Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ Ba, 12/12/2017, 15:51
Từ 1-2-2017 đến nay, đã có gần 1 triệu lượt người truy cập vào Trang thông tin cấp thị thực điện tử; có 96.478 lượt người nước ngoài đề nghị và được cấp thị thực điện tử, trong đó có 93.266 lượt người nước ngoài tự truy cập vào hệ thống và 3.212 lượt người nước ngoài thông qua các cơ quan, tổ chức trong nước làm thủ tục.

Đó là những kết quả được công bố trong buổi họp báo đánh giá kết quả 9 tháng triển khai thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và thông báo bổ sung danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tổ chức tại Hà Nội, ngày 12-12.

Dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh ngày 22-11-2016, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-2-2017).

Sau 9 tháng triển khai thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, về cơ bản đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Từ 1-2-2017 đến nay, đã có gần 1 triệu lượt người truy cập vào Trang thông tin cấp thị thực điện tử; có 96.478 lượt người nước ngoài đề nghị và được cấp thị thực điện tử, trong đó có 93.266 lượt người nước ngoài tự truy cập vào hệ thống và 3.212 lượt người nước ngoài thông qua các cơ quan, tổ chức trong nước làm thủ tục.

Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh theo từng tháng. Công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực cũng lựa chọn thị thực điện tử thay vì nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực.            

Dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao về việc áp dụng cấp thị thực điện tử của Việt Nam, đặc biệt đã thu hút sự quan tâm của địa bàn Mỹ và châu Âu. Qua trao đổi, cơ quan đại diện một số nước được Việt Nam thí điểm cấp thị thực điện tử đều có chung đánh giá mặc dù Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử sau các nước, nhưng đã có những cải cách mạnh mẽ, thủ tục rất đơn giản, thuận tiện.

Việc cấp thị thực điện tử đã thu hút hơn nữa người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư; cải cách hành chính một cách triệt để trong công tác quản lý nhập xuất cảnh của người nước ngoài.

Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là sự đổi mới về thủ tục hành chính, đạt dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Quy trình cấp thị thực điện tử thực hiện một cách đơn giản, đảm bảo thuận lợi, công khai, minh bạch. Thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử theo quy định là 3 ngày làm việc, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn từ 1 - 2 ngày làm việc.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài

Công tác kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài; không để sót lọt đối tượng thuộc diện “chưa cho nhập cảnh” vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia.

Việc phối hợp giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh với các cơ quan liên quan được thực hiện chặt chẽ.

Việc kết nối đường truyền để truyền thông tin cấp thị thực điện tử đến các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử nhanh chóng, thông suốt, không để xảy ra sự cố nào trong công tác quản lý xét duyệt cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; phí cấp thị thực điện tử nộp qua hệ thống đảm bảo chính xác, minh bạch. 

Bộ Công an đã hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng công tác quản lý tạm trú của người nước ngoài (vì chủ yếu người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử không có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam mời, bảo lãnh).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc tìm hiểu thông tin liên quan đến thị thực điện tử và giải đáp thắc mắc, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã thiết lập hộp thư điện tử và hoàn thiện nội dung “Các câu hỏi thường gặp” bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, cài đặt vào chức năng hỗ trợ trên Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

Tính đến ngày 4-12, đã tiếp nhận và trả lời 4.592 thư điện tử của người nước ngoài hỏi về các vấn đề liên quan đến thị thực điện tử. Ngoài việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã triển khai việc tiếp nhận, xử lý đề nghị xét duyệt, kiểm tra nhân sự người nước ngoài nhập cảnh của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam qua hệ thống giao dịch điện tử.

Các cơ quan, tổ chức có bút ký điện tử có thể nộp và nhận kết quả trả lời đề nghị xét duyệt nhân sự qua hệ thống giao dịch điện tử; không phải trực tiếp đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm thủ tục. Bước đầu, việc áp dụng hệ thống giao dịch điện tử đã được nhiều doanh nghiệp đón nhận vì thủ tục đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian.  

Trên cơ sở 9 tháng triển khai thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, Chính phủ đã quyết định bổ sung 6 nước được cấp thị thực điện tử gồm: Australia, New Zealand, Canada, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ấn Độ, Hà Lan.

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của báo giới và đại diện các đại sứ quán, hãng hàng không liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đã được lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh giải đáp. Thiếu tướng Lê Xuân Viên cho biết, vẫn tồn tại song song việc cấp thị thực điện tử và cấp thị thực tại cửa khẩu.

Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp nào đặc biệt được quy định trong Luật vẫn được cấp thị thực tại cửa khẩu. Thời hạn hộ chiếu để được cấp thị thực điện tử cũng giống như hộ chiếu quy định đối với việc cấp thị thực bình thường, để được nhập cảnh vào Việt Nam, người đó phải có hộ chiếu và giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, hộ chiếu ít nhất phải còn thời hạn 30 ngày trở lên.

Việt Hưng - Hồng Vân
.
.