Phát triển nông nghiệp: Cần có hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp

Thứ Năm, 29/12/2016, 00:33
Phát biểu tại Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” do VCCI tổ chức ngày 27-12 tại Hà Nội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian qua 2 cụm từ được nhắc nhiều lần là nông nghiệp và khởi nghiệp.

Theo ông Lộc, để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Chúng ta chỉ thành công khi xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tất nhiên phải đảm bảo nhiều cách tiếp cận khác nhau, do vậy, cần tạo cho các doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận thị trường; cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), tính đến hết tháng 2-2016, cả nước có 4.424 doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản). Các DN này có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, chỉ số phản ánh về hiệu suất sinh lời cao hơn so với các DN trong lĩnh vực khác.

Quá trình đổi mới DN Nhà nước trong lĩnh vực đã có sự thay đổi đáng kể, số DN Nhà nước trong nông nghiệp giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Năm 2016, đã có 244 DN Nhà nước trong nông nghiệp được thông qua đề án tái cơ cấu. Đặc biệt sau khi được Chính phủ đưa ra 3 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực.

Nông nghiệp Việt Nam đang cần động lực mới để phát triển bền vững. Trong ảnh là một trang trại bò hiện đại ở Nghệ An. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lí doanh nghiệp – Bộ NN&PTNT cho biết, số lượng DN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước.

Sản xuất nông nghiệp vẫn đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng, dịch vụ… còn nhiều yếu kém. DN mới chỉ chú ý đến sản xuất và chế biến thô mà chưa chú trong về sản xuất tinh và các hoạt động marketing.

“Do đó, Đảng và Chính phủ đã thực sự quan tâm đến khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong nông nghiệp, coi khởi nghiệp chính là động lực để tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân”, ông Hiển nhấn mạnh.

Về định hướng cho DN trong nông nghiệp, theo ông Hiển, trước hết cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước. 

Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta phải đẩy mạnh đối thoại với DN, tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp.

Khởi nghiệp trong nông nghiệp bắt đầu thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.

Bà Loreen Weintraub, Tổng Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á Tập đoàn ORCA cho rằng, yếu tố để giúp khởi nghiệp thành công là khi bắt đầu sự nghiệp nhỏ nhưng phải có ý nghĩ lớn ra toàn cầu và có giá trị với xã hội và toàn cầu; thu hút đầu tư phải chọn ý tưởng, chọn nhân lực tốt.

Theo PGS.TS Mai Quang Vinh, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Chính xác, Chủ nhiệm Chương trình KHCN Thời tiết Nông nghiệp Thông minh iMetos Việt Nam, Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục (ITED) nông nghiệp Việt Nam muốn tiến lên và phát triển thì phải áp dụng nông nghiệp chính xác như Israel.

“Chúng ta cần phải nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn, không để những dự án khởi nghiệp chỉ nằm trên giấy. Và để hỗ trợ khởi nghiệp thành công, nhất thiết phải thành lập một hội đồng cố vấn. Mà không ai có thể đứng vào vị trí này ngoài các doanh nhân đi trước, những người có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ khởi nghiệp thành công”, ông Huyên nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.