Nâng cao chất lượng “văn hóa du lịch” là việc làm cấp thiết
- Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò từ 15 đến 20-9
- Nhiều chương trình hấp dẫn tại làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam
- Phối hợp giải quyết vướng mắc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, năm 2015, đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; về giá trị tương đối (tỷ lệ đóng góp so với GDP), du lịch Việt Nam xếp hạng 55 trên thế giới. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2015, khách quốc tế đến duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 (9,48% so với 8,95%), tăng hơn 1,57 lần.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.552.635 lượt (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015). Với nền văn hóa đậm đà bản sắc và những danh lam thắng cảnh đã được quốc tế công nhận, du lịch Việt Nam có đầy đủ yếu tố để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch Việt Nam đóng góp 10-20% vào GDP; tổng thu từ khách du lịch từ 29-32,5 tỷ USD; thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 70-75 triệu khách nội địa. Định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã rõ, nhưng trong thực tế vẫn còn những câu chuyện không làm “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”, đòi hỏi sự nhận thức về tồn tại, hạn chế của ngành du lịch phải chuyển thành hành động cụ thể.
Tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, ngày 9-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước giàu di sản văn hóa thế giới, người dân thân thiện, chân thành, đó là điều kiện quan trọng hấp dẫn du khách thế giới. Cùng với điều kiện một đất nước an toàn, bảo đảm an ninh, trật tự, địa phương nào cũng có thể làm du lịch được với quy mô khác nhau.
Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong tổ chức, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Dư địa phát triển du lịch còn lớn, có thể tăng cao nếu biết tổ chức một cách nghiêm túc, quyết tâm và có sự đồng lòng. Ngành du lịch cùng với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp phải làm hết sức mình để du lịch Việt Nam phát triển ngày càng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mọi du khách đến Việt Nam luôn cần và phải được phục vụ chu đáo, cung cấp dịch vụ tốt nhất để khách hài lòng và khi ra về hẹn ngày trở lại.
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, du lịch Việt Nam vẫn còn những việc cần và phải làm ngay để tăng thêm lượng khách và giữ được lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trưởng phòng truyền thông, Công ty Du lịch Vietrantour Lê Công Năng cho rằng, để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chúng ta cần phải cho khách sự hài lòng, tạo ấn tượng tốt về dịch vụ du lịch.
Bao gồm: Cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, khu mua sắm, điểm vui chơi giải trí, khu ẩm thực đủ tiêu chuẩn ngon - sạch - phong vị Việt. Đặc biệt, tại các điểm trình diễn văn hoá truyền thống, khu du lịch làng nghề... phải luôn đề cao vấn đề văn hoá du lịch như: Văn hoá bán hàng, văn hoá vận chuyển hành khách, văn hoá chào hỏi và sẵn sàng giúp đỡ, tôn trọng luật pháp...
Vì vậy, chúng ta cần hạn chế, thậm chí xoá bỏ điểm yếu về văn hoá du lịch, khai thác điểm mạnh về tài nguyên du lịch, phân tích thách thức mới nhất là khi thoả thuận nghề du lịch Asean được thông qua ngày 9-8, tìm kiếm cơ hội từ những hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế. Cùng với đó, chúng ta cũng cần cầu thị học hỏi và làm phù hợp các cách làm marketing hay của Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc...
Ông Vũ Tuấn Phong, Giám đốc Công ty PYS Travel cũng cho rằng, du lịch Việt muốn phát triển nhanh, thì phải tập trung cho những danh thắng chỉ Việt Nam mình mới có, khác hẳn với Lào, Thái Lan, Campuchia. Tăng cường chất lượng dịch vụ, môi trường cảnh quan những điểm đó lên chuyên nghiệp. Đồng thời, phải giải quyết triệt để vấn nạn chặt chém, nâng cao ý thức của người dân trong phát triển du lịch. Nếu ta làm tốt, thân thiện, cởi mở, du khách hài lòng sau chuyến đi thì họ sẽ giới thiệu về điểm đến Việt Nam và quay trở lại.