Từ hoa anh đào đến Samurai

Chủ Nhật, 19/04/2009, 14:00
Người Nhật Bản có thành ngữ "A flower is cherry blossom, a person is a Samurai". (Nếu là hoa, hãy làm hoa anh đào. Nếu là người, hãy làm một võ sĩ đạo). Có thể nói rằng hoa anh đào và người võ sĩ đạo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân Nhật. Hoa anh đào tượng trưng cho hòa bình và tình yêu, còn Samurai tượng trưng cho sức mạnh và tinh thần kiên cường của con người. Đó cũng chính là tư tưởng, là triết lý sống của người dân Nhật Bản.

Do đó, hai hình ảnh này luôn được coi là những công cụ chủ chốt của ngoại giao văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, ở từng giai đoạn, từng thời kỳ hình ảnh đó được thể hiện ở các mức độ khác nhau theo một cách linh hoạt và hợp lý.

Hoa anh đào - gây dựng thiện cảm

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản là một quốc gia bại trận. Trong con mắt của cộng đồng thế giới, Nhật Bản là một dân tộc hiếu chiến và tàn ác. Điều này là bất lợi khi Nhật muốn hòa nhập với thế giới để trở thành một đất nước bình thường như bao quốc gia khác. Để thay đổi những ác cảm về đất nước, dân tộc, Nhật Bản đã chọn hình ảnh hoa anh đào, một loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thanh bình làm chiếc cầu nối giúp Nhật xích lại với cộng đồng thế giới. Hình ảnh hoa anh đào đã giúp Nhật truyền đi thông điệp rằng Nhật Bản là một đất nước tươi đẹp, một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Trong các hoạt động giao lưu văn hoá, Nhật Bản luôn tránh những vấn đề liên quan đến quá khứ, phong kiến, chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh võ sĩ Samurai - biểu tượng của tinh thần thượng võ. Bởi Samurai có thể khơi dậy nỗi lo ngại về sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhất là khi cả thế giới còn bàng hoàng trước mất mát của cuộc chiến tranh để lại. Phải nói rằng Nhật Bản đã khéo léo và tinh tế khi chọn hoa anh đào làm bình phong để che phủ quá khứ, chiến tranh và đẩy lùi những thiện cảm không tốt về mình.

Tàu siêu tốc - ngoại giao kinh tế

Trong những năm 70 của thế kỷ trước, với sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế, Nhật đã trở thành một tấm gương sáng để thế giới noi theo về sự tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế và khoa học kỹ thuật. Ngoại giao văn hóa trong giai đoạn trước đã giúp Nhật Bản dần dần giành được thiện cảm của cộng đồng thế giới và mục tiêu của ngoại giao văn hóa trong giai đoạn này là giới thiệu, quảng bá hình ảnh một đất nước với nền kinh tế phát triển. Công cụ ngoại giao văn hóa là con tàu siêu tốc, là những biểu tượng thể hiện sự tiến bộ về khoa học công nghệ.

Sự phát triển về kinh tế đã giúp Nhật Bản triển khai một chính sách ngoại giao văn hóa tích cực và quyết đoán hơn. Bên cạnh việc giới thiệu các giá trị truyền thống như trà đạo (chanoyu), cắm hoa (ikebana)… Nhật không còn ngần ngại khi giới thiệu các nhân tố liên quan tới văn hóa truyền thống như Kabuki hay Noh theater (là loại hình sân khấu truyền thống thể hiện những tư tưởng Nhật Bản trong quá khứ từng bị cấm biểu diễn). Đồng thời, Nhật cũng bắt đầu triển khai việc đưa tiếng Nhật giảng dạy miễn phí ở nước ngoài. Bởi ngôn ngữ chính là công cụ giúp cộng đồng thế giới hiểu hơn về con người và văn hóa Nhật.

Ngoại giao văn hóa - xây dựng lòng tin

Vào thập niên 80 và 90, Nhật Bản xác định châu Á là đối tượng quan trọng trong chính sách đối ngoại và ngoại giao văn hóa được chọn làm công cụ tiên phong trong việc tiếp cận với khu vực này. Trong một thời gian ngắn, Nhật Bản đã gây dựng được ảnh hưởng nhất định ở châu Á. Nhưng điều kỳ lạ là hình ảnh của đất nước lúc này lại mờ nhạt hơn so với các sản phẩn của các hãng Sony hay Toyota. Người ta có thể không nhớ đến hoa anh đào, núi Phú Sỹ, trà đạo... nhưng ít ai lại không biết đến những hãng điện tử, xe cộ nổi tiếng của Nhật. Điều này kiến cho nhiều người dân châu Á cảm thấy lo ngại trước sự lấn át của nền kinh tế Nhật Bản.

Lúc này, ngoại giao văn hóa Nhật Bản một lần nữa đóng vai trò định hướng suy nghĩ của công chúng. Thông qua việc thành lập Trung tâm ASEAN ở Nhật Bản (nhằm giới thiệu, trao đổi văn hóa truyền thống giữa châu Á và Nhật Bản) và thông qua Chương trình Trao đổi Học tập trong khu vực Đông Nam Á (chương trình tạo môi trường thuận lợi cho giao lưu tri thức và nguyên cứu giữa các học giả Đông Nam Á), Nhật Bản đã làm dịu đi những lo ngại về sự lấn át của kinh tế Nhật.

Samurai - tinh thần võ sĩ đạo

Bước vào thế kỷ XXI, Ngoại giao văn hóa Nhật Bản được triển khai với 3 phương châm chính là truyền bá, hấp thu và cộng sinh. Người Nhật quan niệm rằng khi cộng đồng thế giới gần gũi với văn hóa Nhật Bản thì sẽ gần gũi với xã hội và con người Nhật Bản. Do đó, Nhật chú trọng tới việc truyền bá tinh thần, truyền thống và lối sống của mình với cộng đồng quốc tế. Các công cụ truyền bá chủ yếu là phổ cập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa, nghệ thuật hiện đại, tác phẩm văn học, truyện tranh, phim truyện... Có thể nói lịch sử văn hóa Nhật là lịch sử hấp thu văn hóa ngoại lai, nhưng đó là sự hấp thu có tính sáng tạo.

Ngày nay, trong các hoạt động ngoại giao văn hóa, Nhật Bản không còn ngần ngại khi giới thiệu, quảng bá các môn võ như Sumo, Judo, Karate, Kendo... Đi khắp thế giới, ở đâu người ta cũng có thể tìm và học các môn võ truyền thống của người Nhật. Hình tượng người võ sĩ đạo lại trở thành biểu tượng, niềm tự hào của xứ sở hoa anh đào. Thông qua việc quảng bá các môn võ truyền thống của dân tộc, Nhật Bản muốn truyền tải tới thế giới một thông điệp rằng ngày nay Nhật không chỉ mạnh về kinh tế mà an ninh quốc phòng cũng được phát triển như các cường quốc khác trên thế giới.

Lịch sử ngoại giao văn hóa của Nhật Bản là cả một câu chuyện dài, chứa đựng những điều lý thú. Nhật Bản đã vận dụng khéo léo và biết cách lựa chọn công cụ văn hoá đúng thời điểm để đạt được mục đích đối ngoại về an ninh, kinh tế và ảnh hưởng. Từ hình ảnh hoa anh đào làm dịu ác cảm của nhân dân thế giới về một dân tộc hiếu chiến, đến hình ảnh người võ sĩ đạo thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của dân tộc Nhật. Giờ đây không ai còn nghĩ Nhật Bản là một dân tộc cực đoan, hiếu chiến nữa. Ngoại giao văn hoá đã góp phần không nhỏ làm thay đổi suy nghĩ của nhân loại về đất nước và con người Nhật Bản theo hướng tốt đẹp lên

Đào Quyền Trưởng
.
.
.