Cao Bằng đặt mục tiêu thu 900 tỷ đồng từ du lịch vào năm 2020

Thứ Tư, 27/11/2019, 17:12

Nhằm phát huy tiềm năng du lịch lớn, tỉnh Cao Bằng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 1,6 triệu lượt khách du lịch, thu khoảng 900 tỷ đồng. Ngành du lịch cũng sẽ tạo việc làm cho 6.000 lao động trực tiếp và 13.000 lao động gián tiếp của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, ông Trương Thế Vinh cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2019, Cao Bằng đã đón hơn 1,46 triệu lượt khách, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 173.000 lượt người, tăng 68,9% so với cùng kỳ. Khách nội địa ước đạt gần 1,3 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 449,2 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ. 

Phong cảnh đẹp, hữu tình là lợi thế rất lớn của Cao Bằng trong phát triển du lịch

Hiện tại, Cao Bằng vẫn còn rất nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác và chuẩn bị đưa vào khai thác. Nhận thức được tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 1,6 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, 1,4 triệu lượt khách nội địa, 200 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 900 tỷ đồng. Ngành du lịch cũng sẽ tạo việc làm cho 6.000 lao động trực tiếp và 13.000 lao động gián tiếp. Tỷ trọng GDP du lịch đạt trên 3%.

Đoàn khảo sát du lịch Cao Bằng dành cho doanh nghiệp và truyền thông do Tổng cục Du lịch tổ chức tháng 11-2019

Tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh và là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa như Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo, di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An. 

Khu du lịch sinh thái Phia Oắc- Phia Đén, quần thể Hồ Thang Hen, Mắt Thần núi hồ Nặm Chá với hệ thống hang động ngầm có giá trị quốc tế. Đặc biệt, Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao với danh thắng quốc gia Thác Bản Giốc đã được nhiều tạp chí, hãng truyền thông vinh danh là thác lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. 

Tìm hiểu lịch sử vùng đất 500 năm tại Cao Bằng là một điểm nhấn trong hành trình khám phá vùng đất này

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Cao Bằng còn là một miền đất có bề dày lịch sử, toàn tỉnh có 214 di tích trong đó có 90 di tích đã được xếp hạng.

 Kho tàng văn hoá phi vật thể của các dân tộc ở Cao Bằng cũng rất phong phú nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang được nghiên cứu, bảo tồn. Đặc biệt Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng và Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có nhiều làng, bản còn giữ được bản sắc dân tộc độc đáo cũng như có các nghề truyền thống có thể làm du lịch cộng đồng đáp ứng nhu cầu khám phá trải nghiệm của du khách.

Một trong những khung cảnh đẹp, nên thơ của Cao Bằng

 Du khách đến Cao Bằng còn được tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển về địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này thông qua các điểm di sản địa chất nổi bật như: Bazan Cầu gối đèo Mã Phục, đỉnh núi Phja Oắc, các điểm có hóa thạch Cúc đá, san hô cổ, tay cuộn,...


N.Hoa
.
.
.