Xứng danh đơn vị Anh hùng

Chủ Nhật, 20/08/2023, 19:44

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Công an huyện Bố Trạch, Công an Quảng Bình chịu nhiều gian khổ, hy sinh, bởi nơi đây là điểm xuất phát của nhiều tuyến đường giao thông chiến lược quan trọng của đất nước nên địch bắn phá suốt ngày đêm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an đã ngã xuống khi đang bám trụ ở bến phà, đồn gác để cho những chuyến xe vào tiền tuyến. Phát huy truyền thống anh hùng của đơn vị, những năm qua Công an huyện Bố Trạch luôn có nhiều việc làm, chương trình công tác được người dân trên địa bàn cảm mến, tin yêu.

Những chiến công trong khói lửa chiến tranh

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bố Trạch, Quảng Bình là nơi tập kết và điểm xuất phát của các binh đoàn chủ lực chi viện cho tiền tuyến. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, trên mảnh đất Bố Trạch được mở thêm nhiều tuyến đường quan trọng, như; Đường 20 Quyết Thắng là cửa ngõ của đường Trường Sơn xuyên qua những cánh rừng đại ngàn để qua Lào, vào Nam; đường 15A, đường 15B, đường Ba Trại… tạo nên mạng lưới giao thông như ô bàn cờ. Cũng từ Cảng Gianh của Bố Trạch đã hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển.Và trên những tuyến đường, cầu, phà ở Bố Trạch, Quảng Bình, lực lượng CBCS Công an đã hiến dâng tuổi thanh xuân, có những người đã ngã xuống để góp sức tạo nên những kỳ tích huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trang 29 ĐB: Xứng danh đơn vị Anh hùng -0
Phà Gianh, Bố Trạch, Quảng Bình nơi địch bắn phá suốt ngày đêm, nhiều CBCS Công an đã hy sinh nơi đây để góp phần thống nhất đất nước.

Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, lực lượng CBCS Công an ở Bố Trạch, Quảng Bình đã tập trung toàn lực lượng bám cầu, bám đường, bám phà và các tuyến trọng điểm giao thông vận tải kiên cường chiến đấu bảo đảm giao thông thông suốt. Nhiều đơn vị đã nêu gương sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trở thành đơn vị anh hùng như; Trạm CSGT Khương Hà bị địch bắn phá trên 600 lần, vẫn kiên cường chiến đấu bảo vệ an toàn 45 ngàn tấn hàng, cứu chữa cho hàng trăm người bị thương. Đồn CSGT số 64 hai lần được Nhà nước tuyên dương anh hùng, bị địch đánh phá 926 lần, 24 lần địch rải chất độc hoá học, song các CBCS Đồn 64 vẫn hiên ngang chắc tay súng, dũng cảm xông pha nơi bom rơi đạn nổ, cứu được hàng ngàn tấn hàng hoá.

Lực lượng CBCS Công an ở Bố Trạch, Quảng Bình được bổ sung nhiều người từ miền Bắc vào để tập trung toàn lực bám cầu, bám đường, bám phà và các tuyến giao thông trọng điểm để bảo đảm giao thông thông suốt. Chúng tôi về thăm lại bến phà Gianh, nơi từng được coi là “túi bom” địch bắn phá suốt ngày đêm để cắt tuyến đường chi viện vào miền Nam. Lần đọc từng trang nhật ký của anh hùng, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Năm 1972, đang là thực tập sinh của trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh, Huỳnh Kim Trung đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường và anh được Bộ Công an tăng cường vào Ty Công an Quảng Bình.

Vào vùng đất lửa, anh được phân công về Trạm CSGT ở bến phà Gianh, Bố Trạch, Quảng Bình nơi địch bắn phá suốt ngày đêm. Trang nhật ký đã ố màu thời gian, nhưng tình cảm của người anh hùng, liệt sĩ còn in đậm trong từng câu chữ: “Ngày 30/6/1972, liên tiếp hơn 10 ngày địch đều cho nhiều lượt B-52 thả bom xuống đất Quảng Bình này. Có lần mình cùng anh Vân đi làm hầm ở nhà anh ấy, B-52 thả bom rải thảm cách đó 1km, bom đạn nổ xé trời, đất rung chuyển như muốn sập xuống rồi tung tất cả lên. Nghe nó rền rĩ ào ào như bão tố thế mà hai anh em chỉ biết đứng nhìn nhau cười vì hầm mới đào chỉ tới đầu gối, nguy hiểm thật. Một ngày ngủ nhiều nhất chỉ 2-3 tiếng, người đen thui, hai hố mắt trũng sâu, hốc hác. Thế nhưng vẫn ca hát, vui cười. Giá như có cái đài mà nghe ca nhạc thì vui biết mấy hoặc có cái đàn guitar cũng được. Lại nhớ những đêm ca nhạc thứ 7 hoặc chiếu phim ở Hà Nội. Hà Nội ơi, sẽ có ngày tôi trở về với chiến công chói lọi từ tuyến lửa anh hùng”.

Trang 29 ĐB: Xứng danh đơn vị Anh hùng -0
Chỉ huy đơn vị Công an huyện Bố Trạch trao đổi công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn đường biên giới với Công an tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Mặc cho trên đầu, mưa bom, bão đạn, các CBCS Công an Bố Trạch cùng các đơn vị tăng cường vẫn nắm chặt tay nhau với niềm tin và chấp nhận dâng hiến tất cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Từ trong cuộc chiến tranh ác liệt, lực lượng CBCS Công an ở Bố Trạch, Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Anh hùng Hồ Bá Thọ; Anh hùng Hoàng Hữu Nờ; Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Bá Chưng; Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung... Và nhiều liệt sỹ Công an nhân dân ở lại mảnh đất Quảng Bình mãi mãi tuổi 20 như liệt sĩ Phạm Văn Luyện; liệt sĩ Lê Văn Thành, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa; liệt sĩ Phan Tín, xã Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; liệt sĩ Trần Văn Sòi, xã Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị…

Gần dân, hiểu dân để phục vụ dân

Bố Trạch địa bàn rộng lớn, dân số đông, nên khối lượng công việc rất lớn, vì vậy nhiều CBCS luôn làm xuyên trưa để hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời gian qua, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ của công dân theo mục tiêu Đề án 06/CP của Chính phủ đề ra, đồng thời giúp người dân được tiếp cận với các tiện ích trên thẻ CCCD... Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã nỗ lực từng ngày, không kể thời gian, thu nhận hồ sơ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân làm thủ tục hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử. Với phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, Công huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã triển khai các tổ công tác lưu động, đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm thủ tục cấp CCCD cho người già yếu, bệnh tật đi lại khó khăn.

Trang 29 ĐB: Xứng danh đơn vị Anh hùng -0
CBCS Công an huyện Bố Trạch tranh thủ ngày nghỉ xuống địa bàn giúp dân thu hoạch sắn tránh mưa ngập làm hư hỏng.

Theo Thượng tá Trương Quốc Cường, Trưởng Công an huyện Bố Trạch, để đảm bảo an ninh trật tự, kỷ cương tạo đời sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân, Công an huyện Bố Trạch luôn nêu cao phương châm hành động “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Trong những năm qua, Công an huyện Bố Trạch đã lắng nghe hàng trăm ý kiến của nhân dân về thực trạng tình hình tội phạm ở từng địa bàn; đối tượng vi phạm pháp luật chưa bị phát hiện; những ý kiến đóng góp của nhân dân về hoạt động của lực lượng Công an và những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân về tình hình an ninh trật tự cần giải quyết. Đồng thời thông qua buổi nói chuyện, người dân hiểu về những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an; hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng cuộc sống yên bình ở khu dân cư.

Bên cạnh việc nắm vững địa bàn để làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhiều năm qua CBCS Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến cơ quan làm các loại thủ tục giấy tờ. Công an huyện đã lập nhiều tổ công tác đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới làm các giấy tờ cho người dân khi bà con không có điều kiện, hoặc khó khăn trong việc đi lại.

Trong những đợt mưa bão, lũ lụt, CBCS Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình luôn được xem là lực lượng xung kích, đi đầu kề vai sát cánh với người dân phòng chống thiên tai, góp phần giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống sau bão lũ... Với những việc làm làm thiết thực hàng ngày, CBCS Công an huyện Bố Trạch đã mang đến niềm tin cho nhân dân, vì vậy nhân dân trên địa bàn luôn giúp đỡ, ủng hộ để các CBCS sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Dương Sông Lam
.
.