Lão nông “biến” cây cỏ bàng thành hàng thủ công mỹ nghệ

Chủ Nhật, 12/03/2017, 11:19
Với niềm mong muốn vực dậy nghề truyền thống đệm bàng của cha ông có từ gần 500 năm trước, một nông dân ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã có nhiều sáng kiến nhằm cải cách mẫu mã, chế tạo nên hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo... từ cây cỏ bàng.


Chúng tôi tìm về làng nghề đệm bàng Phò Trạch (thôn Tả Hữu Tự, xã Phong Bình), tình cờ gặp vợ chồng nông dân Nguyễn Viết Nam đang hì hục dưới đồng ruộng để thu hoạch cây cỏ bàng. Thấy chúng tôi thắc mắc, vì sao ruộng không trồng lúa mà lại đi trồng cỏ bàng, ông Nam cười hiền khô, đáp: “Chú không phải người địa phương nên không biết chứ cây cỏ bàng này là nguyên liệu chính để làm nên thương hiệu của làng nghề nơi đây suốt hàng trăm năm đấy!”.

Ông Nam nói rằng, làng Phò Trạch được tổ tiên các dòng họ ở đây khai canh, lập nên cùng thời với làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa. Thời đó, thấy nơi này là vùng đất ruộng sâu lại có cây cỏ bàng mọc tươi tốt nên các bậc tiền hiền đã dùng loại cỏ này để đan chiếu, bị đựng khoai sắn, manh đệm thay vải... Dần về sau, nghề đệm bàng được dân làng am hiểu và đan bện thuần thục, xem như là nghề chính ngoài nghề trồng lúa nước. 

Người dân lấy một ít ruộng để trồng cỏ bàng và mỗi năm chỉ cắt thu hoạch một lần để có nguồn nguyên liệu phục vụ đan lát. Khoảng 7, 8 năm sau, khi gốc cỏ bàng không còn năng suất thì họ lại chuyển sang trồng lúa. Điều đáng nói, đất nào trồng cỏ bàng thì sau đó trồng lúa rất tươi tốt và độ 3 năm sau lại chuyển sang trồng cỏ. Cứ luân phiên như thế nên gia đình nào trong thôn cũng vừa có lúa gạo làm lương thực lại vừa có nguyên liệu cỏ bàng để làm nghề...

Ông Nam giới thiệu các mẫu mã sản phẩm được bện từ cỏ bàng với khách hàng.

Theo chân vợ chồng ông Nam từ cánh đồng trồng cỏ bàng trở về nhà, người viết không khỏi “choáng” trước những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại phòng khách và cũng là nơi làm việc, ông Nam đóng nhiều kệ gỗ sát tường để làm nơi trưng bày các sản phẩm như lồng đèn hình lục giác, hình vuông, trụ, đèn xếp nhiều tầng, túi xách và vô số sản phẩm đồ chơi, hàng lưu niệm được làm từ cây cỏ bàng.

Theo lời ông Nam chia sẻ, trước đây trong thôn Phò Trạch có khoảng 200 hộ dân chuyên làm nghề đệm bàng. Tuy nhiên, các sản phẩm làm nên như chiếu, tấm lót, túi xách... chỉ để bỏ chợ nên thu nhập rất bấp bênh. Cũng vì kế mưu sinh nên nhiều hộ dân đã phải bỏ nghề chuyển sang những nghề khác có thu nhập kinh tế khá hơn, số còn lại khoảng 100 hộ dân chỉ làm nghề cầm chừng, theo mùa vụ. 

“Đệm bàng cũng là nghề truyền thống của gia đình tôi nhưng nhận thấy các sản phẩm làm nên đơn điệu, không phù hợp với nhu cầu thị trường hàng hóa đa dạng như hiện nay nên tôi đã đến các hội chợ, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm. Về sau, tôi đã vận dụng kỹ thuật học được để làm thử một số mẫu đơn giản và thấy rất vừa ý nên quyết tâm chuyển sang sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng”, ông Nam trải lòng. 

Vợ chồng ông Nam đã mạnh dạn đầu tư một số loại máy móc, dụng cụ nhuộm màu. Cỏ bàng sau thu hoạch được ông phơi khô, đập dẹp trước khi đưa ra đan bện. 

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, lão nông này đã tự chế tạo nên 150 mẫu mã với hàng ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau từ cỏ bàng. Đặc biệt trong đó có bộ Cửu đỉnh (đường kính 13cm, chiều cao 14cm/cái) bện mô phỏng theo bộ Cửu đỉnh  đặt tại sân Thế Miếu, Đại Nội Huế; bộ 12 con giáp và nhiều bộ đèn trang trí rất độc đáo kết hợp giữa sản phẩm đồ gốm và đệm bàng... 

Dù làm nên một sản phẩm mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỷ mẫn, kỹ thuật bện cao, nhưng hiện các mặt hàng được ông Nam bán với giá từ 10-250 nghìn đồng. Ông Nam cho biết, đang cố gắng mở rộng thị trường ra một số tỉnh, thành như Quảng Trị, TP Đà Nẵng để quảng bá sản phẩm của làng nghề.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, nhiều sản phẩm đệm bàng của ông Nam đã đạt giải cao của Ban Tổ chức Hội thi sản phẩm lưu niệm, quà tặng Huế và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá cao. 

Đặc biệt, năm 2008, ông Nam còn được Ban Chấp hành Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân Làng nghề Việt. Để phục hồi các làng nghề truyền thống, huyện Phong Điền sẽ thông qua và ban hành đề án về chính sách, hỗ trợ các làng nghề, trong đó chú trọng ưu tiên một số làng nghề truyền thống như đệm bàng Phò Trạch. 

“Việc khôi phục, phát triển làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi các làng nghề không những giải quyết tốt công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, các nghề sản xuất truyền thống do thế hệ cha ông đi trước để lại”, ông Hùng khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.