Gian nan như... chống hàng giả

Thứ Năm, 24/12/2015, 08:55
Lúc 8h30 ngày 25-11-2015, Đội 7, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CSĐTTPVTTQLKTVCV) - Công an TP HCM đã bắt quả tang một thanh niên chở 5 thùng hàng trong đó có chứa nhiều thuốc kích dục Viagra và bao cao su nhãn hiệu OK không có hóa đơn chứng từ.

Qua đấu tranh, nam thanh niên khai nhận lô hàng trên là của Công ty TNHH Xuân Sơn ở số 198/47A đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú do ông Trần Công Danh (31 tuổi) làm giám đốc. Kiểm tra trụ sở của Công ty Xuân Sơn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thùng hàng có chứa các loại dụng cụ kích dục, thuốc Viagra, bao cao su, gel bôi trơn và que thử thai cùng nhiều loại thuốc kích dục không gắn nhãn mác. 
Cơ quan chức năng kiểm tra kho thức ăn gia súc có chứa chất tạo nạc salbutamol.

Ông Danh khai nhận, công ty của ông chỉ được cấp phép chuyên ngành nghề mua bán máy móc, thiết bị và dụng cụ y tế, sau đó mở thêm chi nhánh trên đường Phan Thanh Giản, phường 15, quận 10. Tuy nhiên, do làm ăn khó khăn nên Danh đã tìm cách móc nối mua hàng giả từ nước ngoài (Trung Quốc) về bán kiếm lời. Hàng về đến, Danh chia nhỏ sản phẩm, cất giấu ở nhiều nơi, sau đó đem giao cho khách hàng, nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Các đối tượng còn trộn lẫn  hàng giả vào hàng thật nhằm đánh lừa khách hàng, gây không ít khó khăn cho việc xử lý hình sự. Ngày 24-6-2015, Đội 7 Phòng cũng đã phối hợp với tổ Thanh tra 113 khám xét văn phòng Công ty Bảo Khang và 2 điểm chứa hàng thu giữ số lượng hàng thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc trị giá lên tới 2,5 tỉ đồng. 

Ngày 8-7-2015, phát hiện Lương Minh Phúc (29 tuổi) trú tại 57A Dân Thắng, Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, chở 2 thùng mỹ phẩm các loại có dấu hiệu nghi vấn, cơ quan chức năng đã mời Phúc về trụ sở Công an phường 6, quận 3 để làm việc. 

Kết quả kiểm tra cho thấy số hàng của Phúc gồm rất nhiều loại: Sữa tắm, viên dưỡng da, muối tắm, kem dưỡng da, thực phẩm ăn kiêng… có nhãn hiệu và xuất xứ từ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ. 

Qua lời khai và kết quả kiểm tra số hàng của anh Phúc, cơ quan điều tra tiếp tục khám xét nơi cất giấu tang vật và các cơ sở có liên quan với cửa hàng mỹ phẩm Linh Trang (35/7B Trần Đình Xu quận 1) tại nhiều địa điểm khác nhau, thu giữ được hơn 60 mặt hàng các loại, khoảng 20 tấn, không có chứng từ hóa đơn, hầu hết được sản xuất từ Trung Quốc, nhưng đều được ghi “ MADE IN JAPAN, FRANCE, KOREA…”. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 2,8 tỉ đồng. 

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả. Thực trạng nhức nhối này có nhiều nguyên nhân, nhiều khi từ ngữ giải thích trong các văn bản pháp luật còn chồng chéo, khác biệt. V

í dụ theo luật hình sự thì hàng giả phải là hàng giả một thương hiệu nào đó đang lưu thông trên thị trường. Vì vậy khi hàng giả có nguồn gốc xuất xứ giống thương hiệu thật nhưng không đạt chất lượng, dù số lượng bị thu giữ có lớn bao nhiêu cũng khó xử lý hình sự, mất đi tính công bằng, răn đe của pháp luật. Nhiều mặt hàng như bột ngọt, bột nêm… không được xếp đúng chủng loại nên việc xử lý những vụ hàng giả này chỉ ở mức… phạt hành chính. 

Một khó khăn nữa, muốn khởi tố đó phải có kết quả giám định của các cơ quan chức năng, trong khi thời hạn tạm giữ có hạn. Đến khi Viện Kiểm sát phê chuẩn thì nhiều đối tượng đã kịp tẩu tán tang vật, hoặc đã chuyển đi nơi khác khiến công việc điều tra càng thêm vất vả, phức tạp.

Nhiều ý kiến cho rằng nên có một văn bản pháp quy đồng bộ và những hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng một cách thống nhất. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan, cũng như nâng cao trình độ, năng lực của những người thực thi pháp luật, trang bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ để giám định, kiểm tra chính xác, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm… Phải là một giải pháp đồng bộ của toàn xã hội  thì mới mong từng bước đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan hiện nay.

Đức Hà
.
.
.