Tăng cường Công an chính quy xuống xã - giải pháp đảm bảo ANTT ở cơ sở

Thứ Sáu, 05/01/2018, 08:56
Trong khi việc thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng Công an xã vẫn còn đang được kiến nghị một mức độ hợp lý, ở nơi này nơi khác, cán bộ Công an xã nghỉ việc ngày càng nhiều vì cuộc sống mưu sinh thì chủ trương tăng cường Công an chính quy xuống làm Công an xã của Bộ Công an như một "cứu cánh" cho các địa phương, đặc biệt là những xã được xác định là trọng điểm, phức tạp về ANTT.


Theo báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện chủ trương xác định, công nhận và bố trí Công an chính quy tại xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, đến nay, 38/63 Công an địa phương đã bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã hoặc Phó Trưởng Công an xã ở 828 xã, trong đó có 747 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT với tổng số 1.290 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 693 Trưởng Công an xã, 367 Phó Trưởng Công an xã và 230 Công an viên. Tuy nhiên, theo đánh giá, hầu hết Công an các tỉnh phía Nam thực hiện tốt chủ trương này (29/38 tỉnh, thành, chiếm 76,3%); còn ở phía Bắc thì việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã còn ít, có nơi chưa bố trí.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ thường trực, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an về phương án tăng cường Công an chính quy xuống xã, Đại tá Bùi Quang Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc cho biết, nhìn chung số Công an chính quy được điều động đảm nhiệm chức danh Công an xã đều đã được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, pháp luật, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 11, 12,13 của Pháp lệnh Công an xã; thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương của Công an cấp trên về công tác đảm bảo ANTT ở địa phương. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đồng chí Công an chính quy làm Công an xã đã coi trọng công tác vận động quần chúng; tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện công tác quản lý, đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…; tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kịp thời giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội; ngoài ra còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do cấp ủy, chính quyền giao, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

"Việc bố trí Công an chính quy làm Trưởng, Phó Trưởng Công an xã, Công an viên đảm bảo tính ổn định và có lực lượng thường trực chiến đấu ở xã; khắc phục tình trạng Công an xã bán chuyên trách thường biến động, trình độ năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, qua đó giúp cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách có điều kiện học hỏi, nắm bắt các quy trình giải quyết công việc đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật". – Đại tá Bùi Quang Chi nhấn mạnh.

Công an Tuyên Quang tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Tại các tỉnh trong Nam, chủ trương đưa Công an chính quy về làm Công an xã được các địa phương đón nhận và triển khai rất hiệu quả. Như tỉnh Cà Mau, 44 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT đã được bố trí Công an chính quy. Nhận xét về hiệu quả của việc đưa Công an chính quy xuống xã, lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau khẳng định, sau 6 năm triển khai thực hiện chủ trương của Bộ, cho thấy việc bố trí Công an chính quy tại các xã trọng điểm, phức tạp là một giải pháp quan trọng, góp phần chuyển hóa các địa bàn phức tạp thành ít phức tạp và an toàn về an ninh, trật tự. 

Tại tỉnh Long An, đã có đến 201 đồng chí Công an chính quy được điều động về đảm nhiệm chức danh Công an xã ở 107 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT. Trên địa bàn tỉnh có nhiều địa bàn xã có khu-cụm công nghiệp, phức tạp về ANTT. Lực lượng Công an chính quy khi đưa xuống các xã đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp giải quyết tốt tình hình phức tạp nổi lên về an ninh nông thôn, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, không để phát sinh điểm nóng phức tạp về ANTT ở các địa bàn trọng điểm, nhất là địa bàn xã khu-cụm công nghiệp. 

Các tỉnh như Long An, Cà Mau… đều kiến nghị Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua về  vấn đề Công an xã, để tạo điều kiện cho địa phương có kế hoạch quy hoạch tiếp tục bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, nhằm xây dựng lực lượng này theo hướng tiến lên chính quy.

Ở phía Bắc, tại Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thẳng thắn cho biết "Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, đặc biệt là di dân cơ học, tình hình an ninh chính trị, TTATXH phức tạp và nhạy cảm. Lực lượng Công an xã rất nhiệt tình nhưng khả năng, năng lực hạn chế nên đến giai đoạn này, có thể nói, nhiệm vụ đảm bảo tốt ANTT ở cơ sở đã quá tải đối với họ. 

Vì thế, khi Bộ Công an có chủ trương đưa Công an chính quy xuống làm Công an xã đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Công an Hà Nội trong việc đưa Công an chính quy xuống xã bám dân, bám sát cơ sở, đảm bảo an ninh, TTATXH ngay tại cơ sở. Chủ trương này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt tình, nhân dân rất tin tưởng".

Công an xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) luôn lắng nghe ý kiến của dân.

Theo Đại tá Đào Thanh Hải, sơ kết một năm đưa Công an chính quy xuống 13 xã trọng điểm về ANTT tại Hà Nội, tình hình an ninh, TTATXH tại các xã đã tốt hơn. Lực lượng Công an chính quy làm Công an xã đã nắm chắc tình hình, tham mưu và đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp và giải pháp để đảm bảo ANTT tại địa bàn. Khi đưa Công an chính quy xuống làm Công an xã, cấp ủy, chính quyền địa phương có niềm tin rất lớn đối với lực lượng Công an trong viêc giữ gìn ANTT tại cơ sở. 

Nhờ nắm tình hình chắc, thông tin kịp thời về Công an huyện nên các vụ việc phức tạp đã được giải quyết ngay từ cơ sở. Khi đưa lực lượng Công an chính quy xuống xã còn có tác dụng phòng ngừa tội phạm tốt hơn, có tác động răn đe tội phạm, đồng thời triển khai các biện pháp, giải pháp nghiệp vụ của ngành Công an tốt hơn, sâu hơn. Đồng thời, các hồ sơ thiết lập đối với người vi phạm cũng tốt hơn, chuẩn hơn, đảm bảo yếu tốt pháp luật và nghiệp vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng khẳng định: "Để làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã ban hành nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đảm bảo ANTT, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và quản lý, giáo dục các loại đối tượng theo quy định của pháp luật, công tác quản lý Nhà nước về ANTT cũng như công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã, UBND tỉnh Thái Bình nhất trí với chủ trương của Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ về sửa Luật CAND, chính quy hóa lực lượng Công an xã trong thời gian tới".

Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch cũng đưa ra những băn khoăn về vấn đề bố trí, sắp xếp công tác cho lực lượng Công an xã hiện tại, cở sở vật chất cho lực lượng Công an chính quy khi xuống công tác tại xã như bố trí, xây dựng trụ sở...

Quả thật, qua khảo sát, địa phương nào cũng đang và sẽ gặp khó khăn như nêu trên trong việc đưa Công an chính quy xuống làm Công an xã. Lãnh đạo Bộ Công an cũng rất quan tâm, chỉ đạo trong việc xây dựng phương án đưa Công an chính quy xuống làm Công an xã, từng bước khắc phục các khó khăn nêu trên để việc đưa Công an chính quy xuống làm Công an xã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương. 

Tại Hà Nội, theo Đại tá Đào Thanh Hải, chủ trương này nhận được sự nhất trí cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ chia làm 4 giai đoạn, từ nay đến năm 2020 sẽ đưa Công an chính quy xuống phủ kín các xã, trước thời điểm tiến hành Đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp để kiện toàn bộ máy cơ sở. 

Ở nhiều địa phương khác, qua tìm hiểu, chúng tôi cũng thấy chủ trương đưa Công an chính quy xuống làm Công an xã đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi đã đến lúc, nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH tại cơ sở phải được đặc biệt coi trọng! 

Trung tá Nguyễn Văn Bơ, Trưởng Công an xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh

"Tôi được tăng cường xuống làm Trưởng Công an xã Thới Tam Thôn từ năm 2010. Ban Công an xã có 7 đồng chí Công an chính quy, chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. 

Địa bàn xã Thới Tam Thôn giáp với quận 12 và một xã trọng điểm của huyện Hóc Môn, có sự phát triển đô thị hóa nhanh, từ đó kéo theo sự gia tăng tội phạm và TNXH. Ban Công an xã đã chú trọng xây dựng các mô hình, giải pháp cách làm sáng tạo, hiệu quả, triển khai phù hợp với từng lực lượng, lĩnh vực và địa bàn công tác; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của xã, góp phần giữ vững ổn định ANTT trên địa bàn, từng bước xây dựng lực lượng Công an xã ngày càng trong sạch, vững mạnh".


T.Hòa
.
.