Bình Dương quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp
- Bình Dương làm tốt công tác quản lý nhập cảnh, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19
- Cổng thông tin điện tử Bình Dương giành lại vị trí hạng nhất trong 63 tỉnh, thành
Quyết tâm trong chỉ đạo
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành một số văn bản, quy định, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT cũng như xây dựng chính quyền điện tử.
Cụ thể, đã ban hành quy chế ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND. Năm 2011, UBND tỉnh ban hành “Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến” với mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành cung cấp 19 nhóm dịch vụ công trọng điểm, đến năm 2020 hoàn thiện dịch vụ công cấp xã, cung cấp 1 số dịch vụ công mức 4 và dịch vụ công trực tuyến liên thông. Năm 2016, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); sau đó, làm cơ sở để tỉnh ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh theo Quyết định số 3004/QĐ- UBND ngày 25/10/2018.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương xem cách vận hành Hệ thống đường dây “nóng” 1022 Bình Dương trong xử lý, tư vấn TTHC cho người dân, doanh nghiệp. |
Từ những văn bản chỉ đạo này, Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 3612/QĐ-UBND ngày 19/12/2018; phân chia nhiệm vụ, vai trò trong hoạt động xây dựng chính quyền điện tử. Các sở, ngành, UBND cấp huyện tự triển khai các hệ thống chuyên ngành. “Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các hệ thống dùng chung, như: Phần mềm quản lý văn bản, phần mềm một cửa, Trang dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải đáp trả lời cho người dân và kết nối, liên thông giữa các hệ thống đồng bộ. Sở Thông tin và Truyền thông được giao thẩm định kỹ thuật các dự án, hoạt động ứng dụng CNTT; bảo đảm việc triển khai phù hợp với khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương”, ông Lai Xuân Thành chia sẻ.
Đến nay, Bình Dương đã có nhiều kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể về hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư khá đầy đủ. Tỉnh xây dựng được 2 trung tâm dữ liệu cho chính quyền điện tử và hạ tầng truyền dẫn của mạng TSLCD phủ đến cấp xã từ năm 2015; 100% cơ quan tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại. Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động với trên 6.900 hộp thư 5GB đã cấp; 94% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cho công việc. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1 tại 13 điểm cầu cấp tỉnh, tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã; đã mở rộng giai đoạn 2 để phủ đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 110 điểm cầu.
Cán bộ Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở KH-ĐT) xử lý hồ sở của doanh nghiệp qua môi trường mạng. |
Bình Dương đã xây dựng cổng thông tin điện tử và được nâng cấp từ năm 2015, đáp ứng các yêu cầu về nội dung theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP và các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cổng thông tin điện tử là kênh thông tin chính thức của chính quyền tỉnh, đạt 1 triệu lượt truy cập/năm. Năm 2017 năm 2018, Cổng thông tin điện tử Bình Dương được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng nằm trong top đầu 63 tỉnh, thành. Phần mềm “một cửa” điện tử được triển khai từ giai đoạn 2009 đến nay, liên tục được nâng cấp các tính năng để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, phần mềm này đã được triển khai hoàn chỉnh thống nhất ở tất cả 20 sở, ngành, 9 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã; cung cấp các tiện ích thực hiện các nghiệp vụ xử lý hồ sơ, phản hồi trạng thái qua tin nhắn, các ứng dụng Zalo hỗ trợ tra cứu thông tin hồ sơ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong. binhduong.gov.vn được xây dựng từ rất sớm và liên tục được nâng cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Chính phủ. Quan điểm cung cấp kênh thông tin lấy người dân làm trung tâm theo định hướng tối giản hóa, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm, dễ sử dụng các chức năng phục vụ quá trình tương tác với cơ quan Nhà nước. Trong giai đoạn 2019-2020, Cổng dịch vụ công của tỉnh cũng đã tiến hành kết nối, đồng bộ một số tính năng với Cổng dịch vụ công quốc gia. Lũy kế đến tháng 7/020, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.088 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số 1.964 thủ tục hành chính. Cùng với đó, Bình Dương đã chính thức vận hành Hệ thống đường dây “nóng” 1022… Đây là những thành quả quan trọng để tỉnh Bình Dương quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử.
Tại nhiều phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xây dựng Cổng thông tin điện tử phục vụ người dân trong giải quyết TTHC. (Trong ảnh cán bộ phường Phú Thọ, TP.TDM giải quyết TTHC qua Cổng thông tin điện tử của phường) |
Giải pháp tương lai
Mục đích cuối cùng của việc xây dựng chính quyền điện tử Bình Dương là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ định hướng chung này, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ; trong đó cơ sở vật chất là bộ mặt phục vụ nhân dân, cán bộ “một cửa” là nền tảng.
Theo ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác CCHC từng ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Do vậy, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Lý Văn Đẹp cho biết thêm: “Tôi cho rằng, giải pháp nào cũng cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Trong công tác CCHC cũng vậy, có đầu tư cơ sở hạ tầng tốt cách mấy, hiện đại cách mấy, có nhiều giải pháp hữu hiệu, nhưng nếu thiếu cán bộ có “tâm và tầm” thực hiện giải pháp, chú tâm vào công việc thì cũng không đạt được thành công như mong muốn. Do vậy, những giải pháp của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong thời gian tới là luôn chú ý việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở trong thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra”.
Tại Trung tâm Hành chính công Bình Dương, sinh viên tình nguyện hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trên môi trường mạng. |
Ông Lai Xuân Thành đề nghị, để hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trước năm 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước. Chìa khóa quyết định chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng. Phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng TSLCD, mạng internet, Trung tâm Dữ liệu của tỉnh; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ ảo hóa và điện toán đám mây của các trung tâm dữ liệu phục vụ việc kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan Nhà nước một cách hiệu quả.
Cùng với đó là các giải pháp đưa vào vận hành chính thức các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; đến cuối năm 2021, sẽ đạt 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; xây dựng các hệ thống chứng thực điện tử theo Nghị định 45/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Song song đó là chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; phát triển hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của địa phương có kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin, báo cáo của Chính phủ; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của cơ quan Nhà nước; áp dụng các công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…