Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu tình hình mới
- Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
- Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật quy mô lớn nhất
- Xây dựng Nghị định về quy trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống của lực lượng CAND (19-8-1945 – 19-8-2019), Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) xoay quanh những nội dung này.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an trong thời gian qua?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Trong 5 năm qua, Bộ Công an đã xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 14 luật, pháp lệnh, trình Chính phủ ban hành 37 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 quyết định; chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành 21 thông tư liên tịch; ban hành theo thẩm quyền 307 thông tư.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất Việt Nam tham gia 4 điều ước quốc tế đa phương, đàm phán, ký kết 29 điều ước quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, phòng, chống tội phạm, bảo vệ tin mật, an ninh thông tin...
Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an. |
PV: Luật CAND năm 2018 được ban hành và có hiệu lực thi hành đã tác động như thế nào đối với công tác Công an và các mặt của đời sống, xã hội, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Luật CAND năm 2018 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Qua công tác chuẩn bị triển khai thi hành và kết quả hơn 1 tháng triển khai thi hành Luật cho thấy Luật đã có nhiều tác động đến công tác Công an và đời sống xã hội, nổi bật nhất là:
Một là, củng cố cơ sở pháp lý để đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Công an các cấp, giữa Bộ Công an với các bộ, ngành; không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an; sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an cấp tỉnh; xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm của Bộ Công an; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của từng đơn vị; bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Bộ đến cơ sở; tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an bảo đảm quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm là thống nhất, không chia cắt về địa bàn, lãnh thổ.
Hai là, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của CAND, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện quy định về trần cấp bậc hàm và chế độ, chính sách trong CAND phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Ba là, thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; xây dựng đội ngũ Công an xã chính quy, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; khắc phục được những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành quy định về bố trí Công an xã bán chuyên trách như hiện nay...
Bốn là, thúc đẩy xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh bền vững, có hệ thống và được quản lý thống nhất bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xây dựng nền công nghiệp an ninh phát triển bền vững, tiên tiến, hiện đại, đủ sức đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu ngày càng cao của CAND và trở thành một bộ phận của nền công nghiệp quốc gia.
PV: Có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng được đánh giá là một đạo luật có nhiều tác động đến hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Ngày 12-6-2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng với 423/466 đại biểu (86,86%) tán thành. Luật An ninh mạng được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định về an ninh mạng để các lực lượng chức năng có liên quan có thể áp dụng, triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, có cơ sở đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật. Nâng cao khả năng bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trước những nguy cơ đến từ không gian mạng, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Luật cũng là văn bản mang tính chính sách đầu tiên về nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, công dân đã được trao những công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ thông tin bản thân trên không gian mạng. Doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi.
Nhiều quy định trong Luật quy định rõ trách nhiệm với cộng đồng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Một khi các trách nhiệm này được thực hiện sẽ góp phần quan trọng hình thành không gian mạng an toàn, lành mạnh tác động tích cực tới phát triển kinh tế, đời sống xã hội của nước ta.
PV: Ðồng chí cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm lực lượng Pháp chế sẽ tham mưu cho Ðảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an thực hiện trong thời gian tới để góp phần vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Ðể góp phần vào công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, lực lượng Pháp chế CAND cần tiếp tục tham mưu với Ðảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Tham mưu với Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về chiến lược công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trong tình hình mới để xác định mục tiêu, yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn trong nước và thế giới.
Thực hiện tốt công tác xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới bảo đảm hợp hiến, hợp pháp về nội dung, tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định.
Nghiên cứu, xây dựng và tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực công tác Công an, phục vụ tốt yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Ðàm phán, đề xuất ký kết, phê chuẩn các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, bảo vệ tin mật, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước trên thế giới theo các kế hoạch đã được Chính phủ, Bộ Công an phê duyệt.
Thường xuyên phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản mới ban hành có liên quan đến an ninh, trật tự gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật và việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Trung tướng về cuộc trao đổi này!