Nghĩa tình của những người dân hiến đất xây dựng Khu lưu niệm Sáu điều Bác dạy CAND
- Nhiều hoạt động đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND
- Gấp rút chuẩn bị các hoạt động tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND
Nhìn công trình bề thế, với nhiều công trình quan trọng như Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; phù điêu; sân hành lễ; nhà đón tiếp, quản lí; hồ nước; bãi đỗ xe, sân đường nội bộ, hệ thống điện, cấp thoát nước... ít ai có thể tưởng tượng rằng, mới khoảng 6 tháng trước nơi đây là khu ruộng và nhà ở của một số hộ dân.
Bên cạnh công trình là khu chùa Đại Phúc (còn gọi là Chùa Tứ Giáp) – là nơi cán bộ, chiến sĩ Công an khu XII (gồm Công an các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hòn Gai (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) làm việc từ cuối năm 1946 đến năm 1948.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, từ năm 2013, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức những buổi gặp gỡ với nhiều nhân chứng ở Nhã Nam để xác minh địa điểm đóng quân của Công an Khu XII và là nơi lãnh đạo Công an tỉnh đã từng làm việc; đề xuất kế hoạch xây dựng khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Đến nay, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, là nơi ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Bác dành cho lực lượng CAND; là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho các thế hệ CBCS CAND.
Lễ khởi công xây dựng Công trình lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. |
Để có diện tích đất xây dựng khu lưu niệm, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến đất. Hơn 100 hộ dân có ruộng, 6 hộ dân có nhà ở - đều là những người có đất cha ông để lại trong diện phải di dời. Phải xa mảnh đất chôn rau, cắt rốn – nơi cha ông mình từng ở, truyền qua nhiều đời nên khi các cán bộ Công an cùng chính quyền địa phương đến vận động, nhiều người không khỏi tiếc nuối. Thế nhưng không một ai gây khó khăn, không một ai chần chừ, tất cả đều sẵn lòng, bởi họ hiểu, việc tự nguyện hiến đất, chung tay xây dựng một công trình lịch sử cũng là cách để gìn giữ, tiếp nối truyền thống cách mạng.
Ngày khởi công công trình, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trân trọng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, huyện Tân Yên, đặc biệt là nhân dân xã Nhã Nam và các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã quan tâm, giúp đỡ lực lượng Công an xây dựng công trình.
Gia đình ông Giáp Anh Dũng là một trong những gia đình hiến đất cho công trình. Nhiều đời nay, gia đình ông sống cạnh chùa Đại Phúc. Lúc bé, ông thường vào chùa chơi, thường được các cụ trong làng kể chuyện về những cán bộ Công an từng hoạt động bí mật ở đây, từng giúp người dân lao động, làm việc đồng áng và dạy thiếu niên học hành. Tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất lịch sử này, ông Dũng gần như thuộc nằm lòng chuyện về các cán bộ Công an giúp dân, về những dấu vết bom đạn mà giặc Pháp để lại sau khi cơ sở bị lộ, các cán bộ Công an rút đi.
Ngôi nhà mới của gia đình ông Dũng được địa phương bố trí ngay cạnh khu lưu niệm đã được hoàn thành trước Tết Mậu Tuất. So với nhà cũ thì ngôi nhà này khang trang, đẹp đẽ hơn, lại ngay trên đường chính vào khu lưu niệm. Diện tích dù không bằng trước kia nhưng ông vẫn thấy rất vui vì được đóng góp phần nhỏ bé của mình cho khu lưu niệm.
Một trong những hộ hiến nhiều đất nhất để xây dựng khu lưu niệm – với hơn 1.000m2 đó là hộ ông Đỗ Văn Nguyện. Chỉ cho chúng tôi vị trí nơi gia đình mình từng ở, ông Nguyện hào sảng: “Chỗ này là nhà ở, chỗ này là bếp, chỗ này nhà ngang, chỗ này chuồng lợn... hơn 1.000m2 đất với nhiều dãy nhà, cây cối trồng lâu năm đều đã được thu hoạch”.
Vị trí gia đình ông Nguyện chỉ mấy tháng trước, nay đã ở giữa công trình – nơi xây dựng hồ nước và những công trình khác. Ông Nguyện cho biết, theo quy định của địa phương, mỗi hộ di dời được đền bù 340m2 đất để làm nên mặc dù đất nhiều hơn các hộ khác, cũng được đền bù bằng nhau. “Dù thiệt thòi hơn nhưng tôi vẫn nhất trí di dời ngay để bàn giao mặt bằng cho công trình” – ông Nguyện cho biết.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch xã Nhã Nam cho biết: “Khi Bộ Công an có quyết định xây dựng khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trên địa bàn xã Nhã Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân rất phấn khởi và đồng lòng ủng hộ. Trong đó, 6 hộ dân phải di chuyển. Chúng tôi đã bố trí 5 hộ ra phía đường ngoài khu lưu niệm, 1 hộ theo nguyện vọng về phía trong.
Ngoài ra, còn có 138 hộ có đất nông nghiệp. Khi chính quyền và Công an đến vận động hiến đất, 100% các hộ dân đều đồng tình bàn giao mặt bằng. Sở dĩ như vậy, bởi chính quyền và nhân dân rất phấn khởi bởi trên địa bàn có khu di tích về Bác. Sự vinh dự này không chỉ riêng cho xã Nhã Nam chúng tôi mà còn cho cả huyện Tân Yên. Chúng tôi tự hào về điều đó”.
Được biết, để lưu giữ truyền thống cách mạng, lưu giữ những kỷ niệm về Bác, về Công an khu XII, xã Nhã Nam đã thu thập các tài liệu, bài viết về Sáu điều Bác Hồ dạy trên địa bàn. Trong lịch sử Đảng bộ xã, cũng còn ghi giữ tài liệu về những tháng ngày Công an Khu XII làm việc ở đây.
Về Nhã Nam những ngày này, không khí phấn khởi tràn ngập trong làng, ngoài xóm. Chưa bao giờ ở địa phương lại có công trình lớn và có ý nghĩa đến như vậy. Đối với họ, vinh dự tự hào là nơi có truyền thống cách mạng; nơi khởi nguồn của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong thời kỳ cam go của lịch sử, để hôm nay, con em họ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tiếp nối truyền thống cha anh.