Chính sách cho Công an xã - mỗi nơi một kiểu chi trả

Thứ Năm, 04/01/2018, 10:00
Như chúng tôi đã đề cập ở số báo trước, có nhiều cán bộ Công an xã đã phải chuyển nghề vì thu nhập quá thấp, không đủ lo cho cuộc sống gia đình. Quả thực, vấn đề chế độ, chính sách đối với Công an xã là một bài toán mà nhiều địa phương vẫn loay hoay. Và đến thời điểm hiện tại, mỗi địa phương vẫn vận dụng một kiểu…

Có những nơi, Công an viên chỉ hưởng phụ cấp chưa đến… 300 ngàn đồng/tháng

Theo thống kê tại báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã của Bộ Công an, việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp cho Công an xã còn chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc.

Cụ thể, với Trưởng Công an xã là công chức cấp xã được hưởng lương theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ nhưng hiện nay một số địa phương chỉ có hưởng chế độ trung cấp, mặc dù đã tốt nghiệp trình độ đại học. Phó trưởng Công an xã và Công an viên là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nên nhiều đồng chí dù có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng chỉ được hưởng phụ cấp, hầu hết ở mức Phó Trưởng Công an xã là 1,0 mức lương tối thiểu; Công an viên thường trực từ 0,5 đến 1,0; Công an viên từ 0,3 đến 0,8 mức lương tối thiểu.

Một số địa phương như Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Tuyên Quang, Kiên Giang chỉ được hưởng phụ cấp 315 nghìn đồng/tháng; thậm chí ở Lai Châu, Công an viên chỉ được hưởng chưa đến 300 ngàn đồng/tháng.

Trong khi đó, công việc của Công an xã thì như "làm dâu trăm họ", đảm bảo ANTT tại địa phương. Họ, bên cạnh việc ứng trực tại trụ sở, tuần tra kiểm soát theo lịch trình thì bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, khi có những sự việc liên quan đến an ninh trật tự là phải lên đường làm nhiệm vụ. Chính do tính chất công việc nên để làm một công việc khác cố định về thời gian để tăng thêm thu nhập rất khó.

Hơn nữa, theo quy định của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn nhưng hiện nay, chỉ có Trưởng Công an xã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phụ cấp thâm niên khi có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên; hầu hết Phó Trưởng Công an xã và Công an viên chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp nghỉ việc vì lý do chính đáng (có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên).

Tại tỉnh Sơn La, vẫn chưa thực hiện được chế độ bảo hiểm xã hội cho Công an viên; chế độ bảo hiểm y tế cho Phó Công an xã và Công an viên mới thực hiện được ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Một số tỉnh miền núi khác cũng nằm trong thực trạng trên. Hơn nữa, Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa quy định về chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp ngày công lao động thêm giờ, ngày công lao động vào ban đêm đối với Công an xã và chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, chế độ phụ cấp thâm niên với Phó Trưởng Công an xã.

Công an xã Đạo Đức làm việc với tổ bảo vệ Công ty Thép Việt Đức về tình hình ANTT.

Việc chi trả lương và phụ cấp cho lực lượng Công an xã quá thấp đã dẫn đến việc họ không đảm bảo được điều kiện sinh hoạt của bản thân và gia đình. Thực trạng trên đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xây dựng lực lượng Công an xã.

Mỗi địa phương mỗi kiểu chi trả

Đối với chức danh Trưởng Công an xã là công chức cấp xã thì được hưởng lương theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc quy định mức phụ cấp đối với Phó Trưởng Công an xã và Công an viên lại có sự khác nhau do căn cứ vào nguồn ngân sách của mỗi địa phương. Điều đó cũng tác động rất lớn đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng và sự nhiệt huyết công tác của Công an xã. Ở những tỉnh miền núi, kinh tế không phát triển thì mức phụ cấp rất thấp, thậm chí có những tỉnh mức phụ cấp chưa đầy 300 ngàn đồng như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, ở một số tỉnh, do chính quyền địa phương quan tâm nên đã vận dụng một số quy định để nâng phụ cấp cho các Phó Trưởng Công an xã và Công an viên. Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài mức phụ cấp đối với Phó Trưởng Công an xã, Công an viên thường trực là 1.0 mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, UBND tỉnh còn hỗ trợ thêm 0,86 mức lương tối thiểu chung.

Còn mức phụ cấp đối với Công an viên phụ trách thôn, ấp cũng được là 1.0 so với mức lương tối thiểu. Để giải quyết tình trạng Công an xã nghỉ việc do thu nhập quá thấp, ở Kỳ họp thứ 3 (nhiệm kỳ 2016 -2021) HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra Nghị quyết 49 quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 183/2010/NQ-HĐND ngày 26-10-2010 về chức danh, số lượng và chế độ chính sách cho Công an xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Từ khi Nghị quyết mới được áp dụng triển khai, tình trạng Công an xã nghỉ việc, bỏ việc đã giảm hẳn, thậm chí  một số đồng chí Công an xã trước đây nghỉ việc, giờ xin quay trở lại.

Chia sẻ về những nét mới của Nghị quyết 49 trong hỗ trợ chế độ chính sách đối với lực lượng Công an xã, Thiếu tá Trương Anh Đức, Phó Trưởng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài điều chỉnh về chế độ phụ cấp đối với Phó trưởng Công an xã được hưởng 1,58 hệ số lương tối thiểu, Công an viên là 1,0, thì Nghị quyết 49 của  HĐND tỉnh Đồng Nai còn quy định hỗ trợ về tiền trực đêm đối với lực lượng Công an xã.

Bởi vậy, ước tính hiện nay tổng thu nhập của mỗi Công an viên thôn, ấp cũng tới khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, Công an xã còn được hỗ trợ tiền đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế với mức 110 ngàn đồng/tháng…

Tại Thái Bình, theo ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với nguồn kinh phí của Bộ Công an,  UBND tỉnh đã chỉ đạo trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện phục vụ công tác cho lực lượng Công an xã...

Đặc biệt, căn cứ Thông tư số 43/2013/TT-BCA ngày 5-10-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã; toàn tỉnh đã trang bị 150 xe mô tô cho các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT và các xã về đích nông thôn mới, xã có thành tích trong công tác đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Hàng năm, UBND tỉnh cấp kinh phí, Công an tỉnh có kế hoạch cấp phát trang phục đủ số lượng, đảm bảo chất lượng cho lực lượng Công an xã theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh đã có quy định và bố trí chức danh Tư pháp-hộ tịch 2 đối với Phó Công an xã; nâng cao mức phụ cấp cho Công an viên (Công an viên phụ cấp 0,9; Công an viên Thường trực 1,0 mức lương cơ sở); thực hiện chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, theo đó mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của Công an viên là 4,5% mức lương cơ bản/ tháng, trong đó ngân sách hỗ trợ 3%, Công an viên đóng 1,5%.... 

Thực tế đó cho thấy, nếu địa phương nào quan tâm, vẫn có những hướng "vượt rào" để tăng thu nhập đời sống cho anh em Công an xã. Những cán bộ Công an xã mà chúng tôi gặp, cũng như những cán bộ Công an xã khác trên mọi miền đất nước, họ đều rất tâm huyết với công việc "vác tù và hàng tổng", với công tác đảm bảo ANTT mà không quản đến sự vất vả, hy sinh. Nhưng ai cũng có một gia đình để lo lắng, nên rất cần những chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống cho lực lượng Công an xã, để họ nhất tâm công tác.

Theo Đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu một quy định chung về chế độ, chính sách hợp lý cho Công an xã, từ đó các tỉnh cùng áp dụng. Tránh tình trạng, có tỉnh cứ áp dụng như khung cứng hiện tại thì Công an xã được hưởng chế độ thấp, tỉnh vận dụng linh hoạt hơn thì Công an xã được hưởng chế độ cao hơn, dẫn đến tình trạng so sánh mức phụ cấp của Công an xã giữa các địa phương, từ đó tác động rất lớn đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng và sự nhiệt huyết công tác của Công an xã.


T.Hòa
.
.