Giải cứu vụ lúa đông xuân phải nghĩ ngay đến vụ hè thu

Thứ Ba, 26/02/2019, 16:16
“Phản ứng của Nhà nước phải có căn cơ lâu dài, chứ không thể hết giải cứu tôm, cá, hành tím rồi dưa hấu, lúa. Góc độ nông dân, họ chỉ biết sản xuất, còn bán chỗ nào đó là chuyện của Nhà nước, bộ, ngành”, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL” do Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 26-2.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, có vai trò đặc biệt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, lúa gạo là ngành hàng quan trọng, một trong những nông sản chính của Việt Nam. Đến nay đã có 160 doanh nghiệp tổ chức xuất khẩu đi 120 nước, với các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, EU. Năm nay, ĐBSCL lũ đến sớm và dài nên nhiều diện tích được tháo rửa, bồi đắp phù sa. Nông dân sạ lúa sớm. Việc sản xuất lúa thuận lợi, được mùa. Vụ thu hoạch diễn ra sớm nhưng 2 thị trường lớn là Trung Quốc, Philipines chưa triển khai đơn hàng, doanh nghiệp chậm thu mua. Theo Bộ NN-PTNT, tình hình thu mua lúa gạo diễn ra chậm, do các hợp đồng mới chưa ký được và các hợp đồng cũ còn lại không nhiều. Những ngày đầu tháng 2-2019, giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Giống lúa IR50404 còn 4.200-4.300 đồng/kg, so với năm ngoái là 5.000 đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khảo sát nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của chi nhánh Vinafood 1 tại Đồng Tháp. 

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phân tích, ngành hàng lúa gạo đạt được thành tựu lớn nhưng còn nhiều hạn chế, như: thu nhập người dân chưa cao, việc sản xuất chưa bền vững. Vì vậy, cần xây dựng đề án nâng cao năng lực chế biến lúa gạo gắn với vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình và công nghệ hiện đại, xây dựng chương trình vùng sản xuất lúa xuất khẩu trọng điểm, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ và thời vụ. Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay quyền định đoạt cung cầu thuộc về người mua, đã tạo nên sức ép cạnh tranh. Trong thời điểm cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2019, giá gạo trong nước có xu hướng giảm. Chủ yếu do tín hiệu thị trường nhập khẩu chưa rõ, trong khi nguồn cung vụ đông xuân dồi dào và thu hoạch sớm. “Tuy nhiên, thị trường lúa gạo thế giới đang cho thấy có những tín hiệu thuận lợi, các thương nhân xuất khẩu cần tranh thủ cơ hội giúp tăng cường tiêu thụ lúa gạo cho nông dân”, ông Phạm Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nói. Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, giải pháp hiện nay là tối ưu hóa nguồn cung, tái cơ cấu sản xuất. Các doanh nghiệp đừng chạy theo số lượng xuất khẩu mà phải quản lý chất lượng.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết năm nay, vụ lúa đông xuân của tỉnh ước đạt 1,2 triệu tấn. Năng suất cao nhưng giá lúa giảm hơn 1.000 đồng/kg. “Phản ứng của Nhà nước phải có căn cơ lâu dài, chứ không thể hết giải cứu tôm, cá, hành tím rồi dưa hấu, lúa. Góc độ nông dân, họ chỉ biết sản xuất, còn bán chỗ nào đó là chuyện của Nhà nước, bộ, ngành”, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện nay thị trường Trung Quốc đang gặp phải những vướng mắc từ chính sách nhập khẩu. Bộ NN&PTNT cần tác động, tháo gỡ tạo điều kiện cho gạo Việt Nam sớm quay lại thị trường này. Bộ Công thương hỗ trợ phát triển thị trường châu Phi và Nam Mỹ. Theo đánh giá của VFA và các cơ quan, năm nay lúa chín đồng bộ trong tháng 2 và 3-2019, sản lượng vụ mùa khá tốt dẫn đến ùn tắc cục bộ lượng lương thực cần phải giải phóng. Bài toán làm sao cho nông dân bán được giá tốt, doanh nghiệp dự trữ hàng hoá để những tháng sau quý 1-2019, thị trường khởi sắc lại và bán gạo được giá tốt.

Xuất khẩu lúa gạo gặp khó trong những tháng đầu năm 2019.

“Thời điểm này, xuất khẩu gạo chưa khởi sắc, vòng quay vốn của doanh nghiệp bị chậm, hụt vốn. Đây là thiếu vốn cục bộ, chứ không phải thiếu vốn thường xuyên ổn định của các doanh nghiệp mà do sản lượng tăng đột biến”, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA nói và cho rằng, thương lái và hàng xáo là một khâu trong lưu thông, vận chuyển. Vừa qua do tiêu thụ của doanh nghiệp chậm lại nên họ thu mua lúa bị lỗ dẫn đến chậm thu mua hoặc mua nhưng không có chỗ bán nên ngưng hoặc huỷ hợp đồng với nông dân. Bí Thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài việc xử lý tình huống cho vụ đông xuân năm nay, cần phải xác lập tầm nhìn dài hạn đối với ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL. “Nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể , đồng bộ , liên tục, kiên trì”, Bí Thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp nói. Các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, nhất là Vinafood 1 và Vinafood 2 cần ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm, hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) chia sẻ, hiện nay mô hình cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi giá trị vẫn còn nguyên giá trị và cần khuyến khích thực hiện. Đây là mô hình cụ thể, hiệu quả nhất nhưng hiện nay chưa thực hiện được nhiều. Chính quyền đồng tình, nhân dân muốn vào cánh đồng lớn vì được doanh nghiệp bao tiêu. Năm nay, công ty đầu tư trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn tại Cà Mau, thu hoạch 6.000 tấn, bán với giá 6.300 đồng/kg, tại Kiên Giang thu hoạch với 4.000 tấn, bán với giá gần 7.000 đồng/kg. “Hiệu quả như thế nhưng diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL chưa được 100.000 hécta/2 triệu hécta?. Đất đai, thủy lợi nội đồng đầy đủ nhưng chỉ thiếu tiền thực hiện. Ngân hàng phải thay đổi tư duy cho vay, để doanh nghiệp làm cánh đồng mẫu lớn và tin chắc sẽ thắng lớn. Giải cứu vụ lúa đông xuân thì phải nghĩ ngay đến vụ hè thu. Ngân hàng nếu cho vay, phải cho vay 9 tháng chứ đừng cho vay 4 đến 6 tháng vì khi đó doanh nghiệp phải tranh nhau bán hàng, trả nợ”, ông Phạm Thái Bình kiến nghị.

Nông dân BĐSCL thu hoạch lúa vụ đông xuân. 

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Ngân hàng sẽ có nhiều chính sách để các doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục vụ việc xuất khẩu gạo, trong đó có việc giảm lãi suất giảm xuống còn 6%. Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, phải tổng rà soát đánh giá lại để chủ động giảm diện tích, thực hiện tái cơ cấu từ sản xuất, chế biến cho đến xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội, bởi chất lượng gạo cao nhất từ trước đến nay cũng như nhiều chính sách ưu đãi. VFA phải làm cầu nối với Chính phủ, dự báo trước để tháo gỡ khó khăn.

5 nhóm giải pháp cứu giá lúa

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã họp, đưa ra 5 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung thu mua dự trữ quốc gia theo đúng kế hoạch 200.000 tấn gạo, 180.000 tấn thóc. Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính tính toán thu mua thêm 100.000 tấn thóc phục vụ cho công tác phát triển trồng rừng, xóa nghèo bền vững ở miền núi. Hệ thống tín dụng ngân hàng tháo gỡ các khó khăn, tính toán lại mức lãi suất phù hợp nhất.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp Bộ NN-PTNT và VFA khai mở những thị trường truyền thống, tập trung nghiên cứu phát triển những thị trường mới. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, lựa chọn quy mô sản xuất các mặt hàng nông sản ở mức độ phù hợp nhất, khai thác lợi thế tốt nhất và hướng đến thị trường để đảm bảo tất cả các đối tượng sản xuất nông nghiệp đều có dư địa tốt về mặt thị trường và có thu nhập cao. Ngoài ra, đẩy nhanh hơn quá trình hình thành chuỗi liên kết trên cơ sở hình thành các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp, liên kết với người nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

“Chúng ta phải chú trọng vào thị trường nội địa gần 100 triệu dân với tốc độ đô thị hóa gần 40% và giai cấp công nhân hơn 30 triệu người. Đây là nội dung cốt lõi cho phát triển nông nghiệp bền vững và các chính sách phát triển nông nghiệp. Các bộ, ngành thống nhất phối hợp với các địa phương, Hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp làm sao người dân cùng liên kết chặt chẽ với một quyết tâm cao là cả 3 khu vực gồm: khu vực Nhà nước, các bộ, ngành phải đồng hành; khu vực Hiệp hội nghề nghiệp đến các doanh nghiệp và khu vực người dân phải cùng đồng hành, cùng tập trung thì chúng ta sẽ tháo gỡ được khó khăn và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới sẽ thành công”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.

Văn Vĩnh
.
.
.