Cho phép tư nhân làm hạ tầng truyền tải để thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo

Thứ Hai, 03/06/2019, 07:35
Sau 5 tháng Luật Quy hoạch có hiệu lực, cả nước đã có hơn 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai với tổng giá trị đầu tư lên đến 40 tỉ USD. Trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) đang được khuyến khích đầu tư với tổng công suất lên đến 20 ngàn MW, tương đương với gần 30 tỉ USD vốn đầu tư.


Nguyên nhân khiến các dự án phát triển nguồn điện, nhất là dự án NLTT bị ngưng trệ là theo quy trình cũ ngành điện có quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vùng. Ngoài ra còn có quy hoạch phát triển cho từng loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Khi triển khai bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương sẽ chủ động và xin ý kiến của Chính phủ.

Với Luật Quy hoạch hiện tại, ngành điện chỉ còn 2 quy hoạch, gồm quy hoạch hệ thống điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tức quy hoạch chung của từng tỉnh, thành. Như vậy, trước khi hoàn thành được quy hoạch điện lực và quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh, cần phải chờ hoàn thành quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.

Trong khi đó, thời gian lập quy hoạch tổng thể quốc gia sau khi được phê duyệt nhiệm vụ có thể kéo dài đến 30 tháng và quy hoạch vùng 24 tháng. Vướng mắc này ảnh hưởng rõ nhất trong vấn đề khuyến khích phát triển NLTT bởi theo Quyết định số 39 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện ưu đãi chỉ được áp dụng cho các nhà máy vận hành trước ngày 1-11-2021, tức các chủ dự án chỉ còn hơn 2 năm để hoàn thành việc đầu tư. Trong khi đó, quy hoạch phát triển nguồn điện có thể phải chờ 3 đến 5 năm nữa mới được bổ sung.

Các dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận phát triển khá nhanh.

Thực hiện mục tiêu khai thác hơn 41 ngàn ha đất cằn cỗi do tốc độ gió và bức xạ mặt trời lớn để trở thành trung tâm sản xuất NLTT của cả nước, đến nay tỉnh Ninh Thuận đã cấp chủ trương đầu tư cho 30 dự án diện mặt trời với tổng công suất 1.788 MW. Trong số này đã có 19 dự án được ký hợp đồng mua bán điện và 18 dự án đã khởi công, dự kiến đưa vào vận hành năm nay và những năm sắp tới.

Về dự án điện gió, tỉnh Ninh Thuận cũng đã cấp chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng công suất hơn 798 MW và hiện đã có 3 dự án đưa vào khai thác. Nhưng khi các dự án phát triển NLTT ở Ninh Thuận được các nhà đầu tư đồng loạt khởi công, đưa vào khai thác, thì vấn đề gây ách tắc nữa đối với các chủ đầu tư là hạ tầng đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Bởi nếu thực hiện theo quy trình hiện nay, các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời sẽ phải chờ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư theo quy hoạch. Sau đó nguồn điện sản xuất từ các dự án mới có thể đấu nối, hòa điện vào lưới điện quốc gia.

Thực tế cho thấy, tại Ninh Thuận EVN cũng đã có quy hoạch xây dựng đường dây 500 KV Vân Phong - Vĩnh Tân, nhưng phải sau năm 2022 mới có thể đầu tư. Do đó, hiện nhiều nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời tại đây đã rất sốt ruột, sẵn sàng chung tay đầu tư hạ tầng truyền dẫn cùng EVN nhưng còn phải chờ cơ chế để tư nhân được tham gia đầu tư.

Trước sự phát triển về NLTT tập trung vào một số địa phương như Ninh Thuận, Phó GS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hệ thống truyền tải, đấu nối đã không còn phù hợp. Việc điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống hạ tầng truyền dẫn là đương nhiên. Song vốn đầu tư phải phụ thuộc vào việc bố trí từ ngân sách nên để phát triển nhanh hệ thống truyền tải, Nhà nước cần tạo cơ chế để mở cửa cho nhà đầu tư tham gia làm hạ tầng đấu nối, sau đó bàn giao lại cho EVN. Nhất là trong điều kiện ngân sách đang thiếu vốn đầu tư như hiện nay, phần nào tư nhân làm được thì cần mở cho tư nhân làm.

Tinh thần chung là mở cửa hơn nữa, chứ không nhất thiết là Nhà nước cứ phải “ôm” tất, bởi làm như vậy Nhà nước cứ luôn luôn phải chạy theo nhu cầu thay đổi, phát sinh từ thực tiễn. Ủng hộ việc Ninh Thuận cần khai thác thêm cả tiềm năng rất lớn từ gió, sóng biển để trở thành trung tâm sản xuất NLTT của cả nước,  ông Tuấn cho rằng Nhà nước cần tập trung phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Việc này cũng giúp tránh được sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương.

Cùng quan điểm trên, TS Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học năng lượng nhìn nhận, quy hoạch lưới điện và quy hoạch nguồn điện không đồng bộ với nhau, đặc biệt là từ sau khi Chính phủ có chính sách ưu đãi cho phát triển NLTT. Do đó trước mắt cần có cơ chế để giải quyết nhanh vấn đề mất cân bằng trong phát triển nguồn điện và lưới điện.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, ngoài tổ hợp điện gió, điện mặt trời vừa đưa vào khai thác, từ nay đến năm 2021 Trung Nam Group đang đầu tư tiếp dự án NLTT có công suất khoảng 1.000 MW tại Ninh Thuận. Do đó DN cũng đang đau đầu về vấn đề làm sao để truyền tải công suất này vào lưới điện quốc gia.

Càng lo lắng hơn khi tại Ninh Thuận đã có tình trạng nhà đầu tư làm xong dự án nhưng chưa thể truyền tải được do còn phải chờ Nhà nước đầu tư hạ tầng đấu nối. Về thực trạng này, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng thừa nhận, phát triển hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất cho các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn là vấn đề nan giải với Ninh Thuận.

Theo Luật Điện lực, trách nhiệm làm hệ thống truyền tải là của EVN, không cho DN tư nhân tham gia. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đề xuất và Bộ Công Thương cùng EVN đã đồng tình với giải pháp để nhà đầu tư dự án NLTT tính toán, gắn phần đầu tư hệ thống truyền tải, đấu nối vào trong giá thành toàn bộ dự án phát triển nguồn điện. Khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ chuyển giao lại phần hạ tầng truyền tải cho EVN quản lý, khai thác.

Hiện Tập đoàn Trung Nam đã được Ninh Thuận chọn là nhà đầu tư, bỏ vốn khoảng 600 - 700 tỉ đồng làm đường truyền tải 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân sau đó chuyển giao lại cho EVN quản lý, vận hành. Để khắc phục hạn chế do nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, công suất phát thay đổi thất thường theo thời tiết, ông Hậu cho hay, Ninh Thuận cũng đã được quy hoạch phát triển dự án thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW. Hiện tỉnh Ninh Thuận cũng đang đề nghị EVN sớm đầu tư để phát bù đắp công suất thiếu hụt các dự án điện gió, điện mặt trời vào lúc thấp điểm.

Bảo Sơn
.
.
.