà con trồng các loại cây ăn quả phù hợp với địa phương như mít, cam, ổi… trên diện tích đất còn để hoang hóa để phủ xanh lại rừng và thu lợi về sau.
“Sắp tới, nhà máy nước Hòa Liên triển khai. Theo thiết kế, đập ngăn nước cho nhà máy sẽ xây dựng ở thượng nguồn sông Cu Đê, tại thôn Nam Yên, Hòa Bắc nên đoạn sông Cu Đê qua thôn Giàn Bí, Tà Lang sẽ trở thành lòng hồ chứa nước. Vậy là du lịch sinh thái cộng đồng ở Tà Lang, Giàn Bí sẽ có thêm một tiềm năng mới, đó là phát triển du lịch hồ và nuôi thủy sản…”, anh Như phấn khởi cho biết.