Bài cuối: Yếu thế vì mãi vẫn chưa “hiểu” luật chơi

Thứ Năm, 15/10/2015, 08:26
Nhìn lại chặng đường Việt Nam đã đi qua trong hội nhập, một chuyên gia nhận định: Cái gì chúng ta cũng rục rịch chuẩn bị từ rất sớm, nhưng cuối cùng nhiều cái chẳng chuẩn bị được gì. Đơn cử việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hay việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại “thế hệ mới”, khi các vũ khí truyền thống như hạn ngạch, thuế đều đã bị hạ xuống.


Từ năm 2004, Quốc hội đã thông qua… tức là trước khi Việt Nam gia nhập WTO đến 3 năm. Tuy nhiên, đến nay, sau 11 năm, chúng ta mới chỉ sử dụng công cụ đó được… 5 lần, trong khi phải đối phó với hàng trăm vụ kiện trên khắp thế giới.

Có nên tiếp tục là một trò “ngoan”?

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trên nền tảng chung là tự do hoá thương mại, tức là các nước dỡ bỏ các công cụ hạn chế thương mại đi. Lý thuyết là vậy, nhưng thực chất, các nước dỡ bỏ công cụ truyền thống thì lại dựng lên công cụ mới, tinh vi hơn, vẫn là bảo hộ thương mại. 

Các công cụ truyền thống có thể kể đến là hạn ngạch (quota), giấy phép, hay thuế. Bất cứ khi  một nước nào đó thấy nhập khẩu gia tăng, đe dọa sản xuất trong nước họ sẽ dâng thuế lên, hoặc ngưng cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, các hiệp định hội nhập không cho phép các Chính phủ được tự do làm điều đó nữa. Thay vào đó sẽ phải là các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn sản phẩm, an toàn vệ sinh hay tăng thuế, thông qua các vụ tự vệ thương mại, kiện chống bán phá giá. Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, cả một ban dệt may của Bộ Thương mại trước đó chỉ làm một việc là phân hạn ngạch, đã phải giải tán. 

Bên cạnh đó, hàng rào thuế cũng giảm một phần, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, và với việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại chính: TPP, Việt Nam – EU, FTA với Hàn Quốc, liên minh thuế quan Nga – Kazakhstan – Belarush… đã khiến hàng rào thuế quan gần như được gỡ xuống hoàn toàn, trừ những mặt hàng cực kỳ nhạy cảm.

Tất nhiên, các hiệp định là công bằng, Việt Nam phải tuân theo những điều kiện gì, đối tác cũng sẽ phải tuân theo tương tự, nhưng họ vẫn bảo hộ được sản xuất trong nước, còn chúng ta thì gần như để trống. Vấn đề ở chỗ, khi “vũ khí” cũ bị tước đi, các nước lập tức có được những cách thức khác để bảo hộ sản xuất trong nước, đặc biệt là các nước phát triển. Hiện những hàng rào thương mại được phép sử dụng là hàng rào chất lượng, kỹ thuật, ví dụ như dư lượng kháng sinh trong tôm, cá; thuốc diệt côn trùng trong rau, trái cây… Việt Nam đã phải đối mặt nhiều lần với những hàng rào kỹ thuật loại này, đặc biệt với tôm, trái cây xuất sang Nhật, EU; chè xuất sang Đài Loan…

Rất nhiều lô hàng kiểm định tại Việt Nam hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn bị phía Nhật Bản trả lại, với lý do dư lượng kháng sinh lớn. Ta vẫn phải chịu, vì hệ thống tiêu chuẩn của họ cao hơn hẳn, cũng như thiết bị kiểm định cũng tối tân hơn hẳn. Sau này, sản phẩm da của Việt Nam sang Châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với tiêu chuẩn về các loại hoá chất dùng trong thuộc da.

Những vụ kiện như đùi gà Mỹ của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ nên được làm thường xuyên hơn.

Một hàng rào khác Việt Nam gặp phải rất phổ biến chính là các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bản chất của ba biện pháp này đều là nhằm tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước. Ngay từ trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra ở Mỹ, sau đó là EU với mặt hàng giày mũ da từ 2006. 

Từ sau khi gia nhập WTO thì số vụ kiện tăng lên rất nhiều, kể cả những sản phẩm không phải chủ lực, như nan hoa xe đạp, bật lửa… những sản phẩm rất nhỏ. Số nước tham gia kiện cũng đông đảo hơn, như Thổ Nhĩ Kỳ, những nước có quan hệ gắn bó với Việt Nam trong khu vực như Indonesia, Malaysia… 

Ông Trần Thanh Hải ví Việt Nam là cậu học trò được nhận vào lớp học WTO và đã rất nhanh chóng có thành tích học tập tốt, thể hiện ở việc xuất khẩu gia tăng liên tiếp qua các năm, và đã gây chú ý đủ khiến các nước khác có biện pháp để tự vệ, chống lại hàng Việt Nam. Trong suốt nhiều năm, Việt Nam vẫn như một cậu học trò “ngoan”, thường là nạn nhân của các vụ kiện hơn là đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này minh chứng bằng việc chúng ta đã đối mặt với khoảng 94 vụ kiện, nhưng ngược lại mới tiến hành có 5 vụ.

Nhà nước phải chìa tay ra

Một lần nữa, về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã có nhận thức khá sớm. Từ năm 2004, trước khi gia nhập WTO 3 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, mục đích là tạo ra công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, 11 năm qua, chúng ta mới sử dụng công cụ đó được đúng 5 lần, như với dầu ăn tinh luyện nhập khẩu từ một số thị trường. 

Mới đây nhất, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cũng đã tiến hành một số thủ tục để điều tra việc chống bán phá giá đối với đùi gà nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, theo một số người trong giới, vụ việc này do một số  doanh nghiệp (DN) chăn nuôi nước ngoài ở ngoại vi TP Hồ Chí Minh khởi xướng, nên cách thức tiến hành chuyên nghiệp và bài bản hơn. Còn các DN trong nước đến thời điểm này vẫn rất lúng túng trong việc vận dụng các công cụ của một nền thương mại mới, dù rõ ràng chúng ta rất cần đến nó, nếu không muốn nói đó là vũ khí duy nhất bên cạnh cải tiến chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh. Đến thời điểm này, DN trong nước vẫn có xu hướng đòi nhà nước tăng thuế luôn, do chưa hiểu hết luật chơi, chưa nắm được công cụ.

“Một số DN thép, nhựa đều kiến nghị nhà nước tăng thuế giúp tôi, nhưng muốn tăng thì các DN phải chứng minh được việc tấn công của sản phẩm nước ngoài gây hại cho sản xuất trong nước. Bản chất của kiện và điều tra chống phá giá là để tăng thuế. Các nước khác cũng vậy, họ làm rất bài bản, điều tra 1, 2 tháng, sau 6 tháng là họ ra dược kết luận điều tra. Trong quá trình điều tra, họ vẫn được áp dụng biện pháp tạm thời, tức là cứ tăng thuế cái đã, hạ hồi phân giải. Tuy nhiên ta chưa nhuần nhuyễn việc này, mỗi khi tiến hành một vụ việc nào đó thường rất khó khăn” – đại diện Bộ Công thương cho biết.

Điều này đến từ hai phía. Theo quy trình, DN phải là người khởi xướng, bởi anh chính là người chịu thiệt hại và anh biết rõ nhất bị ảnh hưởng đến đâu. Nhưng DN Việt Nam vừa thiếu liên kết, vừa ngại va chạm, mất thời gian, tiền của, vừa thiếu kinh nghiệm, trừ VASEP theo miệt mài và có kinh nghiệm trong các vụ kiện cá, tôm. Nhưng ngược lại, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa làm tròn vai trò của mình, khi chưa “chìa tay” ra, bày cho DN cách thức thực hiện, dù “anh nhìn anh biết hết”, như một chuyên gia trong ngành cho hay. “Nhìn ở cấp vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thấy một bức tranh rất rõ. Phải bày cho DN, anh khó khăn, muốn tăng thuế thì muốn tăng phải làm bước này bước kia, chuẩn bị hồ sơ, trong quá trình đó tôi sẽ hỗ trợ anh những phần này… thì DN họ mới làm được. Vai trò dẫn dắt, đồng hành với DN của nhà nước là chưa có. Từ năm ngoái đến năm nay chúng ta có vẻ quan tâm hơn, nhưng vẫn còn ít. Chúng ta cũng từng có vụ kiện kính nổi của Viglacera, nhưng thất bại, không chứng minh được đến mức đe dọa sản xuất trong nước nên không áp thuế được. Nhưng tôi cho như thế vẫn tốt, vì giúp DN tích luỹ kinh nghiệm. Đây chúng ta làm ít quá, nên chưa học được gì” – vị chuyên gia này nhận định.

Với các Hiệp định thương mại mới, lợi mình thì cũng lợi người, thiệt mình cũng thiệt người, nhưng các nước vẫn bảo hộ được thương mại của họ là vì sao? Hàng rào kỹ thuật, thường chỉ những nước tiên tiến mới áp dụng được, bởi nếu chúng ta đặt ra hàng rào cao quá thì hàng hoá trong nước cũng không đáp ứng được. Hàng rào xuất xứ thì chỉ một vài Hiệp định như TPP mới quy định “nghiệt ngã”, nên chỉ còn hàng rào tự vệ, mà chúng ta phải nhanh chóng “học” được cách sử dụng.

Vũ Hân
.
.
.