Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ du lịch cộng đồng
- Tân Lợi biết làm giàu từ biển
- Làm giàu từ trồng dâu tây phục vụ khách du lịch
- Nghệ nhân làm giàu từ gốc tre
Họ đổ về vùng đất huyền thoại của nàng Lang chàng Biang để thăm thú, trải nghiệm và học cách làm cà phê, dệt thổ cẩm... Những lúc cao hứng, họ thuê ngựa, hối thúc những con tuấn mã phóng phăng phăng lên đỉnh núi, lẫn vào cánh rừng thông để tìm cảm giác của cuộc sống hoang vu.
Cứ thế, đời sống của người Lạch dưới chân núi Langbiang mỗi ngày lại thêm hào phóng, ngẫu hứng như một nghệ sỹ hối thúc du khách nước ngoài tìm tới trải nghiệm.
Thậm chí, có cả du khách si tình, bén duyên với thiếu nữ Kho, “đi du lịch không chịu về” và cái kết là chàng trai nọ ở rể, kết hôn với cô gái Lạch, sinh con đẻ cái, lại lập nên thương hiệu cà phê Kho dưới chân núi Langbiang huyền thoại. Đó là trường họp của Joshua (35 tuổi, người Mỹ).
Chị Cơ Liêng Rolan đang giới thiệu về cà phê Kho cho du khách nước ngoài. |
Năm 2008, trong lần tới Langbiang thăm thú, Joshua bắt gặp Cơ Liêng Rolan với giọng hát ngọt ngào như dòng suối đầu nguồn, vẻ đẹp trong trắng của thiếu nữ Lạch ở tuổi cập kề khiến chàng trai Mỹ mê mẩn, say đắm và họ đã trở thành vợ chồng. Thương hiệu cà phê Kho của dân tộc Kho ở Lâm Đồng cũng bắt đầu hình thành dưới bàn tay lao động cần mẫn của đôi vợ chồng trai tài gái sắc.
Ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước. Gia đình Joshua còn mở tour trải nghiệm, đưa khách lên rẫy hái và chế biến ra những ly cà phê Arabica thượng hạng theo sở thích để thưởng thức tại chỗ.
Đang tất bật chuẩn bị các vật dụng cần thiết để kịp trưng bày, tiếp đón các đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm trong ngày cận kề Tết cổ truyền, bà Ka Liêng Phước, ở buôn BNơr C, thị trấn Lạc Dương cho biết, sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà con mình dệt ra đang được nhiều khách du lịch ưa chuộng và tìm hiểu, nhất là người nước ngoài.
Do không còn phải lo lắng về đầu ra, có nguồn thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cộng với tăng gia sản xuất rau, hoa và cà phê theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cho khách vào tham quan, trải nghiệm thực tế nên kinh tế gia đình của người dân trong buôn đã có bước phát triển khá.
Bây giờ, dưới chân núi Langbiang cuộc sống đang thay da đổi thịt hằng ngày, nhiều căn nhà được xây dựng theo kiến trúc biệt thự sang trọng mà thoạt nhìn khó ai có thể tin rằng chủ nhân của những căn nhà mơ ước ấy lại chính là người dân tộc thiểu số.
“Hồi trước đời sống buôn làng khó khăn lắm, bây giờ Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn để dân làm ăn nên đời sống cũng đã đi lên từng ngày. Trước dệt thổ cẩm là phải mang đi nơi khác để bán, còn giờ mình dệt thổ cẩm ra thì bán cho du khách. Khách du lịch họ đến trong buôn để tham quan và họ thích thổ cẩm thì mua thôi nên buôn bán rất thuận lợi. Thu nhập được nâng lên nên bà con rất phấn khởi và vui vẻ!..”, bà Ka Liêng Phước cho biết.
Ngoài trưng bày, bán sản phẩm thổ cẩm cho khách du lịch, các con của bà Ka Liêng Phước còn mạnh dạn mở hẳn một khu vực đón tiếp du khách, trưng bày sản phẩm cà phê Arabica và giới thiệu quy trình sản xuất loại cà phê đặc sản này.
Cách buôn BNơr C 300m là Bon Đưng, hàng trăm nghệ nhân ở nơi đây đã đứng ra thành lập 10 nhóm cồng chiêng để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa bản địa cho du khách khi đến với vùng đất Langbiang huyền thoại này.
Cùng với đó, các dịch vụ ăn uống với sản phẩm đặc hữu của cư dân bản địa như rượu cần, cơm lam, thịt heo hun khói cũng phát triển theo.
Theo bà Sa Ly, một nghệ nhân đứng ra tổ chức một nhóm hoạt động cồng chiêng phục vụ khách du lịch ở Bon Đưng, thị trấn Lạc Dương, từ khi bà con biết làm du lịch thì đời sống kinh tế đã phát triển khá lên từng ngày, số lao động nhàn rỗi giờ đã có việc làm nên cái đói cái nghèo đã bị đẩy lùi ra khỏi từng căn nhà, bếp lửa. Cuộc sống đổi thay, ai cũng có việc làm, mọi gia đình nỗ lực làm giàu, chuyện tụ tập ăn nhậu, gây ồn ào nay hiếm khi xảy ra.
Theo Công an thị trấn Lạc Dương, những năm qua, ANTT trên địa bàn luôn được giữ vững, bà con chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không nghe theo lời của kẻ xấu xúi giục, kích động. Không những thế, các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ do Công an huyện Lạc Dương phát động luôn được bà con tham gia hưởng ứng nhiệt tình đã tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng.
Các gia đình đều tích cực giáo dục con cái lánh xa các loại tệ nạn, nỗ lực học tập và lao động sản xuất, nhờ đó mà tỉ hệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh, chất lượng cuộc sống của bà con người Lạch được nâng cao rõ rệt.
Ông Cao Anh Tú, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương cho biết, toàn huyện có hơn 70% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, phần lớn là người Kho. Cuộc sống ngày càng văn minh, hội nhập nhưng bà con vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa rượu cần.
“Những năm gần đây, do biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương vào phục vụ du lịch đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, thay đổi cách làm ăn, nâng cao đời sống của người dân mà chỉ cách đây chưa lâu, nhiều gia đình trong số đó vẫn là hộ đói, nghèo!...” ông Cao Anh Tú nói.