Xuất nhập khẩu 'hậu' WTO, 'tiền' TPP: Những bài học

Nông sản và nỗi ám ảnh phụ thuộc

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:30
Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, một chặng đường tuy chưa dài, nhưng cũng không ngắn, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có thay đổi lớn. Một chuyên gia ví Việt Nam như cậu học sinh bỡ ngỡ được nhận vào “lớp học” WTO và đã nhanh chóng hòa nhập, có thành tích học tập tốt.

Bằng chứng là xuất khẩu liên tục tăng ở mức trung bình khoảng 15%/năm; cơ cấu hàng xuất khẩu đã thay đổi, 80% là hàng công nghiệp; thị trường xuất khẩu được mở rộng; một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng top đầu thế giới. Tuy nhiên, từng ấy năm chưa đủ để giúp Việt Nam thoát khỏi 2 từ đầy ám ảnh, ấy là “phụ thuộc”.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu đã có một quãng thời gian thực sự khó khăn, do sự suy giảm của thị trường thế giới. Đáng kể trong số này là nông sản. Một “cơn sốt” tiêu thụ nông sản ế giúp nông dân dâng lên trong một thời gian dài tại các đô thị lớn đã cho thấy nỗi cơ cực “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa” của nông dân sau nhiều năm dồn nén đã bột phát. Tuy nhiên, phong trào chỉ lên một lúc, còn câu chuyện mùa màng, giá cả người nông dân sẽ còn phải đối mặt dài dài. Canh tác thì phụ thuộc thiên nhiên, thu hoạch thì phụ thuộc vào thị trường, chỉ xuất sản phẩm thô chứ không xuất sản phẩm tinh, dựa vào số lượng chứ chưa có tên tuổi về chất lượng chính là điểm yếu của nông sản.

Dẫn đầu thế giới về sản lượng, vẫn bị phụ thuộc về giá

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2014. Tuy về tỷ lệ, kim ngạch xuất khẩu nhóm này chiếm không lớn nhưng vai trò lại vô cùng quan trọng, bởi liên quan đến kế sinh nhai của hàng chục triệu nông dân, người chăn nuôi. Đây là nhóm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ khởi thủy, là nhóm mà mọi giá trị thu được đều ở lại Việt Nam, có thể nói là “làm tất, ăn cả”, nhưng qua nhiều năm vẫn ở thế bấp bênh, phập phù. 

“Sản xuất thì phụ thuộc vào thiên nhiên, xuất khẩu thì phụ thuộc giá thế giới” là đúc kết ngắn gọn của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công  Thương) qua trao đổi với PV Báo CAND. Trong các phụ thuộc này, có những mặt hàng như cao su, sắn thậm chí ta còn phụ thuộc gần như 100% vào anh bạn láng giềng phương Bắc vì chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường này. Chúng ta có những mặt hàng xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới như gạo, hạt tiêu…, là một trong những nước nắm vai trò quyết định về sản lượng nhưng lại không có chút quyền năng nào về giá.

Có thể đơn cử gạo - mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam thường xuyên đứng thứ 2, thứ 3 thế giới. Sau 4 tháng giảm liên tiếp, giá xuất khẩu gạo tháng 9 đã tăng 5,12%, nhưng vẫn giảm 10,25% so với tháng 9/2014. Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá gạo giảm 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 35% thị phần. 

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,95 tỷ USD, giảm 14,34% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng 327 triệu USD). Do chất lượng gạo Việt Nam kém hơn so với gạo Thái Lan nên chúng ta hầu như chỉ cạnh tranh ở phân khúc gạo giá rẻ và thường xuyên ở thế cạnh tranh bất lợi. Gánh hậu quả là người nông dân, dù Chính phủ đã liên tiếp thực hiện chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong nhiều năm nhưng vào chính vụ, giá gạo vẫn giảm. 

Nông sản Việt Nam đang trên đường đi tìm tên tuổi cho mình, thay vì chỉ xuất những sản phẩm thô.

Mục tiêu để người nông dân có lãi ít nhất 30% mãi vẫn xa vời. Cao su là một trong những mặt hàng tiêu biểu chịu ảnh hưởng nặng nề từ rớt giá. Do Việt Nam chỉ xuất khẩu thô và chỉ xuất sang Trung Quốc là chính, từ vài năm nay, giá cao su liên tục giảm mạnh. 

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá cao su xuất khẩu giảm tới 24,52%. Việc giá cao su xuống thấp trong thời gian dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các hộ tiểu điền, đặc biệt đối với những hộ có thu nhập phần lớn phụ thuộc vào loài cây này. Tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao đã khiến cuộc sống của nông dân càng khó khăn hơn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, có thể sẽ làm gia tăng số hộ tiểu điền ngưng thu hoạch mủ cao su và chuyển sang công việc khác có lợi hơn, từ đó sẽ làm thu hẹp nguồn cung cho các nhà sản xuất sản phẩm cao su.

“Chúng ta đã có những sản phẩm đứng đầu thị trường về sản lượng, nhưng lại không có khả năng dẫn dắt thị trường. Ví dụ, giá cà phê không phải do Việt Nam hay Brazil là hai nước sản xuất hàng đầu thế giới quyết định, mà do mấy ông đầu cơ trên sàn London. Cả thế giới đều tham chiếu giá đó, dù chẳng biết giá đó có cơ sở nào. Chúng ta có muốn bán cao hơn cũng không ai chịu”, một chuyên gia trong ngành chỉ ra thực tế. Với những kết quả dự báo đạt được trong năm 2015, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ đánh dấu mốc chiếm gần 50% tổng giá trị nhân điều xuất khẩu của toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa chứng tỏ rằng Việt Nam có quyền chủ động.

Chung quy vẫn do sức cạnh tranh quá yếu

Những mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu như cá tra, tôm... thì luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, tự vệ thương mại; còn những mặt hàng khác thì không đủ khả năng cạnh tranh, không thể xuất vào thị trường các nước phát triển vì hàng rào kỹ thuật, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh yếu. Ngay trên sân nhà, hàng nông sản, thực phẩm cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu. 

Có thể nói, tình thế của ngành này là rất ngặt nghèo. Câu chuyện tăng sức cạnh tranh cho nông sản là câu chuyện bao năm nay nói mãi vẫn thế: vẫn chưa thể tăng cường liên kết sản xuất quy mô lớn để có nguồn cung ổn định, áp dụng khoa học kỹ thuật; vẫn chưa thể tăng cường chế biến để tăng giá trị hàng hoá. Câu chuyện hàng rào kỹ thuật cần được dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước thì nói mãi vẫn chưa làm được, bởi nếu áp tiêu chuẩn quá cao thì hàng sản xuất trong nước cũng... “chết” vì không đáp ứng được. Phương tiện máy móc của ta cũng chưa đủ khả năng để kiểm định những tiêu chuẩn kỹ thuật quá tinh vi. Rất nhiều lô hàng của ta kiểm định trong nước là an toàn, nhưng xuất sang Nhật, Đài Loan thì bị trả lại.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ này đang xúc tiến nhiều việc để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Như đối với lúa gạo, Bộ NN&PTNT chủ trương không tăng số lượng, tập trung vào nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Đối với trái cây như dưa hấu, vải,... thay vì xuất sang Trung Quốc thì tổ chức sản xuất ở trình độ cao hơn và tìm đường vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản... 

Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 5,4 tỷ USD các loại nông lâm thủy sản và thị trường này đã chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những bước đi manh nha, chập chững.

Theo Bộ Công Thương, tính chung 9 tháng 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34,3%; hàng dệt may đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 11,4 tỷ USD, tăng 52,8... Một số mặt hàng giảm cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu: than đá giảm 77% về lượng và giảm 67,1% về kim ngạch; cà phê giảm 30,5% về lượng và giảm 31,6% về kim ngạch; gạo giảm 8,7% về lượng và giảm 14,3% về kim ngạch. Riêng xuất khẩu dầu thô tuy tăng 4,7% về lượng, nhưng lại giảm tới 47% kim ngạch (tương đương 2,7 tỷ USD).

Vũ Hân
.
.
.