Lực lượng Công an góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chủ Nhật, 01/10/2017, 08:14
Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu vừa diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Được ví như “Hội nghị Diên Hồng” bàn về quyết sách phát triển bền vững, thịnh vượng cho vùng đất này tầm nhìn đến năm 2100 với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ.


Bên lề hội nghị quan trọng này, phóng viên trò chuyện chủ nhật Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Phóng viên (PV): Thưa Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị đồng chí Thứ trưởng đánh giá một số vấn đề nổi bật về tình hình an ninh trật tự (ANTT) trong vùng ĐBSCL thời gian qua?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: ĐBSCL là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng - an ninh. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của lực lượng Quân đội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, trong đó có Công an các địa phương vùng ĐBSCL, đã phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch bảo đảm ANTT; tổ chức tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; điều tra, xử lý kịp thời nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp về ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam.

Xây dựng nền An ninh nhân dân, thế trận An ninh nhân dân vững chắc, gắn kết chặt chẽ với nền Quốc phòng toàn dân, thế trận Quốc phòng toàn dân. Giữ vững thế chủ động chiến lược, không bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; kiềm chế gia tăng tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các chính sách an sinh xã hội vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, tình hình ANTT trong vùng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Bên cạnh các yếu tố an ninh truyền thống, các yếu tố an ninh phi truyền thống trên địa bàn diễn biến phức tạp, nổi lên là an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh nông thôn. Điển hình, là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề đối với chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong vùng do thiếu nước. Điều này cho thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT trong vùng.

Với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, các khu công nghiệp phát triển nhanh đang tạo áp lực không nhỏ đến môi trường. Tình trạng di cư từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã gây ra thiếu hụt lao động tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và hàng loạt hệ lụy về bảo đảm an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội tại nơi người dân di cư đến. Tranh chấp đất đai, khiếu kiện trong quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề về ANTT. Trong khi đó, tình hình tội phạm tại các tỉnh vùng ĐBSCL cũng diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng. 

PV: Hội nghị quan trọng lần này đã chỉ ra nhiều thách thức đối với vùng ĐBSCL trong tương lai. Vậy trên lĩnh vực ANTT, đồng chí Thứ trưởng có thể chia sẻ những vấn đề đặt ra đối với toàn khu vực thời gian tới?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: Chúng ta đều biết ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hằng năm, tổng sản lượng lương thực của vùng chiếm 50% tổng sản lượng của cả nước, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vai trò của ĐBSCL không chỉ hết sức quan trọng với an ninh lương thực của Việt Nam mà còn với thế giới. 

Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh, đặc biệt là do tác động của biến đổi khí hậu. ĐBSCL là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng nước biển dâng và thiếu hụt nước ngọt. Thậm chí, các nhà khoa học còn dự báo toàn bộ khu vực ĐBSCL sẽ biến mất trong 100 năm nữa nếu tình trạng sạt lở và sụt lún không được khắc phục.

Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế, đời sống người dân trong vùng nói riêng, cả nước nói chung. Qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. 

Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng… 

Vì vậy, nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh môi trường tại khu vực sẽ ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng sẽ tạo ra các vấn đề xã hội, trở thành điều kiện để phát sinh tội phạm và nhiều vấn đề an ninh xã hội khác. 

PV: Trong bối cảnh đó, theo đồng chí Thứ trưởng, lực lượng Công an nhân dân cần làm gì để góp phần bảo đảm phát triển bền vững cho ĐBSCL?

Thứ trưởng Bùi Văn Nam: Trước hết, lực lượng Công an nhân dân cần nâng cao nhận thức về các thách thức đe dọa ANTT vùng ĐBSCL trong tình hình mới, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống. Từ đó, kịp thời báo cáo, tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các giải pháp bảo đảm ANTT, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tham gia tích cực trong quá trình xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực ở vùng ĐBSCL, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, cần làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo sớm các vấn đề ANTT phát sinh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề an ninh nông thôn, di dịch cư để chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, đề án, kế hoạch bảo đảm ANTT đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Công an các địa phương trong khu vực cần làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế; làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về ANTT phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, thương mại, du lịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

VĂN ĐỨC (thực hiện)
.
.