Miệt mài làm khoa học vì nông dân

Thứ Sáu, 17/02/2017, 10:10
Người ta gọi PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà là nhà khoa học của nông dân. Quả không sai, cuộc đời làm khoa học của bà gắn bó cùng cây lúa với mục tiêu lai tạo ra những giống mới ít sâu bệnh, năng suất cao để người nông dân bớt vất vả và hạt gạo Việt cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà – chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất, chất lượng cao, phục vụ sản xuất và xuất khẩu" vừa được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa, 62 tuổi tại Bình Định. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), bà về công tác tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long. Không bao lâu, bà giành được học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ, tiếp đó là nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Purdue (Mỹ) và Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sỹ. Cho đến nay, với gần 40 năm công tác tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, bà đã công bố trên 80 bài báo khoa học đăng ở các tạp chí trong và ngoài nước.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà.

Cuộc đời làm khoa học gắn bó với cây lúa, bà hiểu rằng, người nông dân Việt Nam vất vả một phần là vì chưa có giống lúa tốt có thể tạo ra năng suất và chất lượng cao. Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 50% sản lượng lúa và 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đời sống người nông dân vẫn nghèo do giá thành xuất khẩu của hạt gạo rất rẻ so với nhiều nước trong khu vực.

Qua nhiều năm miệt mài nghiên cứu, bà đã lai tạo thành công hai giống lúa OM6976 và OM5451, được công nhận là giống quốc gia và được gieo trồng rộng rãi tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ưu điểm vượt trội của giống lúa OM6976 là năng suất rất cao, có thể đạt 9 tấn/ha vụ đông xuân, 7 tấn/ha vụ hè thu và thích nghi rộng, từ vùng phù sa ngọt tới vùng nhiễm phèn, mặn. OM6976 được mệnh danh là "nữ hoàng xuất khẩu".

Trong khi đó, giống lúa OM5451 lại có chất lượng vượt trội do có hàm lượng vi chất sắt và kẽm cao. Giống lúa có mùi thơm nhẹ, phù hợp với cả 3 vụ: Hè thu, thu đông và đông xuân. OM5451 đang được nông dân trồng thay thế dần giống lúa IR50404 và trở thành giống lúa chủ lực xuất khẩu chất lượng cao.

Từ năm 2012, cả 2 giống lúa này đều được đưa vào gieo trồng đại trà. Chỉ trong 3 năm (2013-2015), tổng diện tích gieo trồng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Bộ đã đạt gần 3,1 triệu hécta. Trong năm 2015, diện tích gieo trồng hai giống trên đạt 970.140ha, chiếm 23,1% tổng diện tích lúa toàn vùng. Nhờ việc đưa vào gieo trồng trên diện rộng, các giống lúa trên đã mang lại nguồn thu hàng trăm tỉ đồng cho các địa phương và cải thiện rõ rệt đời sống người nông dân.

Hăng say nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều giống mới áp dụng trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà đã vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng ba (2012), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2008), giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất (2012), Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2013), 11 năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở và 3 lần Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.

Khánh Vy
.
.
.