Kỳ 1: Mùa làm ăn của dân buôn lậu

Thứ Tư, 25/11/2015, 09:18
Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch, thời điểm nước lũ rút xuống là dân buôn lậu (BL) vùng biên giới Tây Nam bước vào “mùa làm ăn”. Năm nay, lũ không về, lại thấy công việc vận chuyển hàng lậu cũng dễ “có đất sống” nên không ít người dân nghèo biên giới… chuyển nghề, làm cho tình hình BL vốn phức tạp nay lại càng phức tạp hơn. 


Hàng lậu vào biên giới Tây Nam giờ không chỉ là thuốc lá, đường cát, xăng dầu mà còn có cả ma túy, ngà voi, và cả tiền Việt.

Kim đồng hồ đã nhích sang ngày mới 22-11. Biên giới về đêm không tịch mịch, chìm vào giấc ngủ sâu như chúng tôi nghĩ.

Tại “chốt liên hợp” vừa đi vào hoạt động được 3 ngày, đặt trên đường huyết mạch chạy cặp theo sông Sở Thượng đến trung tâm xã biên giới Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự - địa bàn được xem là “nóng nhất” của hoạt động BL nhiều năm qua của tỉnh Đồng Tháp, Thượng úy Tăng Ngọc Đảm – cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống, chốt trưởng, cùng các thành viên, trong đó có Thiếu úy Hồ Thiện Nhân – trinh sát Công an huyện Hồng Ngự, ông Phan Văn Thành - Công an viên thuộc Công an xã Thường Thới Hậu B… vẫn lặng lẽ căng mắt dõi theo hoạt động của các “nài”, tức đối tượng vận chuyển hàng lậu. Có tiếng thành viên nào đó ngáp dài có lẽ do đây là đêm thứ hai, các anh thức trắng.

Đại úy Dương Trung Tính – Trưởng Công an xã cùng cấp phó của mình là Nguyễn Văn Sương cũng có mặt tại chốt. Giải thích thêm về sự hình thành “chốt liên hợp” đặt tại địa bàn ấp 2 này, anh Tính cho biết là do hoạt động vận chuyển hàng lậu từ bên kia sông Sở Thượng (thuộc tỉnh Preyveng, Campuchia) sang thời gian qua quá phức tạp. “Mình với bạn chỉ cách nhau con sông này và kéo dài cả chục cây số. Tranh thủ tối đa đặc điểm địa lý này, các đối tượng BL đã ra sức hoạt động cả ngày lẫn đêm”.

Chưa hết năm 2015, Công an xã Thường Thới Hậu B đã bắt trên 50 vụ vận chuyển hàng lậu, trong đó có khoảng 20 tấn đường cát Thái Lan.

Từng có 15 năm gắn với công tác đảm bảo ANTT địa phương, Phó Công an xã Nguyễn Văn Sương cho biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng BL trên địa bàn anh rành như lòng bàn tay. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là các đối tượng BL luôn đối phó với lực lượng chức năng.

“Các đầu nậu BL thuê cư dân dùng xuồng máy chở hàng lậu qua sông Sở Thượng. Chưa đến 2 phút thì hàng lậu đã sang bên phía Việt Nam. Trên bờ, các nài vận chuyển túc trực sẵn, nhanh chóng bốc, chuyển hàng đi. Một số đối tượng khác thì cho hàng lậu di chuyển theo khu vực cánh gà cửa khẩu Thường Phước và tuyến tỉnh lộ 841 Thường Phước – TX Hồng Ngự  – anh Sương cho biết.

Hướng mắt về phía một số nhà được che chắn khá cẩn thận nằm bên kia sông Sở Thượng, anh Sương cho biết thêm: “Đó là các kho hàng lậu, mùa này chủ yếu là đường cát, thuốc lá, một số ít bánh kẹo. Còn hàng chục bè cá phía dưới mé sông như hồi chiều nhà báo thấy, thực ra cũng  toàn chứa hàng lậu. Chủ bè và các chủ kho hàng lậu chờ thời điểm thuận lợi để tuồn hàng qua bên đây”.

Trở lại chốt, chúng tôi được chứng kiến điều mà Thượng úy Đảm cho biết trước đó. Đó là có nhiều đối tượng tụ tập ngay trước điểm trường mẫu giáo, chỉ cách nơi các anh gác chốt chưa tới 30m. “Hễ thấy vắng một trong số anh em chúng tôi là các đối tượng gọi điện báo cho đồng bọn ngay. Ngay cả chúng tôi đi vào nhà đi vệ sinh, đối tượng cũng lặng lẽ dõi theo xem có phải đi vệ sinh thật hay lẩn trốn đi bắt người thân của họ” – Thượng úy Đảm kể.

Trên địa bàn xã Thường Thới Hậu B hiện có khoảng 20 “nài” vận chuyển hàng lậu chuyên nghiệp; còn bán chuyên nghiệp – theo anh Sương thì “nhiều lắm”. 

Được hỏi về lợi nhuận từ việc BL, anh Sương kể: “Như thuốc lá Jet chẳng hạn, bèo nhất cũng lời 10.000 đồng/cây (10 gói). Nên chỉ cần nhét vào cốp xe 5 cây, vượt trạm được để ra chợ Hồng Ngự thì đã cầm chắc 50.000 đồng rồi”.

Một “nài” từng làm thuê cho “đầu nậu” Hai Lúa (TX Hồng Ngự) cho biết, nếu 1.449 gói thuốc lá lậu (số lượng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu phát hiện lần đầu – PV) về đến nội địa một cách an toàn, thì phần lợi nhuận của 449 gói đủ trang trải cho tất cả các chi phí; phần lời từ 100 gói còn lại (1 triệu đồng) thì đầu nậu ăn trọn. “Đầu nậu này hơn chục xe giao cho các nài. Mỗi ngày mỗi xe thực hiện trót lọt 2 chuyến thôi thì đầu nậu này đã cầm chắc 20 triệu đồng” – anh Sương cho biết thêm. 

Đối với mặt hàng đường cát trắng Thái Lan, vào thời điểm bình thường, mỗi bao đối tượng BL lời khoảng 25.000 đồng, nhưng vào lúc “hút hàng”, tức trước Trung thu hoặc Tết, lời hơn 100.000 đồng/bao. “Lợi nhuận như thế nên nhiều người dân nghèo bỏ đồng ruộng đi BL là chuyện dễ hiểu” – Đại úy Tính nói.

Tại cuộc trò chuyện với PV Báo CAND sáng 18-11, ông Nguyễn Chí Bắc – Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống BL, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Đồng Tháp cho biết, chính những năm nước lũ về ít như năm nay, là lực lượng chống BL tại các tỉnh biên giới Tây Nam khổ nhất. “Đa phần người dân biên giới là nghèo, không có ruộng để sản xuất, không có nước để đặt lờ, lưới cá, đi hái bông điên điển,… thì họ tham gia BL, tiếp tay cho BL. Thực tế này càng khiến cho tình hình BL ngày càng phức tạp” – ông Bắc nói.

Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.
.