Khi chính quy Công an xã, những cán bộ Công an xã hiện nay làm việc gì?

Thứ Bảy, 10/11/2018, 06:54
Theo điều 17 dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định Hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân (CAND) thì Công an xã, thị trấn được quy định là một cấp trong CAND, có nghĩa là, Công an xã sẽ là một bộ phận cấu thành của CAND, đều phải chịu điều chỉnh theo Luật như tất cả các lực lượng khác trong CAND, là lực lượng chính quy chứ không còn bán chuyên trách như trước đây.


Chính quy Công an xã là chủ trương đúng đắn, cần thiết

Thảo luận về điều này, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với quy định Công an xã là một lực lượng chính quy của CAND, là 1 trong 4 cấp trong CAND, phù hợp với chủ trương “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”  và thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, bảo đảm tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) khẳng định, Công an xã, thị trấn thuộc lực lượng chính quy là cần thiết. Thời gian qua, lực lượng này vẫn làm nhiệm vụ chức năng không khác Công an phường nhưng lại là lực lượng bán chuyên trách, chuyên môn chỉ đào tạo sơ cấp, được tuyển chọn không kỹ càng, được chính quyền địa phương tuyển và bổ nhiệm như vậy chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ. Cho nên việc quy định Công an xã, thị trấn là lực lượng chính quy mới đáp ứng được yêu cầu theo tình hình hiện nay, nâng cao tính chuyên nghiệp và đào tạo bài bản, không phân biệt Công an xã, phường.

Công an xã tham gia với Công an chính quy đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Lâm Đồng cũng khẳng định việc tổ chức Công an chính quy ở xã là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo lo lắng về việc bố trí lực lượng Công an xã hiện nay như thế nào nếu bố trí Công an chính quy ở xã vì phần lớn lực lượng Công an xã không đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện về bằng cấp, nghiệp vụ để chuyển thành Công an chính quy, nhưng họ là lực lựng có kinh nghiệm thực tiễn nắm bắt địa bàn, đối tượng. 

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng khẳng định việc chính quy Công an xã là chủ trương đúng đắn theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. 

Đại biểu nêu rõ: “Theo đề án sẽ có lộ trình thực hiện, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có xuống đảm nhiệm các chức danh của Công an xã. Như vậy, sẽ điều chuyển nhiều cán bộ ở Trung ương xuống tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện và chuyển huyện xuống xã. Việc làm này hoàn toàn chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ, không làm tăng biên chế ngành, trước mắt bố trí tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất toàn quốc”. 

Đồng thời, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị phải có phương án cụ thể thực hiện đồng bộ giữa Đề án sắp xếp Công an chính quy với việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động như chế độ, chính sách, đào tạo bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an chính quy, nhất là trang bị công cụ hỗ trợ tốt, phù hợp và kịp thời, chú ý vùng đồi núi, ven biển, sông nước để giúp lực lượng Công an này trực tiếp đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, khi cần thiết phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trấn áp đủ mạnh để khống chế các đối tượng manh động.

Lực lượng Công an xã hiện nay vẫn tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Bàn về vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết thống nhất quy định đối với các xã, thị trấn đã tổ chức Công an chính quy, Phó trưởng Công an xã, Công an viên được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở theo sự phân công của Trưởng Công an xã và được giữ nguyên chế độ chính sách như đối với Công an viên như theo quy định của Pháp lệnh Công an xã số 06 ngày 21-11-2008 cho đến khi có quy định mới. 

Đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh:  “Quy định như thế này, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề khi chúng ta bố trí Công an chính quy thì những đồng chí Trưởng Công an xã, Phó Công an xã, Công an viên mà chưa sắp xếp, bố trí được công việc mới, chưa chọn được vị trí phù hợp trong lộ trình tinh giản biên chế thì vẫn được hưởng các chế độ cho đến khi có quy định mới là tương đối phù hợp”.

Về việc bố trí công tác cho các cán bộ Công an xã hiện nay, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị, ở những địa bàn trọng điểm phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Công an chính quy cần gần dân, nắm chắc địa bàn, hòa nhập với phong tục, tập quán ở địa phương, nhất là biết nói tiếng dân tộc hoặc biết tiếng dân tộc. 

Cần thiết nên xem xét một số đồng chí đang đảm nhiệm Công an xã hiện tại là người dân tộc, người có thâm niên, có trình độ cơ bản, phẩm chất, năng lực, tận tụy với công việc, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đủ chuẩn Công an chính quy để tiếp tục công tác. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá tác động đầy đủ, có chính sách, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương xem xét và giải quyết từng trường hợp cụ thể trong lực lượng Công an xã, thị trấn hiện tại.

Tiếp thu, giải trình thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an cũng đánh giá lực lượng Công an xã là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là cơ sở, không thể thiếu được. Đây là một lực lượng mà lực lượng Công an phải dựa vào. 

“Theo lộ trình, chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội cho phép được xây dựng một dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh Công an xã đang có hiệu lực, đang thực hiện và tổng kết Pháp lệnh Lực lượng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. 

Hiện nay, ở các xí nghiệp, cơ quan còn tồn tại một lực lượng bảo vệ cũng làm những nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở trong cơ quan, xí nghiệp của mình cũng phải điều chỉnh theo luật pháp, tổng kết Nghị định 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố. 

Tất cả những văn bản dưới pháp luật sẽ được điều chỉnh. Đây là lực lượng quần chúng tham gia và thậm chí còn phát triển hơn với lực lượng Công an xã không chính quy ở các địa phương khi lực lượng Công an chính quy làm nòng cốt ở các cơ sở này. 

Đây là hướng để giải quyết lực lượng này chứ không phải bây giờ đều chuyển ra các lực lượng khác và không tham gia lực lượng bảo vệ trật tự trị an ở cơ sở” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phương Thủy
.
.