Kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống lực lượng Hậu cần Cảnh sát (20-12-1981 - 20-12-2016)

Lực lượng Hậu cần Cảnh sát đóng góp quan trọng vào mỗi chiến công

Thứ Ba, 20/12/2016, 08:11
Đằng sau mỗi chiến công các chiến sĩ l Cảnh sát nhân dân có phần đóng góp xứng đáng, quan trọng của lực lượng Hậu cần Cảnh sát. Hơn 35 năm qua, kể từ khi tái lập, Cục Hậu cần Cảnh sát thuộc Tổng cục Cảnh sát luôn lặng lẽ góp chiến công, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, chiến đấu cho toàn lực lượng, chăm lo đời sống, sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS).


Hơn 42.000 vụ án được điều tra, khám phá; bắt giữ hơn 80.000 đối tượng, đó là số liệu chưa đầy đủ chúng tôi cập nhật được do lực lượng Cảnh sát nhân dân toàn quốc đã lập được từ đầu năm 2016 đến nay.

Đằng sau mỗi chiến công có phần đóng góp xứng đáng, quan trọng của lực lượng Hậu cần Cảnh sát. Hơn 35 năm qua, kể từ khi tái lập, Cục Hậu cần Cảnh sát thuộc Tổng cục Cảnh sát luôn lặng lẽ góp chiến công, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, chiến đấu cho toàn lực lượng, chăm lo đời sống, sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS). Vinh dự và tự hào, dịp kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống, đơn vị được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba.

Đại tá Nguyễn Xuân Hải, Cục trưởng Cục Hậu cần Cảnh sát cho biết: Thực hiện Nghị định 106/2014/NĐ-CP ngày 17-11-2014 của Chính phủ, Cục Hậu cần Cảnh sát được tái thành lập trên cơ sở sát nhập các bộ phận làm công tác hậu cần của 2 đơn vị là Cục Chính trị Cảnh sát phòng chống tội phạm và Cục Chính trị Cảnh sát quản lý hành chính.

Những năm qua, Cục Hậu cần Cảnh sát đã có những đóng góp quan trọng trong công tác hậu cần, đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH).

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác hậu cần, tài chính nhưng Cục Hậu cần Cảnh sát đã chủ động nắm, dự báo tình hình để tham mưu với Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị cùng phối hợp với Cục Hậu cần Cảnh sát trong việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các đơn vị trực tiếp chiến đấu, các đơn vị nghiệp vụ, các đơn vị chuyên ngành và những đơn vị mới thành lập .

Nói thì đơn giản vậy nhưng để có được kết quả đó thì từ lãnh đạo đến mỗi CBCS làm công tác hậu cần luôn phải có tư duy nhạy bén, dự báo tình hình sát với thực tế, từ đó khảo sát nhu cầu sử dụng trang thiết bị của từng đơn vị để đảm bảo nguồn hoạt động cho các đơn vị trong Tổng cục được ổn định, sử dụng nguồn ngân sách có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Lãnh đạo Cục Hậu cần Cảnh sát kiểm tra trang thiết bị phục vụ công tác, chiến đấu.

Đại tá Nguyễn Xuân Hải cho biết thêm, công tác hậu cần Cảnh sát có đặc thù là đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo TTATXH. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, công tác hậu cần đã đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trên niều lĩnh vực, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn của cơ sở, cập nhật khoa học kỹ thuật tiên tiến... để đảm bảo phục vụ triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các kế hoạch công tác lớn của Bộ Công an.

Những năm qua, Cục Hậu cần Cảnh sát đã làm tốt chức năng hậu cần đảm bảo phục vụ chiến đấu của cơ quan Tổng cục Cảnh sát và một phần đảm bảo trang bị cho hệ lực lượng Cảnh sát Công an các địa phương. 

Xác định việc tăng cường phương tiện nghiệp vụ không chỉ làm tăng khả năng cơ động chiến đấu mà còn giúp cho lực lượng Cảnh sát chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Cục Hậu cần Cảnh sát đã tập trung chủ động tham mưu cho Tổng cục, bám sát các chủ trương, định hướng công tác lớn của Bộ, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hậu cần đảm bảo đáp ứng kịp thời công tác giữ gìn TTATXH, thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình phòng chống ma tuý, Chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.

Cục đã làm tốt công tác tham mưu với Tổng cục có các quy định về quản lý tài chính, tài sản, quy định về quản lý các đề án, dự án, về chế độ sử dụng thông tin liên lạc, vận tải, mua sắm vật tư trang thiết bị, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng phương tiện, xăng dầu... cũng như việc thực hiện chính sách, lề lối làm việc về công tác hậu cần, tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, chiến đấu.

Cục Hậu cần Cảnh sát đã chủ động giám sát chặt chẽ các nguồn thu chi và tăng cường kiểm tra hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nguồn kinh phí đúng quy định. Việc kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được coi trọng. 

Đã chỉ đạo tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được cấp tại các đơn vị kinh phí cấp 3. Đơn vị thực hiện đúng nguyên tắc, minh bạch chặt chẽ, các chủng loại, hàng hoá mua sắm đã phát huy tác dụng tốt góp phần nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát.

Đặc biệt trong điều kiện mới hợp nhất hai Tổng cục, nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế, Cục đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong Tổng cục, chủ động tạo nguồn hoạt động, đề xuất bổ sung kinh phí phục vụ công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng; giải ngân mua sắm các nguồn kinh phí dự án đúng quy định, đáp ứng kinh phí phục vụ các yêu cầu công tác thường xuyên cũng như đột xuất của Tổng cục.

Thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục về công tác hậu cần, đơn vị đã phát huy được các nguồn lực để các đề án, dự án đầu tư trang bị đáp ứng tối đa cho công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo TTATXH.

Các dự án đầu tư trang bị đều được thực hiện kịp thời, chất lượng, đã tạo được sức mạnh cho các đơn vị nghiệp vụ, góp phần to lớn vào công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng của lực lượng Cảnh sát trong tình hình mới; tạo được thế chủ động ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp về TTATXH, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về ANTT trên cả nước...

Một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt luôn được thực hiện hằng năm mà Đại tá Nguyễn Xuân Hải đề cập đến chính là công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng. 

Ở một đơn vị công tác gắn với lĩnh vực "nhạy cảm" liên quan trực tiếp đến tài chính, hậu cần, phân bổ kinh phí, đảm bảo các trang thiết bị mua sắm... thì ngoài phải có năng lực, trình độ chuyên môn cao, từ người lãnh đạo chỉ huy đến mỗi CBCS đều phải gương mẫu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công việc được giao.

Nhờ sâu sát thực tế, nắm bắt tình hình tư tưởng mỗi CBCS từ đó động viên, quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, toàn thể CBCS Cục Hậu cần Cảnh sát đều đoàn kết, đồng sức đồng lòng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2010, Đảng bộ Cục Hậu cần Cảnh sát được Đảng ủy Công an Trung ương tặng Cờ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh 5 năm liền (2006 - 2010); 5 năm liên tục (2011-2015) đều được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; năm 2016 được Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tặng Bằng khen Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu 5 năm liền (2011- 2015).

Với các thành tích đạt được, Cục Hậu cần Cảnh sát nhiều lần được Chính phủ, Bộ Công an tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc"; nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng... đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập, Cục Hậu cần Cảnh sát vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Anh Hiếu
.
.