Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính: Có hiệu quả nhưng còn nhiều tồn tại

Thứ Năm, 13/09/2018, 10:23
Cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm là 1 trong 8 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) trong thời gian tới mà Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh công tác CCHC và công bố chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính, diễn ra sáng 12-9.

Theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, ngành Tài chính đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC trong tổng số 258 TTHC.

Nhiều tập thể, cá nhân nhận bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính.

Cùng với đó, đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đề xuất đơn giản hóa đối với 90 TTHC. Bộ Tài chính cũng phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, đã kiến nghị sửa đổi 6 Luật và 16 Nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện phương án cắt giảm chế độ báo cáo định kỳ, đã đề xuất cắt giảm 122/443 báo cáo, đạt 27,53%, vượt mức yêu cầu là 20%, đề xuất đơn giản hóa 208/443 báo cáo, đạt 46,95%. Đồng thời, xây dựng lộ trình đảm bảo 100% báo cáo được thực hiện theo phương thức điện tử.

Toàn ngành cũng tập trung cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hợp lý theo nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, triển khai sắp xếp, sáp nhập các Chi cục Thuế, giải thể 43 Phòng giao dịch Kho bạc nhà nước, giải thể 1 chi cục Hải quan và sắp xếp, giảm 170/373 tổ/đội của 24 Cục Hải quan; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam theo hướng ngày càng được mở rộng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Những kết quả cải cách thể chế, cải cách TTHC và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nêu trên của Bộ Tài chính đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tại Hội nghị Công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018), Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá nhóm TTHC thuế đứng thứ nhất, nhóm TTHC hải quan đứng thứ ba trong 8 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá. Theo khảo sát của VCCI, có đến 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua.

Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business (DB) năm 2018 được World Bank (WB) công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2017 (Par Index 2017) của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó Bộ Tài chính đạt 84,42/100 điểm (trong đó điểm thẩm định là 53,94 điểm, điểm điều tra xã hội học là 30,47 điểm), xếp thứ 3/19.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính tính ổn định chưa cao, một số văn bản còn phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; số lượng TTHC lĩnh vực tài chính còn lớn (961 TTHC), việc công bố, công khai TTHC còn chậm, chưa đúng quy định, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC một số lĩnh vực còn hạn chế; bộ máy hành chính còn cồng kềnh; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức còn chưa đồng đều, kỷ cương, kỷ luật hành chính một số nơi còn chưa nghiêm; việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập kết quả đạt được chưa cao; việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử trong quản lý hành chính còn chậm…

“Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh triển khai công tác CCHC, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD, Bộ Tài chính xác định 8 giải pháp quan trọng, trong đó phải tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách TTHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm;  Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách tài chính công theo hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần đảm bảo an ninh tài chính; Chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và thực hiện nhóm giải pháp về công tác theo dõi, đánh giá chấm điểm chỉ số CCHC của Bộ Tài chính hàng năm”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Lệ Thúy
.
.
.