Gắt gao kiểm soát không để lọt lợn nhập lậu vào Việt Nam

Chủ Nhật, 16/09/2018, 11:08
Sáng 14-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến  triển khai các biện pháp ứng phó với thực trang dịch tả lợn Châu Phi đang lan nhanh trên thế giới.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang có dịch tả lợn Châu Phi, trong khi đó, dịch tại Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng. Trước tình hình này, sáng 14-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, nhưng có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao. 

Hơn nữa, hiện chưa có vaccine, thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giải pháp phòng bệnh vẫn là chính. Vì vậy, Việt Nam phải chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào trong nước; tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học... 

Trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.

Kiểm soát chặt chẽ cả việc giết mổ, vận chuyển lợn.

Đại diện Bộ NN&PTNT nhìn nhận, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao. 

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa virus bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam khẳng định, bệnh dịch tả Châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. 

Tuy nhiên, khả năng tồn tại của virus dịch tả lợn Châu Phi cao hơn nhiều so với virus gây cúm hoặc lợn tai xanh. Cụ thể, loại virus này có khả năng tồn tại trong thịt động lạnh vô thời hạn; trong sản phẩm mỡ khô 1 năm; trong máu, thịt muối, xúc xích, nội tạng 3 tháng; trong phân, đất hơn 1 tuần. 

“Bản thân virus dịch tả lợn Châu Phi lây lan rất chậm trong cùng trại chăn nuôi, tuy nhiên, nếu đã mắc bệnh, lợn sẽ chết gần như 100%. Điều này cũng có nghĩa ngay cả  khi có virus bệnh xâm nhập, lợn cũng chỉ chết rải rác chứ không phải đồng loạt như những dịch bệnh khác”, đại diện FAO tại Việt Nam cho hay. Thực tế, các nước đã từng có dịch cho thấy, bệnh dịch tả Châu Phi lây lan chủ yếu do yếu tố con người tác động như: vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh hoặc nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác...

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, từ năm 2013 đến nay, Cục Thú y Việt Nam đã làm việc với FAO để tập huấn và cung cấp nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi. 

Đến nay, tất cả 8 phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi bằng kỹ thuật real time PCR, tức là ngay sau 3 giờ xét nghiệm đã có được kết quả. Hiện tại, các phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y đã có đủ nguyên liệu để xét nghiệm trên 2.000 mẫu phát hiện virus gây dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chăn nuôi lợn có ý nghĩa rất quan trọng trong ngành chăn nuôi nước ta, vì vậy các bộ ngành, địa phương không được chủ quan trước nguy cơ xâm nhập của dịch tả lợn Châu Phi. 

“Trước hết cần chủ động nắm bắt thông tin một cách chính xác, kịp thời, trong đó cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để thông tin về tình hình dịch tả lợn Châu Phi tới nhân dân. Đồng thời, nghiêm cấm và ngăn chặn chặt chẽ, không để lọt lợn sống và các sản phẩm từ lợn nhập lậu về Việt Nam. Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển từ các nước có dịch về Việt Nam, kể cả sản phẩm cho – tặng. Triển khai kiểm tra giám sát tại các chợ, giám sát chặt chẽ việc buôn bán giết mổ tiêu thụ thịt lợn, các sản phẩm của lợn...”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngọc Yến
.
.
.