Nông nghiệp Việt Nam trước thách thức và cơ hội lớn

Chủ Nhật, 11/12/2016, 06:48
Những tiến triển về thâm canh và đẩy mạnh năng suất lúa của hộ nông dân nhỏ trong thập kỷ 1990 và sau đó đã góp phần quan trọng đem lại thành công cho Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội. Từ một quốc gia thiếu đói, sản lượng lương thực bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện đã đứng ở mức cao trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình.

Nhận định “Nông nghiệp Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thế kỷ qua và đã được bình chọn làm “câu chuyện thành công” về an ninh lương thực; Nhiều quốc gia đang tìm cách học tập thành công của Việt Nam về an ninh lương thực”, nhưng báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam “đang đứng trước ngã ba đường”, cần những thay đổi mạnh mẽ về chất.

Báo cáo do ông Steven Jaffee (Chuyên gia trưởng về kinh tế nông nghiệp của WB tại Việt Nam) chắp bút, nhấn mạnh: Những tiến triển về thâm canh và đẩy mạnh năng suất lúa của hộ nông dân nhỏ trong thập kỷ 1990 và sau đó đã góp phần quan trọng đem lại thành công cho Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội. Từ một quốc gia thiếu đói, sản lượng lương thực bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện đã đứng ở mức cao trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình.

Tuy là nước xuất khẩu hàng đầu của hàng chục mặt hàng, nhưng nông sản Việt Nam chưa có thương hiệu.

Cũng trong giai đoạn trên, Việt Nam bất ngờ nổi lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản quốc tế. Kết quả về quy mô và phạm vi thương mại đều hết sức ấn tượng. Kim ngạch thương mại của 7 mặt hàng nông sản khác nhau của Việt Nam đến nay đã đạt trên 1 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu.

“Nông dân Việt Nam đã thích ứng ngoạn mục với các cơ hội đem lại thông qua nhu cầu đối với nông sản trên toàn cầu; WTO và các Hiệp định thương mại khác; môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước được cải thiện; điều kiện sinh thái nông nghiệp đa dạng của quốc gia và vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam (gần với các quốc gia thu nhập trung bình tăng trưởng cao)” – WB nhận định.

Tuy nhiên, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa được ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực nếu xét về năng suất sử dụng nước, lao động và đất nông nghiệp. Tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp đã giảm kể từ giữa thập kỷ 2000.

Khoảng cách thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng doãng ra. Nếu như năm 2002, khoảng cách thu nhập nông thôn – thành thị chỉ là 347 USD (622 USD/người/năm so với 275 USD/người/năm); thì sang đến 2012, chênh lệch lên tới 1.410 USD (2.989 USD/người/năm so với 1.579 USD/người/năm).

Hầu hết nông sản Việt Nam đều được bán dưới dạng thô, với giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu, do thua kém về chất lượng. Nông sản thô giá rẻ của Việt Nam thường được pha trộn với các mặt hàng của các quốc gia khác để tạo ra thành phẩm được bán dưới các thương hiệu quốc tế.

“Nghịch lý là mặc dù ẩm thực Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn ở các quốc gia thu nhập cao, thì hầu hết thành phần và thực phẩm do người Việt Nam cung cấp lại chưa được người tiêu dùng biết đến, một phần do quan niệm về rủi ro an toàn thực phẩm và môi trường.

Hiện tượng này cũng diễn ra ngay tại sân nhà, với những quan ngại ngày càng tăng về sự an toàn của vật nuôi, cây trồng, trà, các đồ uống và thực phẩm sản xuất trong nước khác” – báo cáo nêu một hiện tượng rất đáng chú ý.

Tăng trưởng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam nhờ vào sử dụng ngày càng nhiều đầu vào (quảng canh, thâm dụng đất và các tài nguyên khác, thâm dụng phân bón, thuốc kháng sinh và các hóa chất nông nghiệp khác), đôi khi với những phí tổn lớn về môi trường.

Hệ quả về thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào đang ngày càng trở nên rõ nét cả về môi trường và thu nhập của nông dân. Một số vấn đề môi trường đang gây tác động bất lợi về năng suất cũng như uy tín và vị thế quốc tế của nông sản Việt Nam.

“Việt Nam đang có những cơ hội đầy hứa hẹn trên các thị trường nông sản trong nước và quốc tế, nhưng để cạnh tranh hiệu quả, đòi hỏi người nông dân và DN phải có khả năng đem lại các sản phẩm đáng tin cậy và được đảm bảo về chất lượng, an toàn và bền vững.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải tạo thêm giá trị kinh tế, nâng cao phúc lợi cho người nông dân và người tiêu dùng, nhưng sử dụng ít tài nguyên, nhân công và đầu vào trung gian độc hại hơn” – WB khuyến cáo.

Đến 2030, nông nghiệp vẫn là sinh kế của ít nhất 1/3 dân số

Tỷ trọng đóng góp của sản xuất nông nghiệp cho GDP quốc gia và tạo việc làm ở Việt Nam đã, đang giảm và được cho là sẽ tiếp tục giảm xuống; nhưng WB nhận định, ít nhất 1/3 dân số Việt Nam vẫn sống dựa vào nông nghiệp trong thập kỷ 2030. Từ năm 2000 đến 2013, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp trên GDP giảm từ 22,7% xuống 17%; tỷ trọng đóng góp việc làm giảm mạnh từ 65% xuống 47%.

Tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp cho GDP dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong 2 thập kỷ tới, có thể ở mức 0,5% mỗi năm. Đến đầu thập kỷ 2030, ngành nông nghiệp chính sẽ chỉ đóng góp được khoảng 8% cho GDP của Việt Nam; tuy nhiên, ngành công nghiệp nông nghiệp, kết hợp với các dịch vụ phân phối lương thực, thực phẩm, hậu cần (và các dịch vụ khác) có thể chiếm gần gấp đôi tỷ trọng này, có nghĩa là tổng ngành thực phẩm – nông nghiệp kết hợp vẫn có thể đóng góp 1/4 GDP.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp sẽ giảm xuống 25%, nhưng nếu xét cả lao động tham gia vào các ngành dịch vụ và sản xuất chế biến thực phẩm – nông nghiệp, thì nông nghiệp và thực phẩm vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu cho ít nhất 1/3 dân số Việt Nam trong thập kỷ 2030.

Nam Phương
.
.
.