Bài 2: Xuất khẩu lớn nhưng vẫn cảnh làm thuê

Thứ Tư, 14/10/2015, 08:26
So với giai đoạn trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong hàng hoá xuất khẩu, không những kim ngạch năm sau cao hơn năm trước, mà cơ cấu hàng hoá cũng đã có thay đổi đáng kể theo hướng tăng hàng công nghiệp, giảm hàng nông sản và khoáng sản. 


Đây là bước đi rất phù hợp với định hướng trở thành nước công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu thuộc về tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 1/3 còn lại tuy của doanh nghiệp trong nước nhưng lại ở trong tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu. Trong hàng trăm tỷ đô la xuất khẩu, những gì Việt Nam được hưởng rất ít, chỉ là tạo ra công ăn việc làm cho công nhân (nhưng ngược lại phải trả giá bằng môi trường).

Xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI

Tính đến hết 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 120,7 tỉ USD thì xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 82,2 tỷ USD, chiếm đến hơn 2/3. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của nhóm này tăng 21,1%, thì xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 35,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, Việt Nam có 24 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, nhưng có thể dễ dàng kể ra mặt hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 23,2 tỷ USD, tăng trưởng đến hơn 30% là thuộc về Samsung của Hàn Quốc. Với chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế các loại, phần Việt Nam được hưởng từ hơn hai chục tỷ đô la này chỉ là vài trăm ngàn việc làm.

Bộ Công thương cũng nhận định, xuất khẩu 9 tháng năm nay tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc ngày càng lớn vào hoạt động gia công, lắp ráp. Nếu không tính 5 nhóm hàng chủ yếu (hàng dệt may, da giày, túi xách, balo, điện tử, điện thoại và linh kiện) thì xuất khẩu giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhóm hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai là dệt may với 17,1 tỷ USD, có sự tham gia của nhiều DN trong nước, nhưng ai cũng biết dệt may Việt Nam chỉ là gia công, nhập đến 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Hàng dệt may xuất ra nước ngoài cũng chỉ có cái mác “Made in Vietnam”, và đều khoác trên mình thương hiệu của nước ngoài. Sau gần 10 năm gia nhập sân chơi WTO, Việt Nam chưa tạo dựng được thương hiệu nào cho mình.

Nhiều năm sau hội nhập, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn trong cảnh đi làm thuê.

Cái giá của nền sản xuất gia công là xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lớn. Tính chung 9 tháng năm 2015, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 124,5 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,3 tỷ USD, tăng 20,7%. 

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp và sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 30,2%; điện tử máy tính & linh kiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 31%; điện thoại các loại & linh kiện đạt 8,1 tỷ USD, tăng 33,6%; vải đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,7%...

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp lớn nhất với kim ngạch ước đạt 36,8 tỷ USD. Vì không chủ động được tư liệu sản xuất, nên sự phụ thuộc là khó tránh khỏi, khiến nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi những cơn “hắt hơi, sổ mũi” của các nước láng giềng.

Theo bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia cho biết: Sau gần 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bình quân mỗi năm giải ngân được khoảng 10 tỷ USD (bằng nửa số vốn đăng ký). Tuy vậy, tác động lan tỏa của FDI đối với DN và nền kinh tế còn hạn chế, đặc biệt quá trình “Việt Nam hóa” các DN FDI còn rất thấp.

Điển hình, Canon Việt Nam có 70 nhà cung cấp linh kiện nhưng chỉ có 10 DN Việt, Honda Việt Nam nội địa hóa 40% nhưng chủ yếu là do các DN FDI hoạt động tại Việt Nam cung cấp… Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đánh giá kết quả quá trình gia nhập WTO từ trước đến nay, nền kinh tế có tăng trưởng, tuy nhiên, sự tăng trưởng này mới theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu.

Phải phát triển công nghiệp phụ trợ

Thẳng thắn nhìn nhận nền sản xuất của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng không phải một sớm một chiều mà nền sản xuất của Việt Nam bỗng dưng trở nên tiên tiến, bỗng dưng có những sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh. 

Các nước như Việt Nam, Bangladesh sẽ phải trải qua giai đoạn sản xuất gia công. Nhưng vấn đề là giai đoạn đó kéo dài bao lâu, hay sẽ là vĩnh viễn, nếu chúng ta không chủ động thay đổi. “Bài học ở đây có thể rút ra là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Chúng ta sẽ mất 5 năm, 10 năm, nhưng rồi sẽ có, chứ không thể ngồi đợi”. 

Thực tế, ngay từ những năm 2010, trong chiến lược phát triển của mình, Bộ Công thương đã nhận thấy nhược điểm của nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, phát triển theo chiều rộng. Ngay lúc đó, cách thức được đưa ra đã là phải tránh việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên và lao động rẻ, mà chuyển sang mô hình tăng trưởng mới theo chiều sâu, dựa vào việc khai thác lợi thế cạnh tranh động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế, sử dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại… Tuy nhiên, chiến lược đã có, nhưng việc thực hiện sau nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ.

Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa được triển khai có hiệu quả. Điều này sẽ còn cản bước Việt Nam trong tương lai dài phía trước, đặc biệt với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có đòi hỏi rất nặng về xuất xứ. Đối với những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, nếu không đáp ứng được yêu cầu từ sợi trở đi, thì mọi ưu đãi của TPP cũng coi như bằng 0.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã trấn an rằng dệt may sẽ có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”, sẽ giúp DN Việt Nam được hưởng ưu đãi ngay từ đầu mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu không chủ động được nguồn nguyên vật liệu, Việt Nam sẽ vĩnh viễn chỉ là người làm thuê.

Vũ Hân
.
.
.