Nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện

Thứ Tư, 27/11/2019, 11:31

Ngày 27-11 tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn”.


Tại buổi hội thảo, các chuyên gia phân tích, đánh giá những khó khăn trong hoạt động phát triển năng lượng tái tạo ( NLTT) tại Việt Nam và vướng mắc trong việc giải tỏa công suất. Đồng thời, cùng đưa ra những giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, trong bức tranh tổng quan chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Ths. Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên HĐKH Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án NLTT chỉ mất thời gian 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, để triển khai các thủ tục đầu tư, và xây dựng đường dây, trạm biến áp truyền tải thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm, nếu vướng mắc trong đền bù, giải tỏa mặt bằng… thời gian có thể kéo dài thêm 1 đến 2 năm. Ngoài ra, sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió gây ra các “điểm nghẽn” về truyền tải.

Theo ông Tuấn, một nguyên nhân khiến NLTT khó phát triển là do còn nhiều “khoảng trống”, bất cập trong chính sách chưa được tháo gỡ. Trên thực tế, giá FIT để khuyến khích phát triển NLTT cao hơn giá điện từ các nguồn nhiệt điện truyền thống và nếu càng nhiều điện mặt trời, điện gió thì giá thành chung của sản xuất điện sẽ tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do hiện nay, giá thành điện chỉ tính trên cơ sở chi phí tài chính, chưa tính tới chi phí tránh được về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá nguy cơ thiếu điện hiện nay đã được tích tụ từ nhiều năm trước. Bù đắp cho sự thiếu hụt này là sự phát triển trở lại các dự án nhiệt điện than, nhưng các dự án này không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000 MW điện mỗi năm. Chưa kể, đòi hỏi về vấn đề môi trường trong phát triển nhà máy nhiệt điện đã đặt ra những áp lực rất lớn. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết: năm 2019 tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỉ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỉ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ KWh, năm 2023 là 15 tỉ KWh. Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt.

 Việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới

Theo đánh giá của các chuyên gia, với các quy định, cơ chế độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Do vậy, tại diễn đàn nhiều ý kiến cho rằng nên có cơ chế, chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. Theo đó, sẽ khắc phục được tình trạng chậm và quá tải lưới điện hiện nay và qua đó sẽ giải toả được hết công suất của các nhà máy điện NLTT đã và đang sắp được đầu tư, góp phần khắc phục được sự thiếu hụt nguồn điện năng.




Lưu Hiệp
.
.
.