Những kết quả quan trọng của Cảnh sát PCCC trong cứu nạn, cứu hộ

Thứ Sáu, 04/10/2019, 09:00
Ngày 18-7-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC), có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2017. Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ra đời đánh dấu vai trò quan trọng, nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác CNCH của lực lượng PCCC.


Đến nay, nhìn lại 2 năm kể từ khi Nghị định đi vào cuộc sống, công tác CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn xã hội trước tình hình nguy cơ về sự cố, tai nạn, thiên tai, lụt bão ngày càng phức tạp và gia tăng.

Lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ sập nhà tại Hà Nội. Ảnh: CTV

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực CNCH ngày càng rõ nét, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ Trung ương tới các quận, huyện, phường, xã. Chính điều này đã tạo nên diện mạo mới cho công tác CNCH trong thời gian qua. Ngay sau khi Nghị định 83/2017/NĐ-CP được ban hành, việc phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị định được tiến hành rộng khắp, thu hút sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. 

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về  PCCC và CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành Thông tư 08/2018/TT-BCA ngày 05/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2017/NĐ-CP. Trong đó, Thông tư đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng Cảnh sát CNCH bảo đảm đủ lực lượng thường trực sẵn sàng CNCH 24/24h.

Bên cạnh đó, tính chuyên trách, chuyên nghiệp trong CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC luôn được coi trọng. Để bảo đảm các yêu cầu đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an lần đầu tiên tổ chức thành công Hội thi thể thao nghiệp vụ CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC lần thứ I năm 2017 tại 12 cụm trên toàn quốc với 173 đội tham dự thi và Hội thi chung kết thể thao nghiệp vụ CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC lần thứ I năm 2018.

Để triển khai đồng bộ các mặt công tác CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCA ngày 27-6-2019 về tăng cường công tác CNCH của lực lượng CAND trong tình hình mới. 

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kịp thời cứu nạn nhân ra khỏi đám cháy trên phố Núi Trúc (Hà Nội) ngày 10-9.

Với chức năng là đơn vị thường trực cho Bộ Công an về công tác tìm kiếm CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã ban hành Kế hoạch số 2077/KH-C07-P6 ngày 30-7-2019 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an gửi cho các đơn vị trực thuộc C07 và PC07 Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả CNCH của các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ, kĩ năng tìm kiếm CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành.

Cùng với đó, nhờ có sự vào cuộc của các cấp Bộ, ngành, từ Trung ương tới địa phương trong công tác CNCH, đặc biệt là các cơ quan ngôn luận, báo chí, truyền thông, nhận thức của người dân về lĩnh vực này đã chuyển biến rõ rệt. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về CNCH của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cũng đã được nâng lên. 

Trong vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) hồi tháng 3-2018, lực lượng Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn cho hàng nghìn người thoát nạn trực tiếp đưa hàng trăm người bị thương ra khu vực an toàn để lượng y tế tổ chức sơ cấp cứu, tìm kiếm và đưa 13 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý; vụ cứu 21 nạn nhân bị mắc kẹt trong thang máy ngày 5-6-2019 tại cao ốc trên đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh; vụ cứu  em bé bị kẹt giữa 2 bức tường nhà dân ngày 20-3-2019 tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; vụ cứu 4 người bị thương và tìm kiếm 1 thi thể nạn nhân trong sự cố, tai nạn sập nhà ngày 30-11-2017 tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai...

Theo thống kê, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 31-8-2019, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 5.897 vụ CNCH, trong đó đã tổ chức hướng dẫn thoát nạn được hàng nghìn người; trực tiếp cứu được 866 người; tìm kiếm được 537 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Có thể nói Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng của công tác cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan chức năng, ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật về CNCH của người dân đã có những tiến bộ rõ rệt, từng bước phát huy được sức mạnh của toàn dân trong thực hiện công tác CNCH. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CNCH cũng còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: Tỷ lệ ngân sách đầu tư cho công tác CNCH, trang bị phương tiện, vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều nơi có lực lượng CNCH tại chỗ nhưng không duy trì hoạt động thường xuyên, thiếu đào tạo, huấn luyện các kỹ năng CNCH cơ bản nên không phát huy được vai trò CNCH tại chỗ, ban đầu. 

Bên cạnh đó, tình hình sự cố, tai nạn vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư. Đã xảy ra nhiều vụ sự cố, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thời gian vừa qua, điển hình như: Các vụ lũ, lụt ở các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nam Bộ; lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá ở khu vực Tây Bắc...

Những khó khăn, bất cập trên có nhiều nguyên nhân, trong đó khách quan do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ ống, lũ quét, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập... 

Song về mặt chủ quan là do cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa huy động được sức mạnh toàn dân trong công tác CNCH; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CNCH ở nhiều nơi còn thiếu và chưa đồng bộ; lực lượng chuyên trách làm công tác CNCH ở nhiều nơi còn thiếu và yếu; việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân về CNCH còn hạn chế; biên chế, mạng lưới lực lượng Cảnh sát PCCC làm công tác CNCH còn chưa rõ ràng, thống nhất (vận dụng theo lực lượng làm công tác chữa cháy); phương tiện CNCH còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ CNCH...

Cán bộ Cảnh sát đưa trẻ em qua dòng lũ dữ.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn cứu hộ, toàn lực lượng PCCC và các đơn vị chức năng phải phối hợp chặt chẽ và quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Đối với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH:

Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham mưu cho Bộ Công an trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác CNCH. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị địa phương tập trung huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật CNCH cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm sát với tình hình, đặc điểm, nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn của từng khu vực, vùng miền và sự phát triển kinh tế xã hội.

Các đơn vị chức năng thuộc Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn, huấn luyện định kỳ hàng năm cho lực lượng Cảnh sát PCCC, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành và lực lượng dân phòng.

Đối với Công an các tỉnh, thành phố:

Quan tâm xây dựng, nâng cao năng lực CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ CNCH các vụ sự cố,  tai nạn theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; áp dụng chế độ chính sách phù hợp cho đối tượng này để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ CNCH các vụ sự cố, tai nạn xảy ra. Đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố và kiện toàn tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành.

Nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung của Nghị định số 83/NĐ-CP, trong đó xác định các nội dung trọng tâm cần triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp có liên quan và bố trí kinh phí kèm theo để tổ chức thực hiện.

Nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí quỹ đất phục vụ xây dựng trụ sở làm việc, doanh trại của các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH bảo đảm bao quát được các địa bàn phân công quản lý; bảo đảm ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, bố trí đủ kinh phí đầu tư thực hiện các dự án trang bị phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo đặc thù của từng đơn vị, địa phương.

Các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH:

Phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về CNCH, nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và bảo đảm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Chủ động rà soát, tổ chức xây dựng, diễn tập, thực tập phương án CNCH theo quy định của pháp luật, trong đó tập trung giải quyết các tình huống sự cố, tai nạn cơ bản với sực tham gia của các lực lượng mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC, trên cơ sở phát huy hết khả năng phương tiện, thiết bị hiện có và huy động tối đa tiềm lực của đơn vị, địa phương... 

Tổ chức thống kê, theo dõi và phân tích nguyên nhân, tính chất, đặc điểm các vụ sự cố, tai nạn xảy ra trên lĩnh vực, địa bà quản lý để chủ động có các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, xử lý, từ đó kịp thời báo cáo, tham mưu với Bộ Công an, với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả công tác CNCH.

Điều tra, rà soát các cơ sở, khu vực, địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn để hướng dẫn cho chính quyền địa phương và người đứng đầu cơ sở có biện pháp phòng ngừa theo quy định; các điều kiện, nguồn lực của địa phương để huy động tham gia xử lý các sự cố, tai nạn xảy ra.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH
.
.