Nông dân miền Tây bám đất làm giàu

Thứ Hai, 13/02/2017, 09:19
Những người nông dân từ 2 bàn tay trắng, đã dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất… để gặt hái được thành công trên chính mảnh đất “máu thịt” của mình, với tài sản hiện tại trị giá hàng tỷ đồng.

Trong ngôi nhà khang trang có treo nhiều bằng khen, trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, “Nữ hoàng cua đinh” miền Tây - bà Trịnh Thị Nguyệt (63 tuổi, ngụ xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) kể bà từng trải qua bao gian nan khổ cực, nhưng bằng ý chí và nghị lực, bà đã vượt lên tất cả để đi đến thành công. 

Suốt nhiều năm dài, bà đã thử thách với nhiều nghề từ buôn thúng bán bưng, cắt lúa, làm rẫy… cho đến nuôi trăn, nuôi ba ba. Nghề nào cũng thấm đẫm mồ hôi, công sức.

Năm 2004, bà Nguyệt chuyển sang nuôi cua đinh (họ hàng với ba ba). Sau 2 năm chật vật, cuối cùng con vật hoang dã này đã ngoan ngoãn đẻ “trứng vàng” do “bà mụ” mát tay bậc nhất miền Tây nâng đỡ. Với 100 con cua đinh giống đầu tiên, bà Nguyệt và con trai mày mò học hỏi, đọc thêm nhiều tài liệu về đặc tính, quá trình sinh trưởng của loài động vật hoang dã này. 

Bà Nguyệt chia sẻ: “Do đặc tính của cua đinh là háu ăn, dễ nuôi, có thể cho ăn thức ăn sống như cua, ốc, cá, tép hoặc thức ăn viên. Loài này hầu như không nhiễm bệnh. Nhưng muốn bảo đảm an toàn, các bể nuôi, ao nuôi phải đúng quy cách. Môi trường sống cần được vệ sinh thật tốt, thức ăn phải sạch”.

Đến mùa sinh sản, theo tỉ lệ 5 cái và 1 đực được bà Nguyệt nhốt chung, cua đinh cái tự bò lên hố cát đào hang để đẻ, mỗi lứa từ 8 - 15 trứng. Mỗi năm cua đẻ 3 - 4 lần trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 7 âm lịch. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, trứng ấp chỉ nở khoảng 30%, dần dần lên 80 - 90%. 

Trở ngại lớn nhất là do thời gian ấp trứng kéo dài đến 100 ngày. Những năm thời tiết nóng nực, bà Nguyệt phải dùng quạt máy để điều hòa ẩm độ, nhằm giảm hao hụt. 

Bà Nguyệt cho biết: “Cơ sở chăn nuôi của gia đình tôi luôn phối hợp tốt với các đơn vị Kiểm lâm, Thú y... thực hiện đúng như quy định. Đó là một trong những mấu chốt tạo nên sự tin tưởng của khách hàng dành cho mình”. 

Hiện, cơ sở chăn nuôi của bà Nguyệt có trên 100 bể nuôi cua đinh và ba ba với diện tích 4.000m², tổng số vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Năm 2010, bà Nguyệt được bầu làm Chủ nhiệm của CLB nuôi ba ba ấp Phú Khởi. Từ đó nghề chăn nuôi đầy thú vị này được nhiều người triển khai khởi nghiệp.

Ông Quách Thanh Sử bên vườn cây vú sữa trĩu quả ở vùng đất U Minh đầy phèn.

Hôm về Cà Mau, chúng tôi đã tìm đến ông Quách Thanh Sử (ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Không chỉ chinh phục vùng đất khó, ông Sử còn là một trong những người đầu tiên đưa trái ngọt về rừng U Minh trồng thành công. 

Trên những mảnh đất nhiều phèn, ít phù sa này, bà con quanh năm trồng tràm, sau đó phát triển làm lúa, nhưng mỗi năm cũng chỉ được một vụ. Suy nghĩ phải tìm giống cây để thay thế cho cây lúa không mấy thích hợp trên vùng đất này, ông Sử bắt tay thực hiện lên liếp, chuyển đổi 2ha đất để trồng cây ăn trái. 

Do không có máy móc, ông Sử kiên trì đào mương lên liếp, hết kênh mương này đến ao đìa khác hình thành. “Hồi đó vùng này chưa ai trồng nhãn, nhưng thấy đây là một loại cây trồng cho hoa lợi cao nên tôi bắt đầu chuyển khai mua cây giống và trồng thử”, ông Sử nhớ lại.

Khi vườn nhãn đang cho những vụ mùa trĩu quả thì năm 2005, nước mặn bắt đầu xâm nhập. Nhiều bà con đã bắt đầu chặt cây, dẫn nước vào đồng nuôi tôm. Nhưng người bộ đội năm xưa không chịu từ bỏ mảnh vườn là tâm huyết cũng là nguồn sống của gia đình lúc bấy giờ. Ông Sử thuê người đào hệ thống ao xung quanh vườn nhà mình, đắp thêm liếp lớn, hình thành “ao cách mặn”.

Ông Sử tự hào: “Để đảm bảo giữ được đất ngọt giữa vùng mặn, việc cần làm là mực nước bằng hoặc cao hơn các vuông tôm bên cạnh, còn những ao nước ngọt ở trong được bơm nước giếng khoan xuống”.

Hiện tại, trong diện tích vườn 2ha của gia đình, với 400 gốc nhãn mà cả xứ U Minh không ai có, thêm vào đó là những cây vú sữa sum suê trái. Chưa hết, để tận dụng tối đa những khu đất trống, ông Sử trồng thiên lý khắp mảnh vườn, mỗi năm lấy thêm hàng chục triệu đồng. 

Dưới ao nước ngọt, ông thả nuôi cá sặc rằn, ao cách mặn ông nuôi cá bống tượng. Với khu vườn hiện tại, mỗi năm ông Sử thu vào trên nửa tỷ đồng, một số tiền đáng mơ ước đối với người dân sống dưới tán rừng U Minh…

Ông Sử chia sẻ: “Nhãn trồng ở vùng đất phèn không to, bóng, đẹp mã như vùng khác, nhưng chất lượng tuyệt hảo… vì vậy nhiều người rất mê. Cũng nhờ đó mà kinh tế gia đình cải thiện. Bà con thi nhau học hỏi làm theo”.

Khoảng 7 năm trước, người dân ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chỉ bám chặt với cây lúa và cây mía. Chuyện lên liếp trồng cây ăn trái vào thời điểm đó tại vùng chuyên canh cây lúa, mía là… cực hiếm. 

Trong dịp về thăm quê ở Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tuẩn thấy bà con ở đây có những vườn bưởi da xanh trĩu quả. Quay về Hòa Mỹ, ý nghĩ đổi đời bằng cây bưởi da xanh cứ thôi thúc ông. Giấc mơ vươn lên làm giàu từ thửa vườn, mảnh ruộng thôi thúc ông Tuẩn làm bằng được.  

Bằng sự cần cù, chịu khó, biết ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vườn bưởi nhà ông Tuẩn nhiều năm nay luôn cho trái ngọt. Qua 4 mùa trái, giờ đây, 7.000m² bưởi da xanh cho năng suất từ 15-22 tấn trái, thu trên nửa tỉ đồng/năm. Từ kinh tế khó khăn, giờ đây ông đã trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu 5 năm liền (2011-2016) của địa phương.

V. Đức - T. Lĩnh
.
.
.