Cần có thay đổi chiến lược về chính sách thu hút vốn FDI

Chủ Nhật, 20/05/2018, 08:23
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính lũy kế đến tháng 4-2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 25.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 321,25 tỷ USD. Trong số đó, có khoảng 177,47 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 55,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, có thể nói Việt Nam đã đạt được kết quả đặc biệt tốt trong thu hút FDI. Dòng vốn FDI hàng năm tăng gần 1.000%  trong 10 năm qua. Năm 2016, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia ASEAN khác, trừ  Singapore.

Theo tỷ trọng trên GDP đầu người, thu hút vốn FDI của Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc hoặc Ấn Độ (và tất cả các quốc gia ASEAN lớn trừ Malaysia). FDI  ở Việt Nam cũng có sự mở rộng về địa lý với 51 tỉnh, thành phố có dự án FDI vào năm 2016. Việt Nam  được xếp ở vị trí đứng đầu trong số 14 thị  trường mới nổi trong hai năm liên tiếp về thu hút đầu tư mới từ nước ngoài so với quy mô nền kinh tế quốc gia.

Tuy có được kết quả thu hút đầu tư FDI ấn tượng, nhưng Việt Nam cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao hơn để đạt được các mục tiêu phát triển.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho biết, các khu công nghiệp đã trở thành công cụ chủ chốt để đổi mới chính sách và cải cách kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào đặc điểm chiến lược (kỹ năng, thể chế, và cơ sở hạ tầng), thu hút các nhà đầu tư giá trị cao.

Thực tế, thời gian qua, vốn FDI vào Việt Nam đa phần vẫn đến từ các nước châu Á mà chưa thu hút được nhiều dự án đến từ các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu… trong đó  nhóm 10 quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam chủ yếu bao gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, các nước “Con rồng châu Á” (Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc) chiếm 49% tổng  số  các dự  án FDI và 42% lượng vốn đăng ký từ  1988-2016; Nhật Bản chiếm 14% số  dự án và 12% lượng vốn đăng ký; Trung Quốc chiếm 7% số dự án và 3% lượng vốn đăng ký. Hoa Kỳ chỉ chiếm 4% số dự án và 5% lượng vốn đăng ký.

Việt Nam cần có thay đổi chiến lược về chính sách thu hút vốn FDI để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực FDI hiện nay đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư cho xã hội và 20% GDP của cả nước, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy hoạt động XK. Đơn cử năm 2017, khu vực FDI chiếm tới 72% tổng giá trị XK, góp phần cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Tuy nhiên, 30 năm thu hút FDI cũng có những hạn chế nhất định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn từ khu vực FDI để hỗ trợ cho phát triển kinh tế… vẫn chưa được như kỳ vọng.

Để thu hút FDI hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần có chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài đúng hướng, đúng mục đích phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Đó là việc chọn lọc những dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn có giá trị gia tăng cao, những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia để tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua sự kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đó phải là những dự án giảm sự phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu đầu vào.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE) cho rằng, 30 năm qua đã có bước tiến bộ rất lớn trong xây dựng chính sách về đầu tư FDI. Để duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư, Việt Nam cần thay đổi các chính sách khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình, trên cơ sở đó hình thành các định hướng mới về thu hút đầu tư FDI. Theo đó, chính sách mới về thu hút đầu tư FDI cần tiếp tục coi trọng ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương kém phát triển.

Ưu tiên thu hút vốn đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Dự thảo Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030 cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm thu hút hiệu quả nguồn vốn này. Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới đề xuất cần thành lập một “Cục quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới”, có thẩm quyền đầy đủ và chức năng lồng ghép sâu hơn để chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Phan Đức
.
.
.