Top 10 sự kiện thiên văn vũ trụ nổi bật năm 2017

Thứ Sáu, 29/12/2017, 20:44
Năm 2017 là năm đánh dấu hàng loạt các sự kiện thiên văn vũ trụ thú vị và nổi bật, giúp cho các nhà khoa học có những cái nhìn sâu rộng hơn về vũ trụ bao la, nơi ẩn chứa rất nhiều điều kỳ diệu và huyền bí. Trang thông tin Sina của Trung Quốc đã bình chọn 10 sự kiện thiên văn, vũ trụ nổi bật năm 2017, CAND Online xin giới thiệu cùng bạn đọc. 


Ngày 17-8 có thể nói là một mốc thời gian mang tính lịch sử, mở ra một kỉ nguyên mới của thiên văn học khi các nhà khoa học đã dùng ánh sáng và sóng hấp hẫn để quan sát các sự kiện vũ trụ, điều này được ví với việc con người như có thêm "sức mạnh siêu nhiên". Sự kiện này được tạp chí Science gọi là “sự kiện thiên văn học mang tính đột phá nhất” năm 2017.

Vào tháng 1 năm nay, các nhà khoa học đã công bố phát hiện về 7 hành tinh kích cỡ như Trái Đất quay quanh một ngôi sao lùn nhỏ gọi là TRAPPIST-1, cách Trái Đất 39 năm ánh sáng. Các hành tinh này gần như được cấu tạo hoàn toàn từ đá và 3 trong số đó được cho là có nước trên bề mặt, phát hiện này đã mang đến những hứa hẹn mới trong việc tìm kiếm sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời.

Vào trưa ngày 21-8 (giờ địa phương), cả nước Mỹ đã cùng háo hức đón chào hiện tượng nhật thực toàn phần “trăm năm có một” phủ bóng từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ. Lần đầu tiên trong suốt 38 năm qua, người dân ở cả 48 bang của Mỹ mới có thể quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú này, và đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1918 hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra từ bờ bên này sang bờ bên kia nước Mỹ.  

Giữa tháng 4,các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chính thức xếp Enceladus, mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ là địa điểm sở hữu những điều kiện cần và đủ cho sự sống ngay trong Hệ Mặt trời bao gồm nước, những chất hóa học cần thiết, một nguồn năng lượng và thời gian đủ để sự sống phát triển. 

Vào ngày 16-9, tàu vũ trụ Cassini đã chính thức kết thúc hành trình 13 năm khám phá sao Thổ của mình. Tàu Cassini được phóng lên vũ trụ ngày 15-10-1997. Sau 7 năm du hành vũ trụ, Cassini đã bắt đầu tiếp cận sao Thổ từ năm 2004, ghi lại và gửi về Trái Đất những dữ liệu quý giá về hành tinh này. NASA đã quyết định cho Cassini “tự sát” bằng cách đâm xuống sao Thổ để tránh việc va chạm vào Titan và Enceladus - hai vệ tinh có khả năng tồn tại sự sống cao nhất sao Thổ.

Các nhà khoa học đã công bố những phát hiện mới từ việc quan sát được sự va chạm của 2 ngôi sao neutron sinh ra sóng hấp dẫn vào ngày 16-10. Vụ va chạm cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sao neutron và nguồn gốc của một số nguyên tố như vàng hay urani.
Vào ngày 19-10 vừa qua, các nhà khoa học vừa lần đầu tiên phát hiện một vật thể lạ vừa băng qua trái đất từ ngoài thái dương hệ khi đang làm việc qua kính viễn vọng  Pan-STARRS 1 ở Hawaii. Vật thể này được các nhà thiên văn gọi tên là “Oumuamua”, một từ tiếng Hawaii có nghĩa là "sứ giả đầu tiên từ xa tới".

NASA công bố phát hiện về hệ sao Kepler 90 có 8 hành tinh như hệ Mặt trời vào ngày 15-12. Hành tinh thứ 8 Kepler 90i được phát hiện nhờ sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), đây là một dự án đột phá giữa Google và NASA.

Cũng trong năm 2017, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự có mặt của nước trên bề mặt sao Hỏa. Các chuyên gia phát hiện ra rằng các khoáng chất bazan trên hành tinh đỏ, được hình thành bởi hoạt động núi lửa, có thể hấp thụ được 25% lượng nước hơn so với trên trái đất. Kết quả là họ đã hút nước từ bề mặt sao Hỏa vào bên trong, để lại bề mặt khô cằn và hoang vu. 
Các nhà khoa học tại Đại học Keele, Anh, vào ngày 6-4 đã công bố phát hiện về bầu khí quyển xung quanh GJ 1132b, một "siêu Trái Đất" quay quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 1132 cách Trái Đất 39 năm ánh sáng. Việc phát hiện khí quyển bao quanh ngoại hành tinh đất đá lần đầu tiên này đánh dấu một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh của loài người.
Cao Trung
.
.
.