Chuyện Tây làm giàu ở xứ ta
Đà Lạt Hasfarm là công ty trồng hoa bằng công nghệ nhà kính đầu tiên có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động từ năm 1994 trên xứ sở ngàn hoa Đà Lạt của nhà sáng lập Thomas Hooft và cộng sự đồng hương Schenke. Vốn là người Hà Lan, tốt nghiệp chuyên ngành hoa và rau quả, Thomas Hooft đã sớm đưa những thành tựu nông nghiệp quê hương vào Việt Nam bằng việc trồng hoa trong nhà kính.
Hoa công nghệ cao của Đà Lạt Hasfarm đón Tết. |
Với số vốn 700.000 USD cho sự khởi đầu của Đà Lạt Hasfarm trên 1ha hoa hồng và 1ha hoa cẩm chướng được trồng trong khu nhà kính tại đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt đã đem lại sự thành công trên sức tưởng tượng của nhiều người. Đến nay, Đà Lạt Hasfarm đã mở rộng diện tích 300ha, trong đó có 80ha hoa trong nhà kính ở Đà Lạt và Đơn Dương (Lâm Đồng).
Phó Tổng Giám đốc Đà Lạt Hasfarm Nguyễn Văn Bản chia sẻ: “Chúng tôi thành công trên con đường làm giàu từ hoa trồng trong nhà kính vì biết ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp một cách phù hợp và đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của thị trường quốc tế”.
Mỗi năm Đà Lạt Hasfarm xuất khẩu hàng trăm triệu cành hoa và ngọn giống cung ứng cho tất cả thị trường các nước trên thế giới khó tính nhất đã tạo cho Đà Lạt Hasfarm trở thành thương hiệu số một thế giới về xuất khẩu hoa chất lượng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, với diện tích nông trại nhỏ như Đà Lạt Hasfarm trên cao nguyên Đà Lạt mà doanh thu hơn 50 triệu USD mỗi năm quả là một con số khổng lồ từ nông nghiệp xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Bản cũng cho biết, 70% hoa xuất khẩu của doanh nghiệp cho thị trường các nước trên thế giới phải đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Hiện doanh nghiệp đang mở rộng thêm 40ha hoa ở độ cao tự nhiên, đủ độ lạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo chất lượng cao của hoa xuất khẩu.
“Yêu cầu chơi hoa cũng giống như thời trang nên chúng tôi phải thay đổi cho phù hợp với thị trường thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn hoa sạch, màu sắc và mẫu mã...”, ông Nguyễn Văn Bản nói.
Hiện Đà Lạt Hasfarm giải quyết việc làm cho 2.200 công nhân, trong đó có 500 công nhân lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Đà Lạt Hasfarm còn hợp đồng với 200 công nhân thời vụ và liên kết với 171 hộ nông dân trồng hoa ở Đà Lạt để thu mua sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và chọn giống đầu tư... Hầu hết những nông dân liên kết trồng hoa với Đà Lạt Hasfarm đều ổn định cuộc sống và làm giàu từ hoa.
Thành công của Đà Lạt Hasfarm trong việc trồng hoa nhà kính chất lượng cao là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao, đáp ứng được môi trường nhân tạo phù hợp cho sự tăng trưởng, phát triển của từng loại hoa theo mong muốn. Đặc biệt là tăng cường sử dụng các loại nấm có lợi cho hoa, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật...
Cùng với thương hiệu hoa xuất khẩu của người Hà Lan, người Nhật cũng đã biết làm giàu trên đất Tây Nguyên nhờ liên kết trồng rau sạch chất lượng cao để xuất khẩu từ nhiều năm nay.
Ở vùng rau Lạc Dương (Lâm Đồng) với cái tên “Làng Thần Kỳ” sản xuất rau sạch theo công nghệ Nhật Bản đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Hironosi Tsuchiya - Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Phú Lacue đã gây dựng một thương hiệu rau sạch chất lượng cao ngay trên đất Tây Nguyên rồi đưa về tiêu thụ cả Nhật Bản. Để tạo được sự thành công, người trồng rau phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, giống... theo công nghệ trồng Nhật Bản.
Từ ý chí và quyết tâm cao của người Nhật, Hironosi Tsuchiya đã biến một phần đất khó ở Lạc Dương (Lâm Đồng) thành quê hương thứ 2 của mình như làng Kawakami (quận Minamisaku, tỉnh Nagano), nơi được mệnh danh là “Làng Thần Kỳ” Nhật Bản. Nơi đó, từ vùng đất khó trở nên giàu có nhờ biết áp dụng khoa học công nghệ vào trồng rau, sản xuất nông nghiệp...
Trong khi đó đi vào tìm hiểu cuộc sống, cách làm ăn nhỏ lẻ từ nông nghiệp manh mún của không ít người dân ở Tây Nguyên mà cảm thấy thương. Chị Trần Thị Hạnh, ở phường 8, Đà Lạt cho biết, ngoài những nông dân trồng hoa liên kết với Đà Lạt Hasfarm thì phần lớn còn lại đều làm tự phát và chỉ bán rẻ cho người tiêu dùng ở các địa phương vì chất lượng hoa không đảm bảo. Không chỉ hoa mà rau và các sản phẩm nông nghiệp khác ở đây cũng thế, nếu cứ để nông dân sản xuất tự phát, tiêu thụ tự do thì khó giàu được...
Việc các nhà đầu tư ngoại đang biết tận dụng thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam và biết làm giàu trên chính mảnh đất chúng ta không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao xuất khẩu mà còn mở ra cho người dân chúng ta những cách làm ăn khoa học hơn và phải biết tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong sản xuất kinh doanh. Và muốn làm được điều ấy không thể để nông dân “tự bơi” mà phải có sự vào cuộc của ngành nông nghiệp nước nhà.