Tinh hoa Nhật Bản: Từ huyền thoại đến nghệ thuật

Thứ Sáu, 04/12/2015, 07:55
Đất nước Nhật Bản có nhiều điều hấp dẫn với những truyền thống độc đáo, lâu đời. Nhắc đến Nhật Bản không thể không nhắc tới những huyền thoại về samurai.  Heikegani là một loài cua có nguồn gốc từ Nhật Bản, điểm đặc biệt là lớp mai của loài cua này có hình giống như một khuôn mặt con người. 

Trong khi nhiều người tin rằng những khuôn mặt samurai trên vỏ cua đơn giản chỉ là kết quả của hiện tượng tâm lý thú vị; thì những người khác tin rằng những khuôn mặt đó là những chiến binh samurai Heike, những người đã tái sinh bằng cách nào đó và tồn tại tới ngày nay.

Có thể nói lịch sử nghệ thuật của đất nước Nhật Bản với vô số loại hình, từ những đường sọc kaen doki trên đồ bằng đất nung lửa thời kỳ Jomon (14.000-400 trước Công nguyên), đến những bức tranh khắc gỗ nổi ukiyo-e và gyotaku - những bức tranh in cá đã tạo nên sự độc đáo, khác biệt và hấp dẫn. 

Những con người xứ sở Phù Tang luôn tìm được những cách thức khác lạ để lưu giữ lại thế giới xung quanh họ và truyền lại cho tới ngày nay. Điều độc đáo của phương pháp này là việc những ngư dân - nghệ nhân đã dùng chính những con cá họ đánh bắt được để tạo nên những bức tranh, tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Từ huyền thoại Cua ma Samurai...

Truyền thuyết Nhật Bản cho rằng, cua Heikegani mang các linh hồn của những chiến binh samurai Heike, những người đã chết trong trận chiến Dan-no-ura, năm 1185 sau Công nguyên. 

Chuyện kể rằng các samurai Heike trong trận chiến này đã chứng tỏ lòng trung thành của họ với gia tộc bằng cách đeo những chiếc mặt nạ được chạm khắc dữ tợn trên áo giáp của mình. Trận tử chiến giữa gia tộc Taira (sau này gọi là Heike) và gia tộc Minamoto (Genji), diễn ra trên vịnh Dan-no-ura. Gia tộc Taira phải đối mặt với sự thất bại sau nhiều thập kỷ nắm quyền cai trị, trước sự tấn công ồ ạt và đông đảo hơn của gia tộc Minamoto.

Trận chiến quan trọng này là một bước ngoặt văn hóa và chính trị trong lịch sử Nhật Bản: Minamoto Yoritomo trở thành tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Kamakura. Dan-no-ura đánh dấu sự khởi đầu của bảy thế kỷ, Nhật Bản cai trị bởi các chiến binh và các tướng quân thay vì các Hoàng đế và quý tộc.

Cá được làm sạch trước khi phủ một lớp mực đặc biệt để tạo thành bản in hoàn chỉnh.

Đối với các samurai Heike, đầu hàng không bao giờ là một lựa chọn. Những người sống sót sau trận chiến đã tự tử để được chết cùng với gia tộc của họ, và thân xác họ trở thành thức ăn cho loài cua heikegani dưới đáy biển. Truyền thuyết Nhật Bản kể lại rằng, linh hồn của những samurai Heike đã đầu thai thành cua heikegani, khuôn mặt giận dữ của họ in hằn trên lớp mai của chúng. Những con cua heikegani đi lang thang dưới lòng đại dương để tìm kiếm các di vật đã mất của gia tộc Taira.

Trong chương trình khoa học PBS “Vũ trụ: Chuyến du hành cá nhân”, người dẫn chương trình Carl Sagan giải trình về một lý thuyết được đưa ra bởi Julian Huxley vào năm 1952, giải thích các đặc điểm giống khuôn mặt người trên vỏ cua heikegani.

Julian Huxley đưa ra giả thuyết là những khuôn mặt samurai trên vỏ cua là kết quả của sự lựa chọn nhân tạo. Ông đề nghị các ngư dân khi đánh bắt được loài cua này sẽ thả chúng đi như một sự tôn trọng những samurai Heike, và điều này sẽ giúp bảo quản các DNA của loài cua heikegani.

Trên thực tế, loài cua heikegani có chiều dài tối đa là khoảng 3cm, quá nhỏ để bị đánh bắt làm thực phẩm; hơn nữa các phân tích đã chỉ ra rằng những khuôn mặt trên lớp vỏ cua chỉ đơn giản là các điểm kết nối giữa cơ và mô dây chằng. Và cua heikegani không phải là loài cua duy nhất có đặc điểm này, loài cua dorippidae cũng mang trên mình lớp vỏ có hình dạng khuôn mặt người.

Một lý thuyết hợp lý khác là, sự tương đồng về khuôn mặt người là kết quả của pareidolia, khả năng bẩm sinh của bộ não con người để nhận ra khuôn mặt và hình dạng con người trong một tập hợp các tác nhân kích thích ngẫu nhiên. Ví dụ của lý thuyết này là hiện tượng nhìn thấy những đám mây có hình ảnh động vật hoặc khuôn mặt người, v.v... Dù thế nào, thì loài cua heikegani được lấy cảm hứng từ sự tôn kính với những truyền thuyết cổ xưa vẫn tiếp tục tồn tại và mang trên mình những bí ẩn của tự nhiên.

Loài cua Heikegani.

Tới tranh cá Gyotaku

Trong tiếng Nhật, Gyo có nghĩa là cá và Taku có nghĩa là tranh. Có thể nói đơn giản Gyotaku là hình thức cổ xưa lưu lại những hình ảnh, những chiến tích trong nghề đánh bắt cá… vốn phát triển ở đất nước mặt trời mọc, nơi được bao bọc bởi đại dương. Những nhà nghiên cứu cho rằng gyotaku ban đầu không phải là một hình thức nghệ thuật mà nó được nghĩ ra nhằm để ghi lại những dấu ấn đáng nhớ. Kỹ thuật này có thể đã được các ngư dân Nhật Bản sử dụng đầu tiên, họ muốn ghi lại những kỷ lục về kích thước của các loài cá mà họ đánh bắt được.

Cách thức để tạo nên một bức tranh gyotaku thật đơn giản. Người ta sử dụng mực in sơn lên mình cá rồi ép chúng lên giấy. Mực sau khi khô đi sẽ để lại một bản in bằng đúng kích thước thực của cá. Tiếp đó người vẽ tranh sẽ thêm các chi tiết, vẽ phông nền và cuối cùng một tác phẩm theo phong cách gyotaku hoàn thiện ra đời.

Những nguyên liệu cần thiết để tạo nên một tác phẩm theo phong cách gyotaku là một loại cá, giấy, mực hoặc sơn và bàn chải. Ngày nay, tiêu bản các loài cá bằng cao su được thay thế cho việc sử dụng cá tươi đánh bắt được. Trong quá khứ một loại mực không độc hại có tên là sumi với thành phần chủ yếu là bồ hóng và keo động vật được sử dụng. Điều này có nghĩa rằng sau khi thực hiện tác phẩm gyotaku, mẫu cá được làm sạch, nấu chín và sử dụng như thực phẩm.

Truyền thuyết kể về một nhà quý tộc Nhật Bản đi câu và bắt được một con cá hồng lớn. Ông rất vui và muốn lưu giữ lại kỷ niệm này, ông cho gọi người mang mực đến vẽ lên mình con cá sau đó đặt nó lên trên giấy để tạo ra một bản sao và treo nó trong cung điện của mình. Những nhà nghiên cứu cho rằng, tranh gyotaku phát triển cực thịnh vào thời kỳ Edo (1603-1868), ngư dân mang bức tranh của mình đến dâng lên những nhà quý tộc, và nếu bức tranh được yêu thích thì họ sẽ được thưởng.

Hình xăm Cua ma Heikegani và bức tranh cổ mô tả trận chiến Dan-no-ura.

Gyotaku lan truyền đến Mỹ vào năm 1952 khi một nhà ngư loại học Nhật Bản là Yoshio Hiyama, chia sẻ bản in cá của mình với các nhà khoa học Mỹ. Ông đã trình bày chúng như hình minh họa khoa học của loài cá Nhật Bản. Một bản in tốt có lẽ là hình ảnh chính xác nhất, trong từng chi tiết, hình dáng bên ngoài của cá.

Có hai phương pháp gyotaku là gián tiếp và trực tiếp. Phương pháp gián tiếp (kansetsu-ho) và phương pháp trực tiếp (chokusetsu-ho). Phương pháp gián tiếp được thực hiện bằng cách làm ướt giấy rồi bọc lấy con cá. Sau đó sơn lên giấy với một bàn chải đặc biệt (giống như khi ta đặt một tờ giấy lên trên bề mặt đồng xu và lấy bút chì chà lên vậy). Phương pháp này tốt cho mục đích minh họa khoa học bởi tính chính xác và tinh tế của nó.

Với phương pháp trực tiếp, mực màu được vẽ trực tiếp lên mình cá, sau đó giấy được đặt lên trên và được chà xát để mực in lên giấy. Ưu điểm của phương pháp này nhanh chóng và có thể sản xuất nhiều bản in. Nhiều nghệ sĩ cảm thấy hài lòng với kết quả của phương pháp trực tiếp do tính mỹ thuật cao của nó. Với cả hai cách này, không có hai bản in nào giống nhau, nhưng cả hai đều cho ra những bức tranh cá tuyệt đẹp.

Tại Nhật Bản, du khách có thể tìm thấy những bức tranh tuyệt đẹp theo phong cách gyotaku tại nhà của các ngư dân hoặc trên tường các cửa hàng bán cá. Ngày nay, phương pháp gyotaku đã được các họa sĩ nâng lên một đỉnh cao mới. Nghệ sĩ Heather Forner đã theo đuổi nghệ thuật gyotaku trong suốt 40 năm. Bà đi tìm kiếm những con cá lạ được ngư dân đánh bắt hoặc tại các hội chợ triển lãm nghề cá. Những tác phẩm của bà sử dụng nhiều vệt in trong cùng một trang giấy để tạo thành một bức tranh đầy màu sắc và tuyệt đẹp.

Hoàng Ngọc
.
.
.