Mới có 17% ngư dân ký được hợp đồng vay vốn đóng tàu

Thứ Bảy, 07/11/2015, 10:14
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 15/9, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt được danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, theo Nghị định 67 của Chính phủ, để có đội tàu vỏ thép hiện đại, với 914 tàu; nâng cấp 130 tàu.

Phê duyệt thì nhiều, nhưng hiện tỷ lệ ký được hợp đồng vay vốn rất thấp, chỉ đạt khoảng 17%, và số được giải ngân cũng chỉ đạt hơn 30% số đã được ký hợp đồng. Rất nhiều vướng mắc cũng đã được liệt kê, dẫn tới sự chậm trễ trên.

Cũng theo báo cáo, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 186 tàu (đóng mới 180 tàu, nâng cấp 6 tàu) với tổng số tiền trên 1.821 tỷ đồng. Dù vậy, dư nợ đến thời điểm báo cáo mới đạt 585 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy, số lượng tàu đóng mới, nâng cấp được ký hợp đồng tín dụng tăng nhanh trong những tháng gần đây (từ 75 tàu vào giữa tháng 6 lên 186 tàu vào giữa tháng 9). 

Đến nay, đã có 23 tàu giải ngân 100%, 35 tàu giải ngân trên 50% đến 99% còn lại 128 tàu giải ngân dưới 50% tổng số tiền cam kết cho vay. Cũng theo NHNN, các NHTM đã từ chối 10 chủ tàu do “sử dụng máy cũ để nâng cấp tàu, không có vốn đối ứng, chưa có phương án sản xuất cụ thể, không có kinh nghiệm quản lý hoặc thông tin khách hàng cung cấp cho ngân hàng mâu thuẫn, không trung thực” và 13 chủ tàu chủ động rút hồ sơ không vay.

Nhìn trên kết quả cũng cho thấy, số lượng chủ tàu được phê duyệt là rất lớn, nhưng số lượng được ký hợp đồng tín dụng chỉ bằng 17%, và số được giải ngân còn thấp hơn nữa, chỉ bằng 32% số đã ký hợp đồng. Tình trạng này cũng không có gì bất ngờ, vì tại nhiều cuộc họp của các địa phương với Chính phủ, tình trạng chậm chạp làm thủ tục, chậm chạp giải ngân đã được các địa phương phản ánh rất nhiều. Địa phương cho rằng ngân hàng chưa tạo điều kiện. 

Việc triển khai cho ngư dân vay hỗ trợ đóng tàu vỏ thép đang gặp nhiều vướng mắc.

Ngược lại, ngân hàng lại “kêu” các chủ tàu chưa hoàn thiện được hồ sơ vay vốn (mặc dù có nhiều chủ tàu đã được cam kết cho vay tuy nhiên chưa thể ký hợp đồng tín dụng do chủ tàu chưa có hồ sơ thiết kế tàu, chưa ký hợp đồng với cơ sở đóng tàu, hoặc chưa có dự toán giá tàu, vướng mắc về thuế VAT,...); hoặc chưa nộp hồ sơ đề nghị vay vốn đến NHTM do chủ tàu đang lựa chọn mẫu tàu, chờ phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu; chưa lựa chọn, thống nhất được cơ sở đóng tàu, giá thành con tàu; chưa ký được hợp đồng đóng tàu với cơ sở đóng tàu... 

Có thể thấy, thời điểm chính sách ra đời do tính cấp bách của tình hình, mọi việc đã được triển khai rất nhanh. Kết thúc kỳ họp Quốc hội 1 tháng, vào tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định. Sau đó 1 tháng, NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai thì sự việc vốn cấp bách trở nên rất… từ từ.

Bên cạnh nguyên nhân vì sao các hợp đồng tín dụng chậm được ký kết, báo cáo của NHNN cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định, chủ yếu về thiết kế mẫu tàu, đối tượng thụ hưởng chính sách (chỉ hỗ trợ cho tàu đóng mới hay cả tàu sử dụng máy cũ…). Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được nhắc đến, như nhiều ngư dân cân nhắc vì vốn quá lớn, trong khi khả năng trả nợ vay chưa thật rõ ràng. 

Mặt khác, hiện có ít cơ sở đóng tàu vỏ thép và thường ở xa, chủ yếu Hải Phòng và Khánh Hòa nên ngư dân lo ngại việc không thể giám sát chất lượng. Bên cạnh đó, do thiếu kinh nghiệm vận hành nên nhiều ngư dân vẫn có tâm lý muốn đóng tàu vỏ gỗ. Trên tất cả, cơ sở hạ tầng thiết yếu về cảng, luồng lạch chưa đảm bảo, thiếu sự ổn định của thị trường tiêu thụ khi sản phẩm được khai thác với số lượng lớn… cũng ảnh hưởng đến hiệu quả đóng mới tàu.

Để giải quyết tình hình trên, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương được đề nghị khẩn trương hướng dẫn xác định giá thành tàu; thẩm định dự toán; thiết kế và công bố mẫu tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới; thuế giá trị gia tăng… báo cáo Thủ tướng và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

NHNN chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu chỉ đạo các NHTM khẩn trương tiếp cận các chủ tàu trong danh sách đã được phê duyệt, hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay, không để xảy ra tình trạng vay vốn thông qua môi giới. Các NHTM cũng được yêu cầu tạo điều kiện để khách hàng được vay mức cao nhất theo quy định, không bắt buộc chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm; xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với vốn lưu động, khi chủ tàu tham gia liên kết theo chuỗi sản xuất từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền. Trường hợp chủ tàu tạm thời gặp khó khăn về vốn đối ứng, các NHTM có thể xem xét cho vay thêm phần vốn đối ứng này, theo cơ chế cho vay thông thường.

Bổ sung đối tượng và nới dài thời gian cho vay hỗ trợ

Được biết, Thủ tướng đã chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ từ 7%/năm xuống 6,5%/năm và Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 cũng đã được ban hành trong tháng 10 vừa qua, nâng thời gian cho vay hỗ trợ lãi suất đối với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới từ 11 năm lên 16 năm và có quy định về việc hồi tố đối với các hợp đồng tín dụng ký trước ngày Nghị định có hiệu lực; Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định 67 gồm: đóng mới tàu dịch vụ hậu cần vỏ vật liệu mới, nâng cấp tàu vỏ vật liệu mới nâng cấp từng hạng mục tàu... 

Nghị định 89 có hiệu lực từ ngày 25/11/2015. Hiện, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai cho vay theo Nghị định mới.

Vũ Hân
.
.
.