Tổ công tác “3 cùng” lên vùng cao

Thứ Hai, 30/01/2017, 10:42
Công an Bắc Kạn đã triển khai kế hoạch của Bộ trưởng, trong đó nổi bật là yếu tố “3 cùng” với đồng bào Mông, vận động bà con thực hiện Tiêu chí số 19 về xây dựng nông thôn mới.


Khi độc giả đọc bài báo này thì các loài hoa của núi rừng đã nở rực, khoe sắc khắp các sườn núi, thung lũng và đường dẫn vào thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Bà con đồng bào các dân tộc nơi đây đã tụ tập ở nhà văn hoá thôn mở hội chia tay năm cũ, đón năm mới Đinh Dậu sắp sang. Để được đón xuân trong bình yên như vậy thì họ đã chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng từ nhiều tháng trước, trong đó có sự tham gia của Tổ công tác “3 cùng” Công an tỉnh Bắc Kạn.

1. Theo chân Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn đến thôn Lũng Lịa thăm hỏi, động viên bà con và kiểm tra tình hình tổ công tác tăng cường cơ sở, mới thấy các cán bộ chiến sỹ (CBCS) Phòng An ninh xã hội, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bắc Kạn và Công an huyện Ngân Sơn đang xắn tay áo, cầm liềm giúp hộ gia đình anh Hoàng Văn Dì thu hoạch đỗ tương. Từ đường lớn, ngồi sau xe Win cà tàng của thanh niên trong thôn vượt qua những con đường đất quanh co, dốc thẳng đứng, tôi đến quả đồi nhà anh Dì. 

“Bình thường hai vợ chồng thu hoạch số đỗ mất 2 ngày, hôm nay có các cán bộ chỉ mất 2 tiếng, vừa tiết kiệm thời gian với cả công sức…” – anh Hoàng Văn Dì, dân tộc Mông, sống trong thôn giơ cánh tay sạm đen gạt mồ hôi, tươi cười nói. So với mùa đỗ tương năm ngoái, năm nay nhà anh thu hoạch nhiều hơn, nhưng hầu như cũng chỉ đủ ăn chứ không dư mà mang đi bán. 

Đại uý Nguyễn Quang Điệp, cán bộ Phòng An ninh xã hội cho biết, mọi ngày tổ công tác vẫn làm đường giúp bà con, vào mùa đỗ tương thì anh em lại tăng cường giúp đỡ khâu thu hoạch. Quả đồi bát ngát màu nâu vàng của đỗ tương đã chín, xen kẽ màu trang phục của cán bộ An ninh, Cảnh sát lom khom cắt đỗ thật đẹp mắt, càng tô thắm hình ảnh người chiến sỹ Công an “vì dân phục vụ”.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cùng tổ công tác  thăm hỏi gia đình ông Triệu Xuân Tiến.

Rời mảnh đồi đã được thu hoạch gọn ghẽ của anh Dì, đoàn công tác trở về điểm trường Trường Mầm non và Tiểu học Lũng Lịa, nơi các thành viên tổ công tác đang “ở nhờ”. Đó là một phòng ngủ nhỏ trong khuôn viên trường. Thượng tá Nông Văn Thành, Phó trưởng Công an huyện Ngân Sơn lý giải, anh em phải dựng tạm căn lán ghép bằng nhiều mảnh gỗ khoảng 10m², nền đất, quây bạt để lấy chỗ nấu cơm, ăn uống. Lán trại trống trải, nóng bức ngày nắng và rét mướt mỗi khi mưa gió về, nhưng tổ công tác “3 cùng” không ngần ngại. Họ ở với trường, giúp đỡ thầy cô và học sinh nơi đây xây dựng một sân bóng chuyền. 

“Nhờ các anh Công an mà chúng tôi có sân bê tông này đấy. Làm mất một ngày nhưng mất thêm một ngày chở vật liệu lên. Hôm vận chuyển cát sỏi trời mưa, đường trơn và dốc, trông thương lắm, có cán bộ còn ốm sụt sùi…” – chị Hứa Thị Sanh, giáo viên tại điểm trường chia sẻ. 

Ở nơi heo hút có 50 học sinh với 5 cô giáo và 1 thầy giáo, những thành viên tổ công tác trở thành “ông bụt”, hỗ trợ nhà trường trong công tác điện nước, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), thậm chí là nhiều việc không tên khác… 

Bởi vậy mà đồng chí Bí thư Đảng uỷ thị trấn Nà Phặc Hoàng Đình Dong cảm kích lắm: “Một số người dân tin theo các tổ chức bất hợp pháp, có thời gian chính quyền hỗ trợ gạo, muối, họ không đến nhận... Thế nhưng, từ khi tổ xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm thì họ nhận thức tốt hơn và tin tưởng vào chính quyền hơn…”. 

Theo ông, khi có bóng dáng lực lượng CAND, hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp giảm hẳn, bà con chú tâm làm ăn, phát triển sản xuất, từ đó tình hình ANTT được đảm bảo.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Thanh Tuân, ý tưởng lập các tổ công tác tăng cường cơ sở xuất phát từ việc thực hiện Kế hoạch số 178 ngày 14-6-2016 của Bộ Công an về việc phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), cũng như Kế hoạch số 306 của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn. 

Công an Bắc Kạn đã triển khai kế hoạch của Bộ trưởng, trong đó nổi bật là yếu tố “3 cùng” với đồng bào Mông, vận động bà con thực hiện Tiêu chí số 19 về xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn: thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm; thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn; thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới; thôn Khuổi Sáp, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn. 

Trước khi nhận nhiệm vụ, mỗi cán bộ đều được tập huấn về phong tục, tập quán và tiếng nói của đồng bào. Ngoài Tổ trưởng do các đồng chí lãnh đạo Công an các huyện Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới, Chợ Đồn đảm nhiệm thì các thành viên còn lại là CBCS của Phòng An ninh xã hội, Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và Công an các huyện…

2. Ở thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, một tổ công tác tăng cường cơ sở khác của Công an tỉnh Bắc Kạn cũng đang xuống đồng gặt lúa giúp dân. Con đường đá dăm dẫn vào thôn ngoằn nghoèo và xóc hết chỗ nói. Đặc biệt, mưa xuống đã làm trôi hết đất cát, chỉ còn lại đá lổn nhổn. Nhiều ổ voi sâu hoắm gặp mưa to có thể khiến con đường lầy lội không đi nổi. 

Trực tiếp kiểm tra tình hình, Đại tá Nguyễn Thanh Tuân cũng đã cầm liềm gặt lúa giúp người dân trong thôn. Được biết, trong hai ngày 11 và 12-10, tổ công tác đã giúp bà con nhân dân thôn Đồng Luông gặt hái gần 2 tấn lúa. 

“Ruộng nhà mình hơn 500m², bình thường hai người gặt phải mất 2 ngày mới xong. Nay có tổ công tác trợ giúp thì chỉ một buổi là hoàn thành. Quý hoá lắm, vì lúa vàng rồi không gặt sớm dễ mắc mưa. Thanh niên trong nhà thì đi làm tít tận trong Nam cả…” – cô Phạm Thị Mơ, thôn Đồng Luông chia sẻ. 

“Ở đây cán bộ cũng toàn con nhà nông cả nên thạo việc, từ khâu gặt, tuốt cho đến đóng bao mang về. Như cán bộ Chính làm nhanh lắm, gặt còn nhanh hơn cả nhà cô”, tay thoăn thoắt liềm gặt, cô Mơ nói với thêm.

Tổ công tác Công an tỉnh Bắc Kạn giúp bà con thôn Đồng Luông thu hoạch lúa.

Được biết, đa số hộ dân trong thôn thanh niên đi làm ăn xa, CBCS tổ công tác đã thay người thân họ làm những công việc đồng áng. Thiếu tá Hùng Thế Hoàng, Phó trưởng Công an huyện Chợ Mới cho biết, đây là một hoạt động thường xuyên của lực lượng Công an tăng cường xuống cơ sở hỗ trợ người dân, đặc biệt trong thời điểm thu hoạch mùa vụ. Sau khi gặt, những bó lúa được xếp ngay ngắn chờ máy tuốt. Lúa qua máy tuốt được sàng và đóng vào bao tải. Lực lượng Công an tiếp đó sẽ hỗ trợ người dân vác trên vai từng bao lúa về nhà. 

“Mình vui lắm, chỉ trong một ngày mà hai mẹ con với mấy cán bộ gặt xong sào ruộng 600m². Giờ chỉ việc dọn dẹp “bãi chiến trường” nữa thôi…” - cô Bàn Thị Xuân tâm sự. 

Những tạ thóc đóng cẩn thận ở ruộng, chất lên xe công nông về tận cổng, chễm chệ trên vai cán bộ và hiện diện ở hiên nhà như là biểu tượng cho sự no đủ, một vụ mùa bội thu. Nhưng đằng sau đó còn là minh chứng cho tình quân dân thắm thiết giữa CBCS Công an tỉnh Bắc Kạn với người dân thôn Đồng Luông.

3. Đang thập thò ở cửa, tôi nghe Trung uý Nguyễn Tiến Nhã, Tổ phó tổ công tác nói mấy câu gì đó với ông Triệu Xuân Tiến, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Luông nhưng không tài nào hiểu nổi. Hoá ra họ trao đổi bằng tiếng dân tộc Tày. 

“Mình vừa hỏi thăm bác về tình hình đàn lợn 10 con mà tổ bỏ tiền túi ra mua để hỗ trợ, giao hai hộ chăn nuôi. Đây là cách làm vừa tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vừa tạo sự gần gũi, gắn kết…”, Trung uý Nhã lý giải. 

Anh kể, ngày Tết ở Bắc Kạn, khắp các bản làng, nhà nào cũng cố gắng nuôi lấy con lợn béo, chuẩn bị gạo, nếp để gói bánh chưng, nấu rượu, đồ xôi… Tổ công tác đã sớm hiểu phong tục này và đã chuẩn bị lợn con để các hộ dân nơi đây vỗ béo, chờ ngày xẻ thịt cuối năm…

Rời Bắc Kạn nhưng dư âm mùi khói từ bếp nhà ai, xen lẫn khói từ những gốc rạ đã đốt, hoà quyện với hương rượu nồng nàn như vẫn lan toả đâu đây, tạo nên không khí ngày xuân ấm cúng, rộn ràng. Màu xanh thẳm của núi rừng và áo chàm bện với sắc hồng của hoa đào và má hồng sơn nữ thật khó quên. Cả những câu si, câu lượn ngọt ngào đắm say vương vấn… đã góp phần tạo nên bức tranh độc đáo ngày Tết miền núi Đông Bắc Tổ quốc. Đặc biệt, màu trang phục CAND trở thành điểm nhấn trong bức tranh thực tế cuộc sống đó, cũng như việc họ trở thành một phần máu thịt thân quen của nhân dân từ thuở nào, nơi mùa xuân đến sớm…

Quỳnh Vinh
.
.